Ngày 18/01/2018 tại tỉnh Thái Bình, Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển các KCN; 1 năm thành lập KKT tỉnh Thái Bình.

Đến dự Hội nghị có ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình; ông Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình; ông Vũ Quốc Huy - Vụ phó Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng đại diện các Sở, ngành và UBND các huyện trong Tỉnh; đại diện lãnh đạo câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các KCN, KKT tỉnh Thái Bình.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình

Phát biểu tại Hội nghị, ông Khúc Văn Lượng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật của các KCN, KKT đạt được trong 15 năm qua.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình Khúc Văn Lượng trình bày báo cáo tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển các KCN, KKT tỉnh Thái Bình

Bước “chuyển mình” đầy thuyết phục

Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình (gọi tắt là Ban Quản lý) tiền thân là Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Bình. Khi mới thành lập, Ban Quản lý có 13 cán bộ công chức với 3 phòng chuyên môn nghiệp vụ. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay bộ máy hoạt động của Ban đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng và quy mô hoạt động, với 29 cán bộ, công chức viên chức; cơ cấu tổ chức của Ban hiện nay có 04 phòng và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban là: Trung tâm Tư vấn, Hỗ trợ đầu tư và Dịch vụ khu công nghiệp.

Về tổ chức đảng, đoàn thể, Đảng bộ Ban Quản lý là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Tỉnh; hiện Đảng bộ có 6 Chi bộ trực thuộc, với tổng số 37 đảng viên. Công đoàn Ban quản lý trực thuộc Công đoàn các KCN tỉnh Thái Bình.

Từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý luôn hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, KKT; chủ động tham mưu công tác quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới các KCN tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Công tác quy hoạch luôn được quan tâm đi trước, kịp thời rà soát, điều chỉnh bổ sung các KCN trọng điểm, cấp thiết mà trọng tâm là Quy hoạch chung KKT để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp trước mắt và lâu dài cho nền kinh tế của Tỉnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ xúc tiến và thu hút đầu tư, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN và các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN (chú trọng công tác lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng, các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo nhiều giá trị gia tăng, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước). Hoàn thiện các nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý nhà nước về KCN, như: Quản lý xây dựng, môi trường, lao động, an ninh trật tự; hoạt động dịch vụ... gắn với công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo đúng các quy định cuả nhà nước về quản lý KCN, KKT. Ngoài ra Ban Quản lý cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong nội bộ cơ quan, như: công tác tổng hợp; hành chính và quản trị văn phòng, công tác thông tin và quản trị website, công tác văn thư - lưu trữ... Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Thái Bình phát động. Tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện…

Hoạt động quản lý nhà nước của Ban Quản lý luôn gắn liền với công tác hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp và được đối tác đánh giá cao. Những đóng góp tích cực, hiệu quả của Ban Quản lý đã góp phần quan trọng xây dựng và phát triển các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngày một qui mô và phát triển lớn mạnh. Đến nay, các KCN trên địa bàn đã và đang trở thành nhân tố, động lực quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của Tỉnh, thúc đẩy phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình nói chung; mở ra cánh cửa rộng lớn để Thái Bình hội nhập kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trong quá trình hoạt động, Ban Quản lý đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đó là các tấm Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua cùng nhiều bằng khen do Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND Tỉnh trao tặng.

Những con số ấn tượng

Tháng 10/2001, Thái Bình chính thức khởi công xây dựng hạ tầng KCN Phúc Khánh - KCN đầu tiên của Tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có 7 KCN, với tổng diện tích quy hoạch là 1.411,2ha (trong đó quy hoạch chi tiết được phê duyệt là 1.391,21ha, diện tích đất đã thu hồi là 727,97ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê 528,89ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 463,94 ha), tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 90% đất công nghiệp có thể cho thuê.

Đến nay, KCN Phúc Khánh, KCN Nguyễn Đức Cảnh và KCN Gia Lễ đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp cho thuê; KCN Tiền Hải đã cho thuê 200ha; KCN Sông Trà cho thuê 39,03ha; KCN Cầu Nghìn đang xây dựng kết cấu hạ tầng và triển khai thu hồi đất tiếp phần còn lại.

