Năm 2018, hoạt động quản lý nhà nước về khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) tại Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt; tình hình đầu tư phát triển hạ tầng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT Nghi Sơn và các KCN có bước phát triển đột phá, tạo động lực quan trọng cho thu hút các dự án đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước

Năm 2018 công tác thông tin tổng hợp tại Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Ban Quản lý luôn bám sát chương trình công tác và nhiệm vụ do lãnh đạo Tỉnh giao, đáp ứng tốt yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chế độ thông tin báo cáo với các ngành, các cấp và thông tin báo chí theo quy định.

Công tác cải cách hành chính được tổ chức thực hiện nghiêm túc, bám sát tiêu chí thực hiện “4 tăng, 2 giảm và 3 không” và mục tiêu xây dựng “cơ quan hành chính phục vụ”. Kết quả, đã giảm từ 30%-60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định (có thủ tục hành chính giảm đến 90% thời gian); có 46 thủ tục hành chính được công bố mới và bổ sung áp dụng tại Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp Tỉnh; tổ chức tiếp nhận 1.614 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, trong đó đã giải quyết đúng hạn 1.604 hồ sơ.

Công tác lập và quản lý quy hoạch có bước tiến lớn. Đã hoàn thành việc lập, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; khảo sát, xây dựng đề cương nhiệm vụ và dự toán lập đề án thành lập KKT cửa khẩu Na Mèo trình UBND tỉnh phê duyệt; hoàn thành việc chấm chọn tác phẩm dự thi sáng tác Biểu tượng Khu kinh tế Nghi Sơn; trình và được UBND Tỉnh phê duyệt dự toán cắm mốc Đảo Mê.Tổ chức thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cho 16 dự án; bàn giao mốc giới hạn nghiên cứu cho 25 dự án; cấp giấy phép xây dựng cho 40 dự án.

Công tác quản lý xây dựng được các phòng chức năng theo dõi sát sao, Ban thường xuyên phối hợp với các sở, ngành có liên quan nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng trong KKT, KCN; theo dõi, đôn đốc Ban quản lý dự án khu vực và các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Năm 2018 đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cho 4 dự án, khởi công mới 1 dự án và triển khai 14 dự án chuyển tiếp; giám sát, quản lý chất lượng công trình theo quy định, nghiệm thu giá trị khối lượng hoàn thành để giải ngân và thu hồi vốn ứng. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tham mưu cho UBND Tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt chủ trương đầu tư nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn sử dụng nguồn vốn ODA của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA và bố trí các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KKT năm 2019; thẩm định thiết kế cơ sở, báo cáo kinh tế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công cho 96 dự án đảm bảo theo quy định; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng 06 dự án.

Công tác quản lý tài nguyên và môi trường được quan tâm chú trọng, thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, các dự án khai thác vật liệu xây dựng thông thường. Năm 2018 đã hoàn thiện các thủ tục trình UBND Tỉnh thu hồi đất, giao đất cho 28 dự án với tổng diện tích là 396ha; quyết định cho thuê đất đối với 31 dự án với diện tích cho thuê là 526ha; rà soát, đề nghị UBND Tỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2019 đối với 50 dự án; hỗ trợ chủ đầu tư khảo sát, xin cấp phép, gia hạn đối với 05 mỏ khai thác đất san lấp và 21 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng; thẩm định, phê duyệt 39 báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường 30 dự án, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường 5 dự án; giám sát, nghiệm thu công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các khu tái định cư và 12 xã trong KKT theo quy định.

Công tác kế hoạch - tài chính đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Chế độ, quyền lợi của cán bộ, công chức và các hoạt động của cơ quan được đảm bảo. Các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu và sự nghiệp kinh tế giải ngân đạt 100% kế hoạch, như nguồn vốn quy hoạch, duy tu bão dưỡng,..

Công tác phòng chống tham nhũng được phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc. Việc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức của Ban thuộc diện phải kê khai đạt 100%, đảm bảo công khai minh bạch theo quy định.

