Năm 2020 vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (Ban Quản lý) đã phát huy cao vai trò, trách nhiệm, nỗ lực triển khai thực hiện toàn diện các hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KKT trên địa bàn.

Nhà máy trong KCN DEEP C Hải Phòng

Với chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách - Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, ngay từ đầu năm 2020, Ban Quản lý đã phát động phong trào thi đua sâu rộng đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị. Trong đó tập trung đẩy mạnh hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng quan hệ tin cậy, gắn bó với các doanh nghiệp; phối hợp tốt hơn với các sở, ngành, địa phương liên quan; thực hiện tốt các chính sách với cán bộ công chức và người lao động trong cơ quan; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đoàn thể phát huy tốt các hoạt động trong lĩnh vực được phân công.

Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư

Xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu; năm 2020 Ban Quản lý đã tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu về chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN, KKT; cập nhật và công khai hóa các thông tin kinh tế xã hội của thành phố, cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Ban Quản lý...; chủ trì tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư; tham gia tiếp và giới thiệu về môi trường đầu tư tại các KCN, KKT; tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư của các cơ quan Trung ương, tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, các hiệp hội trong nước và quốc Tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam…; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong các KCN, KKT; các dự án lớn được tập trung hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện...

Với những cố gắng trên, hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN, KKT Hải Phòng trong năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, cụ thể:

Thu hút 39 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đạt 1.103,445 triệu USD, 25 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 428,153 triệu USD. Tổng vốn thu hút FDI đạt 1.531,598 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đạt 102% so với kế hoạch. Lũy kế đến ngày 31/12/2020, các KCN, KKT thu hút 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 16.248,858 triệu USD.

Thu hút 10 dự án đầu tư trong nước (DDI) với số vốn đạt 1.193,437 tỷ VND, 03 dự án DDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 607,524 tỷ VND. Tổng vốn thu hút của các dự án DDI đạt 1.800,962 tỷ VND. Lũy kế đến ngày 31/12/2020, các KCN, KKT Hải Phòng thu hút 167 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đạt 145.885,183 tỷ đồng.

Cùng với đó, Ban Quản lý và Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Dịch vụ việc làm Khu kinh tế đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước theo kế hoạch (đạt 1.873,2 triệu đồng, đạt 101% kế hoạch được giao (1.846,4 triệu đồng).

Đẩy mạnh phát triển các KCN

Năm 2020, Ban Quản lý tập trung công tác chuẩn bị thành lập 10 dự án phát triển hạ tầng KCN. Hiện có 05 dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, gồm:(1) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Cầu Cựu - An Lão; (2) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN và Khu phi thuế quan Xuân Cầu;(3) Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Nam Tràng Cát;(4) Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Thủy Nguyên;(5) Đề án điều chỉnh địa giới KKT Đình Vũ - Cát Hải gắn liền với việc mở rộng KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 (trong đó có 02 dự án đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ).

Hoàn thiện hồ sơ đề xuất 05 dự án báo cáo UBND Thành phố xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng các KCN: KCN Giang Biên II; KCN Ngũ Phúc - Kiến Thụy (Deep C4); KCN Tiên Lãng 1 và Tiên Lãng 2 (KCN Vinh Quang - Tiên Lãng);KCN Tiên Thanh - Tiên Lãng; KCN An Hòa - Vĩnh Bảo.

Tình hình đầu tư phát triển hạ tầng tại các KCN (Nam Đình Vũ Khu I, KCN Nam Đình Vũ Khu II) đang được chủ đầu tư tích cực đẩy nhanh công tác xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư; KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Deep C3) đang tập trung giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp

Công tác cải cách hành chính được chú trọng đẩy mạnh, đặc biệt là cải cách các thủ tục hành chính. Ban Quản lý đã thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính trong thời gian quy định, các phòng chuyên môn giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều tối đa cho doanh nghiệp.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Ban Quản lý phát huy được hiệu quả trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ giữa các phòng chuyên môn, đảm bảo các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; sẵn sàng giải đáp mọi khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính.

Qua đó, các tổ chức cá nhân đều đánh giá cao sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo và chuyên nghiệp của các cán bộ công chức trong việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính tại Ban Quản lý. Bên cạnh đó, Ban tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ban Quản lý để đảm bảo đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.

Công tác an ninh trật tự trong các KCN, KKT tiếp tục ổn định và giữ vững. Trong năm không để xảy ra vụ việc gây rối mất an ninh trật tự.

Công tác bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm. Đến thời điểm hiện nay, 11 KCN đang hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung, hoạt động đảm bảo các quy chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường; đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Công tác quản lý lao động được theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ. Ban thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp đảm bảo nghiêm túc các chế độ và quyền lợi cho người lao động. Hiện nay lao động làm việc tại KCN, KKT tiếp tục tăng cao, tính đến tháng 12/2020, tổng số lao động người Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp KCN, KKT là 153.467 người, tăng 15% so với năm 2019; lao động nước ngoài là 4.500 người, tăng 29% so với năm 2019.

Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được triển khai hiệu quả. Ngay từ đầu năm, Ban Quản lý đã tích cực triển khai thực hiện công tác phòng, chống và ứng phó dịch bệnh Covid-19. Năm 2020 Ban Quản lý đã ban hành trên 1.200 văn bản phối hợp công tác với các sở/ngành/đơn vị liên quan, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp trong KCN, KKT thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 của phần lớn các doanh nghiệp trong KCN, KKT đều bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh Covid-19 (nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, thị trường xuất khẩu, thiếu chuyên gia do lao động đến từ các vùng dịch phải thực hiện cách ly theo quy định, doanh nghiệp phải hoãn nợ và gia hạn nộp thuế).

