Đại biểu Dương Xuân Hòa - Lạng Sơn

3 khó khăn, thách thức

Báo cáo số 171 ngày 6 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, trong phần đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã nêu hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới gắn liền với kết quả tích cực từ việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có 3.838 xã đạt 43,02% và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, theo đại biểu Dương Xuân Hòa , thì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngoài một số khó khăn hạn chế về năng lực điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ về nguồn lực đầu tư thì vẫn phải đối diện với một số khó khăn, thách thức, đó là:

Thứ nhất, khoảng cách chênh lệch về kết quả thực hiện nông thôn mới giữa các địa phương, các vùng miền còn khá lớn. Đơn cử như các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng có 75,33% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, kết quả này lần lượt ở các địa phương sẽ là Đông Nam Bộ có 67,64%, Duyên hải Nam Trung Bộ có 39,03%, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 35,48% trong khi đó các địa phương ở vùng miền núi phía Bắc chỉ có 21,54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Có nhiều địa phương trong cả nước cơ bản hoàn thành nông thôn mới trên địa bàn để chuyển sang nâng cao xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Thì một số nơi khác có số xã đạt chuẩn nông thôn mới rất thấp.

Chính vì vậy, dự báo về bối cảnh trong nước năm 2019, Báo cáo của Chính phủ cũng đã đề cập chênh lệch giàu, nghèo có xu hướng gia tăng đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Thứ hai, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, tỷ lệ nghèo… Riêng dịch tả lợn châu Phi là khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi làm giảm sản lượng thịt lợn, giảm đàn ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng ngành, thu nhập và đời sống của người nuôi. Thứ ba, lực lượng lao động trực tiếp ở nông thôn theo hướng chung là cơ cấu lao động tích cực chuyển theo hướng tích cực, từ nông nghiệp thủy sản giảm từ 37,7% cuối năm 2018 xuống còn 35,4% sang khu vực xây dựng, công nghiệp và dịch vụ. Đây là những yếu tố tác động đến lao động việc làm ở nông thôn.

Làm gì để hoàn thành mục tiêu đặt ra trước hạn?

Với những kết quả đã đạt được cả về số lượng cũng như chất lượng xây dựng nông thôn mới năm 2018, Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo sớm hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 xây dựng nông thôn mới ngay trong năm 2019.

Theo đó, ngoài việc có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và cả nước không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như trong báo cáo Chính phủ đã nêu, đại biểu đến từ đoàn Lạng Sơn đề xuất 4 giải pháp.

Một, tiếp tục đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới theo hướng trực tiếp đến người dân được thụ hưởng chương trình này, nhằm kích thích, khơi dậy ý chí, năng lực vươn lên để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí bằng chính nguồn lực trực tiếp của người dân. Triển khai thực chất phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới với tinh thần bứt phá về đích nông thôn mới trước 1 năm.

Hai, tập trung rà soát các tiêu chí cụ thể từng xã để phân loại đánh giá chính xác đâu là tiêu chí cần vận động người dân thực hiện và đâu là tiêu chí cần các nguồn lực đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ. Đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, bảo đảm ưu tiên các nguồn lực để triển khai đề án hỗ trợ thôn, bản thuộc các xã khó khăn, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 1385 ngày 21 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Ba, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, bảo đảm hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, tăng khảnăng cạnh tranh nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn dập dịch tả lợn châu Phi, theo dõi sát diễn biến thời tiết, thị trường để kịp thời điều chỉnh quy mô cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững.

Bốn, tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là tình hình phân bổ, sử dụng các nguồn vốn, bảo đảm nguyên tắc công khai, đặc biệt là các khoản đóng góp của người dân.

Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân để có giải pháp tạo việc làm và thu nhập thông qua các chính sách bảo đảm đất sản xuất, ưu đãi tín dụng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Thực hiện chính sách an sinh xã hội./.