Công tác thanh tra, tiếp công dân được quan tâm và triển khai thực hiện đi vào nề nếp. Hàng tháng công lãnh đạo Ban trực tiếp tiếp công dân định kỳ vào ngày 20 hàng tháng. Trong năm 2018 đã tiếp 15 lượt công dân và giải quyết 08 đơn kiến nghị liên quan đến các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đúng thời hạn, không có đơn thư tồn đọng, kiến nghị kéo dài hoặc vượt vấp.

Công tác quản lý doanh nghiệp, hoạt động thương mại và hỗ trợ đầu tư được thực hiện nghiêm túc và có chất lượng. Ban đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp và nhà thầu xây lắp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chế độ tiền công, tiền lương, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm…Trong năm đã phát triển thêm 9 công đoàn cơ sở, nâng tổng số lên 72 công đoàn cơ sở với 68.722 đoàn viên; ký cam kết với 30 doanh nghiệp về an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống cháy nổ; tổ chức tháng công nhân, tuần lễ quốc gia An toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ; đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Công tác quản lý lao động người nước ngoài được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đã tổ chức thẩm định, cấp mới, cấp lại 1.037 giấy phép lao động cho người nước ngoài; thẩm định và có ý kiến tham gia đối với 6 nội quy lao động và 3 thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.

Với tinh thần hoạt động “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý luôn chủ động tiếp cận, đối thoại doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt là vướng mắc kéo dài trong giải phóng mặt bằng (được biết có ngày trực tiếp Trưởng ban Quản lý đã chủ trì 9 cuộc làm việc, chủ yếu liên quan đến tiếp xúc doanh nghiệp, qua các buổi làm việc đã giúp cho nhà đầu tư và doanh nghiệp nhanh chóng giải quyết những vướng mắc và được các nhà đầu tư đánh giá cao). Một số dự án lớn đã được giải quyết kịp thời, như: Dự án nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (ký hợp đồng BOT, giải phóng mặt bằng khu vực cảng); dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (các hạng mục về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, cấp nước); dự án Nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương (mặt bằng, thủ tục hành chính); Nhà máy sản xuất dầu thực vật hoàn thiện thủ tục để vận hành thương mại. Bên cạnh đó, Ban còn rất quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong KKT và các KCN,đã phối hợp với doanh nghiệp và chính quyền địa phương giải quyết tăng thêm nhiều việc làm mới trong KKT Nghi Sơn. Năm 2018 Ban đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tổ chức thành công Lễ vận hành thương mại dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, khởi công xây dựng một số dự án lớn như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn; Cảng container và một số dự án khác.

Sức lan tỏa trong thu hút đầu tư

Nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn để hấp dẫn các nhà đầu tư và doanh nghiệp, Ban Quản lý đặc biệt quan tâm chú trọng đến hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư. Với nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú ở trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, qua đó giúp nhà đầu tư tiếp cận một cách chân thực nhất, rõ nét nhất bức tranh toàn cảnh môi trường đầu tư tại KKT và các KCN.

Trong năm 2018, Ban đã tiếp, làm việc và ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 55 nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KKT và các KCN; trong đó có một số Tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài lớn, như: Tập đoàn Semcorp (Singapore), Công ty Inner Foam (Hàn Quốc), Công ty Boilermaster (Singapore), Công ty Huyndai Heavy Engineering (Hàn Quốc), Công ty Sigma Industrial, Công ty United Jumbo…

Với những cố gắng nỗ lực trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, kết quả năm 2018, Ban Quản lý đã thẩm định và cấp mới 42 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đăng ký 15.405 tỷ đồng và 10 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký là 41,6 triệu USD; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư cho 63 dự án với số vốn đăng ký tăng thêm là 1.632 tỷ đồng và 2,3 triệu USD.

