Phát huy vai trò động lực của các KCN Bắc Ninh

Bà Lê Thị Thu Huyền- Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về Báo cáo tổng kết 30 năm KCN, KKT

Bắc Ninh là tỉnh có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, những lợi thế này đã tạo tiền đề cơ bản để thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Tỉnh.

Kể từ khi được tái lập Tỉnh (năm 1997), sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bắc Ninh đã vươn lên trở thành địa phương phát triển kinh tế- xã hội tương đối khá, là trung tâm phát triển công nghiệp và cực tăng trưởng của miền Bắc với nhiều chỉ tiêu nằm trong tốp đầu của cả nước; có tác động không nhỏ đến sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam; trở thành một hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Bắc Ninh đã và đang khẳng định vai trò và vị thế ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, các chỉ tiêu cơ bản của Bắc Ninh đạt được là minh chứng khẳng định cho bước phát triển vượt bậc của Tỉnh, tiêu biểu như giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh năm 2019 đạt 1.120.000 tỷ đồng, đứng thứ nhất cả nước; giá trị xuất khẩu đạt 35 tỷ USD, đứng thứ hai sau thành phố Hồ Chí Minh; thu ngân sách đạt 35.000 tỷ đồng; là 1 trong 12 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách và điều tiết một phần về Trung ương.

Năm 2020, tình hình dịch bệnh covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi hoạt động của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, với những cố gắng nỗ lực, chỉ đạo sát sao của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã kịp thời hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp nên hoạt động đầu tư tại các KCN Bắc Ninh vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tại các KCN Bắc Ninh đạt 902 triệu USD, tương đương 90% kế hoạch năm 2020 (kế hoạch dự kiến thu hút 1 tỷ USD). Các chỉ tiêu khác đạt trung bình khoảng 71% so kế hoạch năm, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 828.000 tỷ đồng (đạt 75% kế hoạch năm); doanh thu đạt 925.000 tỷ đồng ( đạt 77% kế hoạch năm); giá trị xuất khẩu đạt 24,4 tỷ USD ( đạt 68% kế hoạch năm); giá trị nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD (đạt 77% kế hoạch năm); nộp ngân sách nhà nước ước đạt 7.335 tỷ đồng (đạt 56% kế hoạch năm); lao động tăng thêm 38.000 người so với cuối năm 2019.

Để phát triển bền vững các KCN, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh xác định chủ chương thu hút đầu tư có chọn lọc (chuyển từ tư duy thu hút số lượng, quy mô dự án sang thu hút có chọn lọc), ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, chú trọng hiệu quả đầu tư (sử dụng ít đất, ít nhân lực, nhưng giá trị gia tăng lớn).

Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở và các lợi thế hấp dẫn của tỉnh Bắc Ninh, đến nay Bắc Ninh đã và đang trở thành trung tâm phát triển công nghiệp điện, điện tử, điện thoại di động lớn ở trong nước và khu vực. Các KCN đã trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu (chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 90% giá trị xuất khẩu, 51,7% thu ngân sách nội địa toàn Tỉnh).

Đến nay toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có 11 KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định thành lập (gồm 14 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN). Trong đó có 10 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút gần 1.600 dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, KCN Yên Phong thu hút đầu tư lớn nhất cả nước.

Các dự án lớn, có thương hiệu nổi tiếng khu vực và thế giới đã lựa chọn các KCN Bắc Ninh như một điểm đến an toàn và hấp dẫn, cụ thể các Tập đoàn kinh tế toàn cầu đã và đang đầu tư kinh doanh thành công tại các KCN Bắc Ninh như: Samsung, Hồng Hải Foxconn, Canon, ABB,… Với trên 1.100 dự án đi vào hoạt động, các doanh nghiệp trong KCN, nhất là các doanh nghiệp có vốn FDI đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 332.000 lao động trong và ngoài Tỉnh.

Cần có cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ để quản lý KCN, KKT toàn diện và hiệu quả

Doanh nghiệp FDI trong KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

Góp phần tạo nên những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh có vai trò đặc biệt của Ban Quản lý KCN Bắc Ninh. Qua hơn 20 năm hoạt động, Ban Quản lý đã tham mưu cho Tỉnh các cơ chế, chính sách phát triển các KCN. Đến nay các KCN của Tỉnh đã tăng cao cả về số lượng và chất lượng, tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp; dần trở thành nhân tố thúc đẩy sự hình thành, phát triển nhanh chóng của hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội.