Năm 2003, KCN Phúc Khánh mới có 26 dự án đầu tư, với vốn đầu tư đăng ký là 483,5 tỷ đồng (trong đó mới có 01 dự án đầu tư nước ngoài), thì đến tháng 12/2018, đã có 185 dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 29.706,212 tỷ đồng (gấp 61,44 lần vốn đăng ký năm 2003), tổng vốn đầu tư thực hiện là 19.834,5 tỷ đồng (đạt 67% so với vốn đăng ký). Trong đó: Có 139 dự án đầu tư trong nước (chiếm 75% tổng số dự án), với vốn đầu tư đăng ký là 19.513,042 tỷ đồng (chiếm 66% tổng vốn đăng ký); vốn đầu tư thực hiện là 12.470,8 tỷ đồng, đạt 64% so với vốn đăng ký. Có 46 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm 25% tổng số dự án), với vốn đầu tư đăng ký là 10.193,170 tỷ đồng (chiếm 34% tổng vốn đăng ký); vốn đầu tư thực hiện là 7.363,7 tỷ đồng, đạt 72% so với vốn đăng ký.

Về mức vốn đăng ký đầu tư của một dự án, cũng như suất đầu tư trên một héc-ta đất công nghiệp được tăng lên qua các năm: Năm 2003, bình quân vốn đầu tư của một dự án là 18,5 tỷ đồng, suất đầu tư trên một ha đất công nghiệp khoảng 12 tỷ đồng; thì đến năm 2018, vốn đầu tư bình quân của một dự án đã là 161,4 tỷ đồng, suất vốn đầu tư đăng ký là 54,65 tỷ đồng trên một ha đất công nghiệp

Các doanh nghiệp trong KCN hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển qua từng năm. Nếu năm 2003, có 26 các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, với kết quả đạt: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 70,2 tỷ đồng, chiếm 3,02% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; nộp ngân sách 4,5 tỷ đồng, chiếm 6,22% thu ngân sách toàn tỉnh. Thì đến năm 2018, các KCN Thái Bình có 145 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, và đạt được các chỉ tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22.212,8 tỷ đồng, chiếm trên 44% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu đạt 922,74 triệu USD, chiếm 60% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh (toàn Tỉnh xuất khẩu đạt 1.545 triệu USD); giá trị nhập khẩu đạt 763,85 triệu USD (toàn Tỉnh nhập khẩu đạt 1.485 triệu USD), chiếm 60% giá trị nhập khẩu toàn Tỉnh; nộp ngân sách khoảng 1.061 tỷ đồng.

Năm 2003, các doanh nghiệp trong các KCN tạo việc làm cho 10.320 lao động, với thu nhập bình quân trên 2,5 triệu đồng/người/tháng; thì đến năm 2018, các doanh nghiệp KCN đã thu hút trên 61.000 lao động vào làm việc (gần như toàn bộ lao động làm việc tại các doanh nghiệp là người địa phương), với thu nhập bình quân của người lao động từ 5-5,5 triệu đồng/người/tháng.

Xây dựng KKT và các KCN đồng bộ, hiện đại và phát triển bền vững

Ông Khúc Văn Lượng - Phó trưởng ban Thường trực Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, để phát triển KKT và các KCN của Tỉnh phát triển lớn mạnh, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý sẽ phải cố gắng nỗ lực không ngừng để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ đặt ra. Trước mắt, Ban Quản lý cần đẩy mạnh các nhiệm vụ cụ thể sau:

Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện việc lập Quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình và xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào KKT, hoàn thành trong năm 2019; hoàn thành lập quy hoạch phân khu xây dựng các KCN; triển khai lập quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Thái Thọ hoàn thành trong năm 2019; nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN đã thành lập, thu hồi đất và tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng. Phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản lấp đầy diện tích các KCN Tiền Hải, KCN Cầu Nghìn; nâng cao hơn nữa công tác thẩm tra, xét duyệt các dự án đầu tư vào KCN, KKT. Đưa tỷ lệ đóng góp của các KCN, KKT vào giá trị sản xuất công nghiệp từ mức 44% năm 2018 lên khoảng 60% vào năm 2020 và khoảng 70% vào các năm tiếp theo. Tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu từ 60% năm 2018 lên khoảng trên 70% năm 2020 và 80% trong những năm tiếp theo; đẩy mạnh công tác quản lý doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng và môi trường. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các KCN được thành lập có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn quy định.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, ông Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp hết sức to lớn của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình trong suốt chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển các KCN, KKT. Chủ tịch Đặng Trọng Thăng khẳng định, trong suốt 15 năm qua, Ban Quản lý KKT và các KCN Tỉnh và các doanh nghiệp KCN đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Chủ tịch Đặng Trọng Thăng cho biết, trong những năm qua, Thái Bình có những thay đổi mạnh mẽ, từ một tỉnh nghèo, với nền sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây lúa, đến nay Thái Bình đã vươn lên trở thành một tỉnh có mức phát triển khá so với bình quân chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng nhanh, bình quân giai đoạn 1998-2018 đạt trên 10%, là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Từ một tỉnh có cơ cấu sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nhưng đến nay giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 25,82%, công nghiệp đã vươn lên chiếm tỷ trọng gần 40% để dần cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp với giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 57 ngàn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 1.545 triệu USD.

