Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hôi thảo khởi động Dự án

Ngày 20/11/2020, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, ông Ivo Sieber - Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam; bà Lê Thị Thanh Thảo- Trưởng Đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam; diện các Ban Quản lý KCN, KKT trực thuộc Trung ương; các Công ty phát triển hạ tầng KCN, KKT; các chuyên gia, nhà khoa học.

Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy khi được nhân rộng trên cả nước

Phát biểu khai mạc Hội thảo khởi động Dự án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh Hội thảo khởi động dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN toàn cầu" là một kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong việc triển khai mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và các nhà tài trợ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Thực hiện chủ trương phát triển các khu công nghiệp, từ năm 1991 đến nay, hệ thống các KCN đã phát huy được vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, là động lực quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21)...

Từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với một số nhà tài trợ như: Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang KCN sinh thái để phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Trên cơ sở kết quả đạt được, mô hình, định hướng và cơ chế chính sách cho KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN và KKT.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" với mục tiêu thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước, từ Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ trong giai đoạn thí điểm, đến Hải Phòng, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.

Bà Lê Thị Thanh Thảo- Trưởng Đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam

Thay mặt Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam, bà Lê Thị Thanh Thảo - Trưởng Đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam cho biết, việc triển khai mô hình KCN sinh thái sẽ góp phần quan trọng trọng việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về KCN sinh thái nói riêng, cũng như lồng ghép trong các quy định của pháp luật về môi trường, công nghiệp và các chính sách có liên quan.

Dự án có tổng kinh phí là 1.821.800 USD trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại 1.683.000 USD từ Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), vốn đối ứng là 138.800 USD từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 05 tỉnh/thành phố, gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Trong những năm qua, hệ thống KCN đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuy nhiên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, thuận Paris về biến đổi khí hậu (Thỏa COP 21)...

Góp phần giải quyết thách thức trên, trong giai đoạn 2014 – 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO và một số nhà tài trợ triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái và được các kết quả tích cực trong xây dựng thể chế và áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Mô hình KCN sinh thái đã được quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về quản lý KCN và KKT. Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ thí điểm đã hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm trên 22.000 Mwh điện, 600.000 m3 nước sạch, 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm.

Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu" là sự kế thừa kết quả triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian qua, đồng thời là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước trong giai đoạn tới. Thông qua 2 hợp phần với các nội dung chính: (i) Hoàn thiện cơ chế chính sách và hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái và (ii) Triển khai các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường thành KCN sinh thái, Dự án sẽ hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng nền tảng thông tin, kỹ thuật để kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện các giải pháp chuyển đổi KCN thông thường thành KCN sinh thái.

Ký kết Văn kiện Dự án “Triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”

Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông, Đại sứ Ivo Sieber và bà Lê Thị Thanh Thảo ký kết Văn kiện Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”./.