Cầu cảng hàng lỏng trong KCN DEEP C Hải Phòng

Song do có sự chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời của các cấp lãnh đạo thành phố và Ban Quản lý, sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp KCN, KKT nên các chỉ tiêu doanh thu, xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN, KKT đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, năm 2020 các doanh nghiệp KCN, KKT đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu: Doanh thu ước đạt 362.783 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt 114% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13.973 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 124% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 8.819 tỷ đồng, bằng 88% so với cùng kỳ năm trước, đạt 107% kế hoạch năm.

Hoạt động của hai đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý là Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng và Trung tâm Dịch vụ việc làm Khu kinh tế Hải Phòng trong năm 2020 đã phát huy cao hiệu quả công tác, đóng góp tích cực mang lại nguồn thu lớn cho đơn vị và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người lao động.

Năm 2020 Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng đã đào tạo, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 02 doanh nghiệp với 143 nhân viên, công nhân lao động; đào tạo 01 lớp nghề kỹ thuật chế biến món ăn trình độ dưới 03 tháng với số lượng 19 học viên; tuyển sinh, đào tạo 10 lớp trình độ sơ cấp theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ và người có nhu cầu học nghề với tổng số 356 học viên; phối hợp tuyển sinh khai giảng 01 lớp đại học ngành Luật số lượng 75 sinh viên. Tổng số Nhà trường đã tuyển sinh, đào tạo được 450 người, so với kế hoạch đầu năm đạt 97,8% tổng số các chỉ tiêu các ngành nghề, trình độ đào tạo.

Đồng thời Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Dịch vụ việc làm Khu kinh tế đã tư vấn cho trên 3.800 lượt người đến tìm hiểu về việc làm, giới thiệu trên 2.560 hồ sơ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, KKT.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các KCN, KKT

Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, trong năm 2021 Ban Quản lý tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển các KCN, KKT; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các công ty phát triển hạ tầng và các doanh nghiệp thứ cấp; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách của các doanh nghiệp trong KCN, KKT.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm Ban cần thực hiện đó là: Chủ động xúc tiến và thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghiệp dịch vụ sử dụng công nghệ hiện đại, có hiệu quả cao; phấn đấu thu hút vốn đầu tư FDI đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 (2,5-3 tỷ USD); Hoàn thiện, trình Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hoàn thiện thủ tục, trình UBND Thành phố phê duyệt, ban hành: Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KKT Đình Vũ - Cát Hải và các KCN trên địa bản Thành phố; Quy định quản lý tạm trú đối với người nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp trong các KCN, KKT trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Đình Vũ - Cát Hải, thành lập các KCN mới.

Theo Ban Quản lý, để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Ban đã xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đó là:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, hướng tới thu hút nhà đầu tư vào các KCN, KKT gắn với việc tập trung đầu tư vào 03 trụ cột kinh tế: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; thực hiện chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế thành phố; quan tâm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Hai là, chủ động phối hợp, đề xuất các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong thực hiện quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, đồng thời tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ba là, hoàn thiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch KKT Đình Vũ-Cát Hải và các KCN trên địa bàn Thành phố, đảm bảo chủ động quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, nhất là các KCN đã được xác định là công trình trọng điểm. Tập trung huy động nguồn lực của các doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN.

Bốn là, hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt thành lập: KCN An Hòa, KCN Giang Biên II, KCN, đô thị và dịch vụ Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo; KCN An Hưng - Đại Bản, huyện An Dương; KCN Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng (đã được Ban Thường vụ cho ý kiến), KCN Kiến Thụy, huyện Kiến Thụy và một số KCN khác.

Tiếp tục thí điểm chuyển đổi 02 KCN đang hoạt động sang mô hình KCN sinh thái.Triển khai mô hình các KCN liên kết theo chuỗi, tăng cường kết nối và sức lan tỏa của các doanh nghiệp trong KCN với các doanh nghiệp bên ngoài.

Năm là, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan đôn đốc giải quyết các tồn tại, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng KCN VSIP, KCN Nam Cầu Kiền, KCN An Dương, KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng để tạo quỹ đất thu hút đầu tư.

Sáu là, tổ chức Hội nghị tiếp xúc đối thoại doanh nghiệp trong KCN, KKT định kỳ, đột xuất nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp; kịp thời báo cáo đề xuất UBND Thành phố giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.

Bảy là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT. Triển khai Kế hoạch kiểm tra các doanh nghiệp năm 2021 theo kế hoạch; chú trọng kiểm tra công tác bảo vệ về môi trường, quy hoạch xây dựng, đầu tư

Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn, đặc biệt là các dự án lớn đang hoạt động và các dự án chuẩn bị đi vào hoạt động; đôn đốc các doanh nghiệp trong các KCN, KKT thực hiện đúng các quy định của nhà nước, đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ cam kết và hoàn thành vượt mức kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất kinh doanh về doanh thu, kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tăng thu ngân sách nhà nước.

Tám là, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp; tham gia triển khai Đề án phát triển Quan hệ lao động của Thành phố để giảm bớt tiềm ẩn trong quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp lao động tập thể.

Chín là, tăng cường phối hợp với các Sở, ban, ngành chức năng, chính quyền các cấp, các công ty phát triển hạ tầng, các doanh nghiệp trong KCN trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường trong các KCN, KKT, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức triển khai việc xây dựng nhà ở, thiết chế công đoàn cho người lao động trong các KCN.

Mười là, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; triển khai Chính quyền điện tử; hoàn thành và vận hành khai thác hiệu quả Hệ thống quản trị - điều hành công việc của Ban Quản lý; kiên quyết chống các biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính…/.