Lũy kế đến nay, KKT Nghi Sơn và các KCN đã thu hút được 511 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đăng ký 130.782 tỷ đồng và 44 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 13.227,4 triệu USD; giá trị thực hiện trong năm 2018 đạt 5.259 tỷ đồng và 1.079 triệu USD, lũy kế thực hiện đến nay đạt 56.465 tỷ đồng và 10.426 triệu USD.

Trụ sở Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa

Xây dụng KKT Nghi Sơn và các KCN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh Thanh Hóa

Năm 2018 các doanh nghiệp trong KCN, KKT tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và có bước phát triển khá; giá trị sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ thương mại đạt khoảng 145.751 tỷ đồng, tăng 398% so năm 2017; giá trị xuất khẩu đạt 1.336,4 triệu USD, tăng 67%; nhập khẩu đạt 3.479,6 triệu USD, tăng 518%; thu ngân sách nhà nước đạt 13.092 tỷ đồng, tăng 246% (trong đó, tính riêng dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn nộp ngân sách 9.321 tỷ đồng) gấp 3,37 lần so với năm 2017 (thu từ KKT Nghi Sơn: 11.873 tỷ đồng, các KCN: 1.219 tỷ đồng); giải quyết việc làm ổn định cho 84.400 lao động với thu nhập bình quân đạt gần 6 triệu đồng/tháng.

Năm 2019, Ban Quản lý cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần đưa KKT Nghi Sơn và các KCN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Ban phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu sau: Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt: 150.000 tỷ đồng (KKT Nghi Sơn: 135.000 tỷ đồng; các KCN: 15.000 tỷ đồng); Tổng giá trị xuất khẩu đạt 1.500 triệu USD (KKT Nghi Sơn: 980 triệu USD; các KCN: 520 triệu USD); Thu ngân sách nhà nước ước đạt 22.500 tỷ đồng (KKT Nghi Sơn: 19.700 tỷ đồng; các KCN: 800 tỷ đồng); Giải quyết việc làm thêm cho khoảng 15.000 người (KKT Nghi Sơn: 10.000 người; các KCN: 5.000 người); Thu hút vốn đăng ký đầu tư mới ước đạt khoảng 12.000 tỷ đồng và 1.500 triệu USD (KKT Nghi Sơn: 8.000 tỷ đồng và 1.300 triệu USD; các KCN: 4.000 tỷ đồng và 200 triệu USD); Huy động khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.

Cảng Nghi Sơn- Khu kinh tế Nghi Sơn

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Ban Quản lý cần phải thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, hoàn thiện việc trình phê duyệt phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của Ban theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP; tập trung rà soát, đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo từng vị trí việc làm để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Hai là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Ban và tiến trình hội nhập.

Ba là, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm quy định “4 tăng, 2 giảm, 3 không”, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bốn là, tập trung triển khai lập và trình UBND Tỉnh phê duyệt một số Đồ án quy hoạch phân khu chức năng chính theo Quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn điều chỉnh mở rộng; nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch hệ thống các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, báo cáo Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh thống nhất và trình Chính phủ phê duyệt; lập, trình UBND Tỉnh phê duyệt đề cương, dự toán đề án thành lập KKT cửa khẩu Na Mèo.

Năm là, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KKT Nghi Sơn và KCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai đầu tư, kinh doanh.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp.

Bảy là, rà soát, quản lý chặt chẽ công tác quản lý đất đai, môi trường và tài nguyên khoáng sản. Tiếp tục rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện các dự án được cấp phép đầu tư, giao đất, cho thuê đất để chấm dứt, thu hồi các dự án chậm tiến độ kéo dài, vi phạm quy định pháp luật tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án.

Tám là, quan tâm chăm lo đời sống, quyền lợi người lao động; kịp thời ngăn chặn các mâu thuẫn phát sinh giữa người lao động và doanh nghiệp, không để xảy ra đình công, lãn công và ngừng việc tập thể; Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội./.