Thi đua, khen thưởng - Động lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị

Ông Bùi Minh Hồng- Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc phát biểu tại

Hội nghị tổng kết Khối thi đua Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh đồng bằng sông Hồng

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, năm 2019 lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc (viết tắt là Ban Quản lý) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước gắn với hoạt động thực tế tại đơn vị. Qua đó đã tạo động lực giúp cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) Ban Quản lý thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân công và phát triển các KCN trên địa bàn.

Các phong trào thi đua do Ban Quản lý phát động ngay từ đầu năm, có kế hoạch rõ ràng với chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đã được toàn thể cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động (NLĐ) trong Ban tham gia đăng ký giao ước thực hiện với quyết tâm cao. Qua các phong trào thi đua đã phát hiện kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt góp phần động viên CBCCVC và NLĐ Ban Quản lý khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Các phong trào thi đua được lãnh đạo Ban quan tâm triển khai thực hiện theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Khối thi đua phát động, trong đó chú trọng đến việc phát động các phong trào thi đua hoàn thành các chỉ tiêu gắn với nhiệm vụ chuyên môn được giao, điển hình là các phong trào thi đua” “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá và đồng hành cùng doanh nghiệp năm 2019”, “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019”, “Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính”…

Để triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do các Bộ, ngành phát động, Ban Quản lý cũng đã phát động các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ thiết thực tại đơn vị, với nội dung trọng tâm là:“Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu thu hút đầu tư, gắn công tác thu hút đầu tư với phát triển nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN đã hoàn thiện hạ tầng; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý dự án sau đầu tư, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh năm 2019”.

Hiệu quả từ các phong trào thi đua

Các phong trào thi đua đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, sâu rộng trong tập thể CBCCVC Ban Quản lý, là động lực để CBCCVC và NLĐ cơ quan hăng hái thi đua học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời đề xuất ý kiến tham mưu, phát huy sáng kiến cải tiến đóng góp vào hoạt động tại đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Nhờ đó hoạt động quản lý nhà nước tại Ban Quản lý tiếp tục được tăng cường đẩy mạnh, các chỉ tiêu thu về hút đầu tư và phát triển các KCN có nhiều bước tiến lớn, cụ thể:

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú. Đặc biệt Ban Quản lý chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngoài có cơ hội hiểu môi trường đầu tư thực tế tại các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Kết quả, năm 2019 Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 75 dự án, trong đó: cấp mới cho 12 dự án đầu tư trong nước (DDI) và điều chỉnh tăng vốn cho 04 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2.747 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần về vốn đầu tư đăng ký so với năm 2018 và đạt 324% về vốn đầu tư đăng ký so với kế hoạch đề ra); cấp mới cho 63 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và điều chỉnh tăng vốn cho 43 lượt dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 832,17 triệu USD (tăng 2,6 lần về vốn đầu tư so với năm 2018 và đạt 274% so với kế hoạch đề ra).

Lũy kế đến hết năm 2019, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong các KCN Tỉnh còn hiệu lực đạt 357 dự án, gồm 64 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 14.553 tỷ đồng và 293 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.871,57 triệu USD.

Mặt khác, tình hình hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp KCN năm 2019 tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2019 đã có thêm khoảng 48 dự án trong các KCN đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 41% so với năm 2018, đưa tổng số dự án đang hoạt động SXKD trong các KCN đến hết tháng 12/2019 lên 268 dự án (42 dự án DDI và 226 dự án FDI), chiếm 75% tổng số dự án đầu tư trong các KCN.

Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn thực hiện của các dự án đạt hiệu suất cao. Năm 2019, ước vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 1.000 tỷ đồng, nâng vốn thực hiện của các dự án DDI đến hết tháng 12/2019 lên 8.320 tỷ đồng, đạt 57% tổng vốn đầu tư đăng ký; vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 327 triệu USD, nâng vốn thực hiện của các dự án FDI đến hết tháng 12/2019 lên 2.281 triệu USD, đạt 60% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Song song với kết quả thu hút đầu tư ấn tượng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN tiếp tục ổn định và tăng trưởng với các chỉ tiêu quan trọng đã đạt được, tiêu biểu như:

Các doanh nghiệp DDI: Doanh thu đạt 12.457,73 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2018, đạt 100 % kế hoạch; nộp ngân sách 377 tỷ đồng, tăng 22 % so với thực hiện năm 2018, đạt 106% kế hoạch.

Lao động làm việc trong các doanh nghiệp DDI tăng thêm khoảng 500 lao động, gấp 1,5 lần so với thực hiện năm 2018, bằng 50% so với kế hoạch. Luỹ kế đến hết năm 2019, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp DDI là 4,3 nghìn người.

Các doanh nghiệp FDI: Doanh thu đạt 5.492 triệu USD, tăng 36% so với thực hiện năm 2018; nộp ngân sách 2.980 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2018 và đạt 122% so với kế hoạch.

Các doanh nghiệp FDI giải quyết việc làm mới cho khoảng 8,5 nghìn lao động trong và ngoài Tỉnh, tăng 2,7 lần so với thực hiện năm 2018, đạt 91% so với kế hoạch. Luỹ kế đến hết năm 2019, tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI là trên 86 nghìn người.

Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng KCN tiếp tục được thực hiện tốt và triển khai đầu tư hạ tầng hiệu quả.

Trong năm 2019, Ban đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Bá Thiện - phân khu I với quy mô diện tích 247,6 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.300 tỷ đồng; cấp 45 Giấy phép xây dựng (GPXD) mới; cấp 04 giấy phép cải tạo sửa chữa; cấp 01 Giấy phép điều chỉnh GPXD; cấp lại 01 GPXD (dạng bản sao); thẩm định thiết kế cơ sở cho 06 dự án.

Đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã có 09 KCN được thành lập và cấp GCNĐKĐT với tổng diện tích quy hoạch là 1.842,62 ha, tổng vốn đăng ký là 8.031,87 tỷ đồng và 117,4 triệu USD; tổng tích đất công nghiệp theo quy hoạch là 1.379,9 ha; diện tích đất công nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) là 1.042,78 ha; diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê là 640,29 ha; tỷ lệ lấp đầy theo diện tích đất đã thu hồi, đầu tư xây dựng hạ tầng đạt 61,4%.

Hiện nay Ban Quản lý đang triển khai một số dự án đầu tư như dự án hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở công nhân và dự án đường gom khu nhà ở công nhân và khu nhà ở chuyên gia tại KCN Bá Thiện.

Công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ trong các KCN thường xuyên được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn theo đúng quy định pháp luật về môi trường, phòng chống cháy nổ.

Công tác an ninh trật tự trong KCN luôn được đảm bảo và giữ vững. Trong năm tuy có xảy ra 01 vụ cháy nổ nhà xưởng sản xuất tại KCN gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, song Ban Quản lý đã phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời hậu quả vụ cháy theo quy trình, ổn định tư tưởng, việc làm đối với người lao động. Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất cho doanh nghiệp sau hỏa hoạn.

Công tác quản lý lao động thường xuyên được quan tâm, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người lao động cũng như đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này theo đúng pháp luật về lao động.

Năm 2019, Ban đã chấp thuận/chấp thuận bổ sung vị trí việc làm sử dụng lao động là người nước ngoài cho 158 lượt doanh nghiệp; cấp mới và cấp lại 950 giấy phép lao động; tiếp nhận 22 thỏa ước lao động tập thể; 210 thang lương, bảng lương; 38 nội quy lao động; chấp thuận làm thêm giờ từ 200-300 giờ/năm cho 20 doanh nghiệp…

Tổ chức thành công 10 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động cho các doanh nghiệp trong KCN để tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động. Đồng thời tổ chức Hội nghị quán triệt, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về lao động với sự tham gia của trên 2.000 đại biểu là cán bộ, công nhân viên và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; tổ chức 04 lớp tập huấn phổ biến pháp luật mới về môi trường cho 230 doanh nghiệp trong KCN; phối hợp Sở Tư pháp tổ chức 01 buổi ghi hình, phỏng vấn doanh nghiệp trong KCN về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2019.

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) và theo dõi hoạt động của các dự án, Ban Quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để công tác quản lý sau cấp phép đạt hiệu quả.

Năm 2019, Ban đã ban hành trên 20 lượt văn bản hướng dẫn nhà đầu tư /doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp mới/cấp điều chỉnh GCNĐKĐT; thực hiện điều chỉnh trên 80 lượt dự án bổ sung mục tiêu, tăng vốn đầu tư; điều chỉnh ghi nhận thuế ưu đãi thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho mục tiêu và quy mô mở rộng; thực hiện điều chỉnh giãn tiến độ (góp vốn; tiến độ thực hiện) cho dự án Công ty Daeduck tại KCN Bá Thiện II. Đồng thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của người lao động tại một số doanh nghiệp (Công ty TNHH Wise Pacific Apparel Việt Nam, Công ty TNHH ELK Dumo..). theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Ban tích cực đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong KCN. Năm 2020 Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư Vĩnh Phúc (thuộc Ban quản lý) đã thực hiện tốt 06 hợp đồng hỗ trợ và tư vấn đầu tư; hỗ trợ tư vấn, trao đổi thông tin, hướng dẫn cho khoảng 50 doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư để các doanh nghiệp thực hiện theo quy định.

Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính đã có những bước tiến quan trọng. Ban thường xuyên cập nhật, công khai minh bạch thông tin quy hoạch các KCN, cơ sở hạ tầng và giá thuê hạ tầng; Bộ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban được thực hiện theo cơ chế “1 cửa, 1 cửa liên thông” tại Trung tâm hành chính công của Tỉnh (TTHCC) , trên cổng thông tin điện tử của Ban để tổ chức/doanh nghiệp thuận tiện và dễ dàng truy cập, nghiên cứu. Văn bản đi -đến được thực hiện trên phần mềm quản lý văn bản (100% văn bản trao đổi thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử) đã đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao trong xử lý công việc. Bên cạnh đó tiếp tục duy trì thực hiện ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 trong giải quyết công việc (năm qua Ban đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-BQLKCN ngày 27/8/2019 về việc thành lập Ban chỉ đạo Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015).

Thời gian qua Ban Quản lý đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC cho nhà đầu tư, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp các quy định thực hiện TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình giải quyết tại TTHCC Tỉnh. Đưa phần mềm quản lý các KCN vào hoạt động, triển khai tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp cập nhật số liệu vào phần mềm, phục vụ công tác quản lý của Ban về nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN.

Năm 2019, Ban Quản lý đã thực hiện rà soát, tổng hợp, đề nghị UBND Tỉnh xem xét, công bố 40 TTHC của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc tại Quyết định số 2543/QĐ-UBND ngày 17/10/2019 (thay thế các thủ tục hành chính đã được công bố trước đây). Đồng thời đề xuất phương án cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đối với 14 TTHC (thuộc lĩnh vực đầu tư) và 03 TTHC (thuộc lĩnh vực xây dựng) thuộc diện cắt giảm, báo cáo UBND Tỉnh, cắt giảm 25% thời hạn giải quyết theo quy định. 100% TTHC được cập nhật đầy đủ vào phần mềm ứng dụng của Bộ phận “một cửa” tại Trung tâm hành chính công Tỉnh (TTHCC) và được giải quyết theo quy định. Tính đến ngày 31/10/2019, Ban đã tiếp nhận 1.654 hồ sơ, đã giải quyết xong cho 1.535/1.552 hồ sơ đến hạn giải quyết (trong đó: giải quyết trước và đúng hạn: 1.509 hồ sơ, chiếm 97,3% hồ sơ đến hạn giải quyết; giải quyết chậm hạn: 43 hồ sơ, chiếm 2,7% hồ sơ đến hạn giải quyết).

Hưởng ứng phong trào thi đua “Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ban quản lý đã kịp thời phổ biến, tuyên truyền kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và đầu tư tới các phòng, đơn vị trong Ban; chỉ đạo trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư tập trung thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp, sử dụng nguyên liệu từ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp tiếp nhận người lao động địa phương vào làm việc; thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát tình hình bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bản tỉnh, đảm bảo chất thải, nước thải ở các KCN được xử lý theo đúng quy trình, quy định, không gây ô nhiễm nơi dân cư quanh KCN.

Nhà máy sản xuất ô tô của công ty Toyota Việt Nam mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh Vĩnh Phúc

Tiếp tục nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

Theo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, năm 2020 Ban cần tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động từ các phong trào thi đua; trong đó xác định vai trò, trách nhiệm quan trọng của cấp ủy Đảng và cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua; đảm bảo các phong trào thi đua thực sự đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của Ban.

Đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về KCN, tập trung vào các nhiệm vụ chính: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu thu hút đầu tư, gắn công tác thu hút đầu tư với phát triển nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN đã hoàn thiện hạ tầng; tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý dự án sau đầu tư, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2020.

Năm 2020 Ban phấn đấu đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Thu hút 25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn khoảng 550 triệu USD và 10 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đạt 2.944 tỷ đồng (trong đó dự kiến cấp GCNĐKĐT cho dự án đầu tư hạ tầng KCN Tam Dương I- Khu 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký dự kiến là 1.381,8 tỷ đồng và dự án hạ tầng kỹ thuật KCN Sông Lô I với tổng vốn đăng ký dự án là 1.194 tỷ đồng).

Dự kiến có thêm 35 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (30 dự án FDI và 05 dự án DDI); vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 318 triệu USD, đạt tỷ lệ 62 % vốn đăng ký; vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 1.206 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58 % vốn đăng ký.

Hỗ trợ các doanh nghiệp KCN tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và tăng trưởng, phấn đấu:

Doanh nghiệp FDI: Doanh thu đạt 4.400 triệu USD, tăng 6% so với ước thực hiện năm 2019; nộp ngân sách đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 4 % so với ước thực hiện năm 2019; thu hút thêm khoảng 9.000 lao động.

Doanh nghiệp DDI: Doanh thu đạt 11.886 tỷ đồng, tăng 15 % so với ước thực hiện năm 2019; nộp ngân sách đạt 460 tỷ đồng, tăng 22% so với ước thực hiện năm 2019; thu hút thêm khoảng 500 lao động.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, được biết Ban Quản lý sẽ triển khai thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, kịp thời triển khai và phổ biến các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ban Quản lý.

Thứ hai, chính quyền phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, phát huy sức mạnh của tinh thần đoàn kết vận động toàn thể đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả thiết thực.

Thứ ba, nâng cao vai trò của cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường tính chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất đổi mới hình thức tổ chức phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị; đẩy nhanh tiến độ thực hiện những nhiệm vụ chính trị có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu hoàn thành Chương trình công tác năm 2020.

Thứ tư, Trong nội dung tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2020 chú trọng đề xuất khen thưởng cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của Ban để động viên khích lệ tinh thần cán bộ công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý, góp phần đưa phong trào thi đua của Ban ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.

Thứ năm, đẩy mạnh và phát huy hơn nữa kết quả hoạt động khối thi đua doanh nghiệp trong KCN theo kế hoạch, quy chế hoạt động và các tiêu chí thi đua, khen thưởng của Khối thi đua./.