Trước bối cảnh khó khăn chung về kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, để có nguồn lực thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đồng bộ là một bài toán vô cùng khó khăn.

Trong những năm qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo và thông qua nhiều chương trình kế hoạch cụ thể về xây dựng phát triển các KCN. Để tổ chức thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về xây dựng, phát triển KCN, trong thời gian qua Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên (Ban) đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc tham mưu đề xuất cơ chế để xây dựng và phát triển KCN. Kết quả đóng góp của các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ năm 2013 trở lại đây đã và đang góp phần tích cực đưa Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Trưởng ban Phan Mạnh Cường (đứng thứ 6 từ phải sang) đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 06 KCN với quy mô diện tích là 1.420 ha. Năm 2011, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Thái Nguyên được UBND tỉnh giao làm Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Điềm Thụy (phần diện tích 180ha, nay là Khu A), với tổng mức đầu tư của dự án là 1.417 tỷ đồng và các dự án phụ trợ khác…

Khi triển khai Dự án, với nguồn kinh phí được cấp là 2,4 tỷ đồng để BTGPMB, xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào KCN là một thách thức, khó khăn lớn vô cùng lớn và trên thực tế khó có thể triển khai được. Trước hoàn cảnh đó, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã chủ động phân tích, đánh giá những yếu tố thuận lợi, khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hút đầu tư và phát triển các KCN. Sau quá trình nghiên cứu, năm 2013 Ban đã mạnh dạn đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cơ chế cho phép Ban được vận động và sử dụng toàn bộ tiền ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần cho 50 năm của các nhà đầu tư thứ cấp để tập trung cho công tác BTGPMB và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ KCN Điềm Thụy - A. Đề xuất của Ban đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND chấp thuận, ngay sau khi được tỉnh chấp thuận, Ban đã tổ chức vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong đàm phán, vận động, thuyết phục các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng 50 năm nộp một lần để thực hiện công tác BTGPMB và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ (thay vì theo quy định của pháp luật nhà đầu tư có quyền được trả tiền thuê đất hàng năm).

Với những cố gắng lớn của Ban khi thực hiện cơ chế “vận động ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần cho 50 năm” tại KCN Điềm Thụy – A. Kết quả, Ban đã huy động được trên 1.500 tỷ đồng tiền thuê đất ứng trước của nhà đầu tư để thực hiện bồi thường GPMB cho 180 ha đất công nghiệp, 13 ha đất khu tái định cư (KTĐC) và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại KCN Điềm Thụy - A và 02 khu tái định cư như: Hệ thống đường giao thông, đường gom, hệ thống cấp nước sạch, thoát nước thải, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống cấp điện sản xuất, sinh hoạt và chiếu sáng, công viên cây xanh,… đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và bà con nhân dân trong vùng dự án.

Đến nay KCN Điềm Thụy - A đã thu hút được 77 dự án, trong đó có 62 dự án FDI và 15 dự án DDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 1 tỷ USD và gần 3.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong KCN cũng làm ăn tương đối ổn định và hiệu quả. Năm 2017, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN Điềm Thụy đạt 932,09 triệu USD và 78 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 485,34 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho gần 16.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi thực hiện thành công đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư tại KCN Điềm Thụy A, để cơ chế “Vận động ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần 50 năm” tiếp tục phát huy tính hiệu quả, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã năng động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao cho Ban làm Chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II, diện tích 250 ha (tại xã Tân Quang, thành phố Sông Công). Ngày 23/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II (tại Quyết định số 353/QĐ-TTg), trong đó nêu rõ nguồn vốn thực hiện là nguồn ngân sách địa phương và nguồn vận động nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng.

Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên tiếp và làm việc với nhà đầu tư Hàn Quốc

Hiện nay, Ban đã và đang phối hợp với thành phố Sông Công và các ngành trong tỉnh triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên. Kết quả ban đầu đã BTGPMB được 50ha đất công nghiệp, 12ha đường kết nối KCN với cao tốc, 10ha đất tái định cư và đã đàm phán thành công với một số nhà đầu tư để lấp đầy 50ha đất công nghiệp đầu tiên. Kết quả này chính là tiền đề quan trọng giúp Ban Quản lý tổ chức thực hiện tốt quy định của pháp luật về phát triển KCN.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của tỉnh Thái Nguyên, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, kết hợp với sự sáng tạo, đột phá trong tổ chức thực hiện “Cơ chế” nêu trên của Ban Quản lý các KCN tỉnh, chỉ trong một thời gian ngắn (tính từ năm 2013 trở lại đây), từ một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư vào KCN, đến nay Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh thành công trong thu hút đầu tư vào các KCN, nhất là thu hút nguồn vốn FDI… tạo ra cú hích quan trọng để tỉnh tiếp tục có những bước tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển các KCN, công tác quản lý nhà nước sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư luôn được Ban Quản lý quan tâm đặc biệt. Các phòng chuyên môn trong Ban luôn chủ động hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật như: Pháp luật đầu tư xây dựng, lao động, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là pháp luật bảo vệ môi trường,... góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn, các doanh nghiệp đều đã nghiêm túc thực hiện đúng các qui định trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; các dự án triển khai đúng tiến độ và kinh doanh hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.

Đến nay, tại KCN Điềm Thụy - A có 59 dự án đã đi vào hoạt động với mức tăng trưởng cao. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018 (so với cùng kỳ năm 2017), các doanh nghiệp trong KCN đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Doanh thu tiêu thụ ước đạt 494,7 triệu USD và 161,52 tỷ đồng, tăng khoảng 13,6%; nộp ngân sách ước đạt 381,9 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 711,92 triệu USD; giá trị nhập khẩu ước đạt 250,82 triệu USD; giải quyết việc làm cho 20.521 lao động.

Những kết quả mà các doanh nghiệp trong các KCN đạt được trong thời gian qua đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và tạo lập niềm tin để các doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời khẳng định rõ vị trí, vai trò của các KCN trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân nói chung và kinh tế các địa phương nói riêng.

Với nhiều kinh nghiệm trong quá trình trực tiếp làm chủ đầu tư KCN, ông Phan Mạnh Cường - Trưởng ban Quản lý các KCN Thái Nguyên cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các Ban Quản lý KCN, KKT được giao làm chủ đầu tư dự án phát triển kết cầu hạ tầng KCN chính là nguồn vốn đầu tư hạ tầng KCN, KKT. Vì vậy, cần có sự quan tâm, hỗ trợ và vào cuộc của các Bộ, ngành chức năng cũng như lãnh đạo cấp tỉnh và địa phương trong tỉnh.

Cũng theo ông Phan Mạnh Cường, Bộ Tài chính cần ban hành cơ chế cho phép các Ban Quản lý các KCN cấp tỉnh được chủ động vay vốn của Ngân hàng phát triển để triển khai dự án hạ tầng KCN ở giai đoạn đầu (khi KCN chưa có mặt bằng sạch và hạ tầng kết nối). Lãi vay được tính vào chi phí đầu tư của dự án. Đồng thời, Ban Quản lý các KCN phải cam kết vận động, thu hút các nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần 50 năm để hoàn trả vốn vay; Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm tập trung ngân sách địa phương để thực hiện việc BTGPMB và xây dựng KTĐC của KCN song hành cùng với việc bồi thường giải phóng mặt bằng KCN./.

Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển KCN, đặc biệt là hệ thống các trường đại học, cao đẳng và các trường đào tạo nghề (bao gồm 9 trường đại học, 23 trường cao đẳng và 52 trường dạy nghề) hàng năm đào tạo hàng trăm nghìn lao động cung cấp cho Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.