“Góp phần tạo nên những thành tựu nổi bật của tỉnh có vai trò đặc biệt của Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình. Sự ra đời của các KCN tỉnh Thái Bình cách đây 15 năm, là bước đi đột phá của Tỉnh, thể hiện tầm nhìn và tư duy, nhằm huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp”- Chủ tịch Thăng nhấn mạnh.

Để kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được 15 năm qua, Chủ tịch Đặng Trọng Thăng mong muốn và tin tưởng Ban Quản lý tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong các KCN Tỉnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều và thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển công nghiệp tỉnh nhà. Chủ tịch Đặng Trọng Thăng đề ngh trong thời gian tới Ban Quản lý cần làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, khẩn trương hoàn thiện đồ án quy hoạch chung KKT Thái Bình và xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào KKT để tham mưu UBND Tỉnh trình Thủ tướng chính phủ chấp thuận, làm cơ sở triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết KKT Thái Bình.

Hai là, quyết liệt tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; nhận thức sâu sắc và xác định trách nhiệm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để kịp thời chủ động giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư; thu hút đầu tư có chọn lọc, đảm bảo các dự án có công nghệ hiện đại, theo kịp cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đảm bảo nguyên tắc 2 nhiều (nhiều ngân sách, nhiều giá trị gia tăng), 2 ít (ít tốn đất, ít lao động), 1 thân (thân thiện với môi trường); thu hút các dự án lớn có tính chiến lược và tiềm năng vào KKT.

Bốn là, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả KKT và các KCN. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND Tỉnh ban hành quy chế phối hợp mới, phù hợp với tình hình hiện nay, tạo thuận lợi và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các doanh nghiệp.

Năm là, tập trung hỗ trợ nhà đầu tư triển khai xây dựng: KCN chuyên nông nghiệp, KCN Thụy Trường, KCN Tiền Hải, KCN dịch vụ thương mại Xuân Hải, KCN Hoàng Long và các các cụm công nghiệp trong KKT.

Sáu là, Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, lao động… tại KKT và các KCN, chấn chỉnh xử lý kịp thời các vi phạm, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm vượt thẩm quyền.

Bảy là, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ quan trong sạch, vững mạnh, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm hiệu quả, lãnh đạo Ban cần đổi mới tư duy, có tầm nhìn bắt kịp xu thế; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban có đủ phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn sâu, có năng lực sáng tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, đại diện cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong các KCN và KKT Thái Bình, ông Trần Anh Tuấn –Giám đốc Ban Quản lý dự án KCN Tiền Hải (Tổng Công ty Viglacera) và bà Vũ Phương Diệp - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dam San đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Tỉnh Thái Bình thời gian qua đã giúp đỡ các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình đầu tư xây dựng và phát triển KCN Tiền Hải, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các đại diện cho rằng, trong những năm qua Thái Bình đã cải thiện môi trường đầu tư, công khai thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công với thời gian giải quyết được rút ngắn so với quy định của phát luật nên đã giảm thiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có sự đồng hành chuyên nghiệp của Ban Quản lý KKT và các KCN Tỉnh đã hỗ trợ toàn diện và hiệu quả cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi của lãnh đạo tỉnh Thái Bình và các Sở ban ngành trong Tỉnh, đặc biệt là của Ban Quản lý KKT và các KCN để họ có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Tỉnh.

Thay mặt cho Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Ca - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình Phát phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ và trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Thái Bình cùng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong các KCN, KKT Thái Bình, để Ban Quản lý có thể đạt được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca phát phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

Ghi nhận những thành tích xuất sắc mà Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình và các doanh nghiệp KCN đã đạt được trong suốt chặng đường 15 năm qua, tại Hội nghị này, Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình và các doanh nghiệp trong các KCN đã vinh dự được UBND tỉnh Thái Bình tặng thưởng Bằng khen cho tập thể và cá nhân.

Ngoài ra, Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình còn tặng thưởng Giấy khen cho nhiều doanh nghiệp trong các KCN vì đã có thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2018. Những phần thưởng tinh thần vô cùng lớn lao này sẽ có tác dụng động viên khích lệ toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý và các doanh nghiệp trong các KCN, KKT tỉnh Thái Bình mang hết tâm huyết, sức lực và trí tuệ của mình đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của các KCN, KKT trên địa bàn./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị: