Thời gian qua, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội đã tham mưu cho thành phố nhiều văn bản trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” và tham mưu UBND thành phố, Sở NN&PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố công nhận xã An Mỹ và Xuy Xá (huyện Mỹ Đức) đạt chuẩn NTM và 3 xã (Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018.

Cùng với đó, tổ chức Đoàn thẩm định của UBND thành phố thẩm tra, đánh giá các tiêu chí huyện NTM đối với 3 huyện (Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ). Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục công nhận 2 huyện (Quốc Oai, Gia Lâm) báo cáo UBND thành phố trình Bộ NN&PTNT thẩm định, trình cấp có thẩm quyền công nhận 2 huyện đạt chuẩn NTM năm 2018.

Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội cũng đã lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã về Bộ tiêu chí thôn, làng, cụm dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu thống nhất trước khi trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.

Thường xuyên bám sát địa bàn, kịp thời phản ánh khó khăn vướng mắc ở cơ sở và đề xuất giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở nâng cao tiến độ và hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM…

Đến nay, Hà Nội đã có 4 huyện đạt chuẩn NTM; 2 huyện (Gia Lâm, Phúc Thọ) đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình đề nghị Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018.

''Con đường bích họa'' góp phần tô điểm cho nét đẹp đường làng, ngõ xóm xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng

Đặc biệt, Thành phố đã có 325 xã (chiếm 84,2% tổng số xã trên địa bàn thành phố) đạt chuẩn NTM, về đích trước 02 năm so với kế hoạch đề ra và có 3 xã (Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung) huyện Đan Phượng đã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018.

Hà Nội đang hướng đến xây dựng NTM nâng cao. UBND Thành phố đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020. Trên cơ sở đó, Tthành phố chỉ đạo các huyện, thị xã rà soát, lựa chọn và tổ chức cho các xã đăng ký. Cùng với đó chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Đơn cử như tại Đan Phượng, huyện đầu tiên của Thủ đô đạt chuẩn NTM, trước khi có bộ tiêu chí mới và hướng dẫn của thành phố, huyện đã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại các xã: Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung với những điểm nhấn: Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận.

Tuy nhiên, xây dựng NTM ở Hà Nội thời gian qua vẫn còn một số bất cập như: công tác tuyên truyền chưa sâu rộng; cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến xã đều kiêm nhiệm, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc.

Việc quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn yếu, đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế trong việc thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo của người tiêu dùng.
Để làm tốt hơn nữa, thời gian tới cần thực hiện xây dựng NTM bảo đảm chất lượng, đồng bộ, hiệu quả, bền vững, gắn kết với phát triển du lịch, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tập trung các nguồn lực trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia để đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng cho nông thôn, nhất là các lĩnh vực môi trường, xử lý rác, nước thải, cung cấp nước sạch. Đồng thời tích cực tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung hỗ trợ giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo thêm việc làm cho nông dân./.