Về cơ cấu tổ chức, bộ máy của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, hiện nay, Ban Quản lý có 8 phòng chuyên môn (và tương đương) và 01 đơn vị sự nghiệp với gần 90 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tổng biên chế được giao đến nay là 69 người. Trong suốt 20 năm qua, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước xây dựng và trưởng thành, củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh gặp một số vướng mắc như sau:

Một là, chưa có căn cứ pháp lý vững chắc, xuyên suốt, đầy đủ và đồng bộ cho hoạt động quản lý nhà nước về KCN, khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT). Cụ thể, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh được thành lập năm 1998, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN tập trung của Tỉnh trên cơ sở các Nghị định của Chính phủ quy định về KCN, KCX, KKT. Tuy nhiên việc không có văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Pháp lệnh hay thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định khiến cho cơ cấu tổ chức, bộ máy của các Ban Quản lý nói riêng và các Ban Quản lý tại các địa phương nói chung không đồng nhất. Cơ cấu người đứng đầu cũng có sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố (Trưởng Ban có thể là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND Tỉnh hoặc không được cơ cấu vào các chức danh này).

Hai là, theo quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, cũng như nhiều Ban Quản lý thuộc các địa phương khác, không phải là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân Tỉnh. Mặc dù, hoạt động của Ban tương đối toàn diện và bao quát các lĩnh vực khác nhau (từ cấp phép đầu tư đến quản lý nhà nước về doanh nghiệp, môi trường, lao động, quy hoạch, xây dựng…). Thực tế như tỉnh Bắc Ninh, việc thành lập và hoạt động của Ban Quản lý các KCN là cần thiết, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương.

Ba là, do chưa có căn cứ pháp lý đầy đủ (chưa có Luật chuyên ngành hay Pháp lệnh riêng về KCN) nên không có cơ sở cho việc thành lập và hoạt động của bộ phận thanh tra trực thuộc Ban Quản lý. Trước đây, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh chỉ thành lập các đoàn kiểm tra đối với các doanh nghiệp KCN hoặc phối hợp với các Sở, ngành, tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra khác. Việc phát hiện ra sai phạm được kết luận nhưng phải chuyển đến các Sở, ngành có chức năng trong Tỉnh để đề nghị xem xét, xử lý. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong KCN không đạt được hiệu lực, hiệu quả như mong muốn, đồng thời không có tính răn đe đối với các doanh nghiệp là đối tượng hoạt động chây ì, thường xuyên vi phạm quy định pháp luật.

Bốn là, Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT thực hiện nhiệm vụ theo sự ủy quyền của các Bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, sự ủy quyền này không đồng nhất, có Ban Quản lý được ủy quyền toàn diện, song có Ban Quản lý được ủy quyền một phần, và cũng có Ban Quản lý không được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ nào. Do đó, dẫn đến hoạt động của các Ban Quản lý tại các địa phương không đồng đều, thiếu hiệu quả.

Năm là, Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành từ năm 2018, đến nay sau hơn 2 năm nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn. Do vậy, Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT hiện đang lúng túng trong thực hiện công tác cán bộ.

Vừa qua (ngày 15/11/2020), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký giữa 10 nước ASEAN, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Khi Hiệp định được các nước phê chuẩn sẽ hỗ trợ rất lớn cho quá trình phục hồi kinh tế của các nước thành viên sau đại dịch Covid-19.

Đồng thời, là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự thúc đẩy các hoạt động hợp tác, nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại các KCN trên địa bàn cả nước.

Điều đó cũng đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN, KCX, KKT cần đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau đầu tư. Và việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy của Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT tại các địa phương là một trong những nhiệm vụ vô cùng cấp bách và cần thiết để nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT, tạo động lực quan trọng để phát triển các KCN, KCX, KKT Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Phát huy các thành tích đã đạt được để tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, phấn đấu xây dựng Tỉnh sớm trở thành tỉnh công nghiệp và thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh có một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương một số nội dung trọng tâm sau:

Sớm xây dựng Luật về KCN và chức năng hoạt động của các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT làm căn cứ pháp lý để xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy của Ban Quản lý; triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, kiểm tra, song song với quá trình xúc tiến, thu hút, cấp phép đầu tư và quản lý sau đầu tư.

Nhanh chóng ban hành Thông tư hoặc Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ (quy định về quản lý KCN và KKT).

Phân cấp đầy đủ cho Ban Quản lý các KCN, KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực về đầu tư, quy hoạch xây dựng, môi trường, lao động và thanh tra trong KCN.

Cần sửa đổi hoặc có quy định riêng về cơ cấu tổ chức, bộ máy cho các Ban Quản lý KCN, KKT được xếp hạng I như Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh (trong việc xây dựng đề án thực hiện Nghị định 82).

Xem xét các quy định về các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.