Đối với huyện Vũ Thư, sau 9 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm cho kinh tế của huyện Vũ Thư tăng trưởng nhanh; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2018 ngành nông lâm, thủy sản đạt bình quân 2,98%/năm, công nghiệp - Xây dựng cơ bản 12,64%, thương mại - dịch vụ 7,68%. Huyện hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng bảo đảm yêu cầu; 26/26 tuyến đường do Huyện quản lý có tổng chiều dài 90,42km bảo đảm tiêu chuẩn nông thôn mới; hệ thống thủy lợi, điện được quy hoạch, xây dựng, nâng cấp đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất, sinh hoạt. Cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực của các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục trên địa bàn đạt chuẩn.

Từ khi triển khai Chương trình nông thôn mới, đời sống người dân huyện Vũ Thư ngày càng đường nâng cao

Huyện Vũ Thư đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch đồng ruộng với 15 cánh đồng lớn có, có liên kết bao tiêu sản phẩm, 100% diện tích đất sản xuất được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch; các cụm công nghiệp tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư và sản xuất kinh doanh. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn tại các xã đã bảo đảm tiêu chuẩn, 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụm công nghiệp có đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững. Thu nhập của người dân hiện đạt gần 47,2 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,73 lần năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,43% (năm 2011) xuống còn 1,26 %; 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt và điện thường xuyên; 30/30 xã, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn 2015 - 2020; 74/82 trường từ mầm non đến trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao rõ rệt, niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền ngày càng được củng cố.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời là cơ hội thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống của người dân, huyện Đông Hưng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các địa phương thi đua xây dựng nông thôn mới.

Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chương trình hành động, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân từ huyện đến cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chức năng của từng đơn vị để tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò chủ thể trong việc tham gia thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.

Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Hưng đã huy động được 3.958,6 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. 43/43 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến này, toàn Huyện đã đầu tư nâng cấp 1.204,8km, bằng 90% các tuyến đường giao thông do xã quản lý, bảo đảm đạt chuẩn, đồng bộ theo quy định, cải tạo cơ bản cầu cống dân sinh. 100% đường thôn, xóm được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới.

Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2010-2019 tăng 10,31%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 46,77 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư hoàn thiện. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 còn 3,78%. Có 12 xã đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt, các xã còn lại xử lý theo công nghệ chôn lấp và có hợp đồng với doanh nghiệp thu gom, xử lý rác. 44/44 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Vũ Thư, huyện Đông Hưng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.