Huyện Thanh Oai sau 10 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đến nay hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi của Huyện đã được đầu tư nâng cấp đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hiện nay, toàn bộ các tuyến đường của Huyện đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo các phương tiện lưu thông đến các trụ sở hành chính xã. Các tuyến đường đến nay cơ bản đảm bảo phù hợp với quy hoạch. Cụ thể: 100% hệ thống trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, xóm đã được xây dựng xong đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; 100% các tuyến ngõ, đường xóm đã được đảm bảo sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 100% các tuyến đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Công tác văn hóa, xã hội của huyện Thanh Oai ngày càng đạt được nhiều thành tích

Bên cạnh đó, các nghề truyền thống cũng được đầu tư mở rộng và phát triển; tăng thêm việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Cùng với những khởi sắc về kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội ghi nhận những chuyển biến mới. 100% các xã đã quy hoạch khu trung tâm văn hóa thể thao, tập trung đầu tư xây mới, nâng cấp, tu sửa nhà văn hóa các thôn; 100% các thôn đã có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt hội họp…

Về huyện Phúc Thọ, bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ có nhiều khó khăn như: Xuất phát điểm thấp; kinh tế nông nghiệp là chủ yếu; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; một bộ phận cán bộ và nhân dân còn ngại khó, thiếu tin tưởng vào Chương trình. Song, với quyết tâm cao và xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, huyện ủy đã vận dụng, linh hoạt, kịp thời nghị quyết và chương trình công tác của Thành ủy và cụ thể hóa thành đề án, kế hoạch, chương trình công tác vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Huyện. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng bằng nhiều hình thức, như: tổ chức sinh hoạt cộng đồng, tọa đàm... lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới tại các buổi sinh hoạt tập thể, hội nghị, cuộc họp tại khu dân cư, tạo được sự đồng thuận và tin tưởng để nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.

Đến nay, huyện Phúc Thọ đã có 20/20 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang đề nghị Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 48 triệu đồng/người/năm, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm (tăng 22 triệu đồng so với năm 2015, tăng gần 4 lần so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững từ 11,84% năm 2010 xuống còn 0,66 năm 2019, số hộ thoát nghèo là 4.458 hộ. Thực hiện làm mới, cải tạo nâng cấp 369km đường giao thông, 168 km kênh mương, hệ thống trường học, trạm y tế, điện, nhà văn hóa thôn được quan tâm xây mới và chỉnh trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, sản xuất, đời sống văn hóa của nhân dân...

Với những kết quả trên, huyện Thanh Oai và huyện Phúc Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND 2 huyện: Thanh Oai, Phúc Thọ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.