Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội thảo

Thành tựu lớn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sự khởi sắc của bức tranh nông thôn là chuyển biến rõ nét nhất trong giai đoạn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao. Kết quả đạt chuẩn nông thôn mới tăng mạnh.

Đến nay, sau gần 10 năm triển khai Chương trình và 6 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Tính đến tháng 6/2019, cả nước đã có hơn 4.900 số xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 50,01% số xã cả nước, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu đề ra của Chương trình đến năm 2020.

“Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, sự đồng thuận của người dân đã mang lại những đổi thay mang tính toàn diện cho “tam nông”, xóa tan những hoài nghi về những mục tiêu đặt ra ban đầu của chương trình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường, đời sống vật chất của hộ gia đình nông thôn thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị gia đình đến điều kiện nhà ở.

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, cả nước đã hoàn thành một khối lượng đường giao thông nông thôn hơn gấp 5 lần của giai đoạn 2001-2010, có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã.

Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đã tăng gấp 3 lần từ 12,8 triệu đồng năm 2010 lên 34 triệu đồng năm 2018. Kết quả giảm nghèo đạt nhiều thành tựu ấn tượng.

Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn giảm nhanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Qua kết quả điều tra của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy khoảng 84,78% số hộ nông dân hài lòng về xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Cường nhận định, đây là một kết quả rất tích cực, phản ánh sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng dân cư nông thôn đối với chương trình.

Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn đã mang lại những đổi thay mang tính đột phá cho ngành. Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu nông nghiệp tăng mạnh; công nghiệp dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đứng thứ 15 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á và đã xuất khẩu ra thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Song, vẫn cần thừa nhận rằng, chất lượng chưa như kỳ vọng

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng chỉ ra một số mặt hạn chế cơ bản của chương trình xây dựng nông thôn mới, như: Đời sống của người dân nông thôn các vùng khó khăn chưa đảm bảo, sinh kế thiếu bền vững. Tỷ lệ tái nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao, bình quân 5,1% số hộ thoát nghèo, thậm chí có nơi trên 50% tập trung chủ yếu ở các vùng miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa thực sự bền vững. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng giữa các vùng, miền còn khá lớn. Vai trò chủ thể của nông dân, sức mạnh chủ động của cộng đồng cơ sở chưa được đề cao.

Lao động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn (38,1% năm 2018), chủ yếu làm thủ công nên năng suất lao động thấp (chỉ bằng 38% năng suất lao động bình quân cả nước). Nông nghiệp phát triển thiếu bền vững; cơ sở hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống phai nhạt, tính gắn kết cộng đồng bị xói mòn; tệ nạn xã hội gia tăng, công tác đảm bảo an ninh trật tự còn nhiều hạn chế, xuất hiện nguy cơ xung đột xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng trầm trọng hơn, dễ dẫn tới xung đột về môi trường…

Cần phát huy tinh thần sáng tạo và nội lực của người dân

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2019, cả nước sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, những thành tựu và hạn chế của xây dựng nông thôn mới phải được đánh giá nghiêm túc, khách quan, đúng thực tế những gì làm được và chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, để chuẩn bị cho năm 2020 có thể ban hành kịp thời cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030.

Thời gian tới, cần xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí và vai trò chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của toàn xã hội.

Xây dựng nông thôn mới cần gắn chặt với cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, nông thôn đảm bảo phát triển toàn diện và bền vững.

Khẳng định, xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, không có điểm dừng. Vì vậy, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải phát huy vai trò chủ thể của người dân, đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong vòng 10 -15 năm tới, quá trình chuyển đổi của nông nghiệp, nông thôn phải tránh được nguy cơ tụt hậu. Mục tiêu trong tương lai phải đảm bảo vai trò chủ thể thực sự của người dân, đảm bảo nông dân có đủ năng lực và cơ hội tham gia, hưởng thụ thành quả phát triển của đất nước; cư dân nông thôn có thu nhập ổn định; ngành Nông nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế; Phải phát huy được mọi nguồn lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới, trong đó cần quan tâm hơn nữa đến sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng khoa học công nghệ, sự đóng góp thiết thực của khu vực doanh nghiệp, và thúc đẩy những cách làm sáng tạo.

“Cần lấy thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu, cư dân nông thôn làm chủ thể, cộng đồng thôn, bản là đơn vị đánh giá. Chủ động phát huy tinh thần sáng tạo và nội lực của người dân” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để tăng trưởng toàn diện, tăng thu nhập, giải quyết tốt hơn vấn đề an ninh lương thực cho nhóm nghèo; phát triển nông thôn cần được triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững. Xây dựng nông thôn mới cần gắn chặt với bảo vệ môi trường./.