Sức hút của các KKT và KCN

Ảnh: Ông Lê Văn Tuệ- Trưởng ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên Huế

Khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở vùng duyên hải miền Trung, bao gồm có 06 KCN với diện tích 2.393 ha và 02 KKT (KKT Chân Mây-Lăng Cô diện tích 27.108ha; KKT cửa khẩu A Đớt diện tích 10.184ha).

Với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản được đầu tư đồng bộ: Có tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam đi qua; cảng nước sâu Chân Mây là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối các nước Lào, Thái Lan, Mianma và các nước trên thế giới, có khả năng tiếp nhận tàu hàng đến 50.000 DWT và tàu khách du lịch lớn nhất thế giới (đến 225.000GT); sân bay Quốc tế Phú Bài, gần sân bay quốc tế Đà Nẵng, thuận lợi trong việc kết nối với nội địa và quốc tế.

Về chính sách ưu đãi đầu tư, KKT Chân Mây- Lăng Cô được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư như đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể như: Được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm, được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được miễn tiền thuê đất trong suốt thời hạn thuê đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, miễn 17 năm đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, 13 năm đối với các dự án khác.

Đồng thời các KCN cũng được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư như đối với địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, cụ thể: Được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17% trong thời hạn 10 năm, được miễn thuế 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào địa bàn KKT Chân Mây- Lăng Cô và các KCN của Tỉnh còn được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh Thừa Thiên Huế như: Hỗ trợ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án (như giao thông, cấp điện, cấp nước, công trình đầu mối xử lý nước thải), hỗ trợ giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn, hỗ trợ đào tạo lao động, xúc tiến đầu tư,...

Với những lợi thế về vị trí địa lý cùng các chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, hấp dẫn của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của Chính phủ nói chung, những năm gần đây, số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư vào địa bàn các KKT và KCN của Tỉnh ngày càng tăng, chủ yếu từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc) .... Theo đó, kết quả thu hút đầu tư cũng tăng qua các năm, cụ thể: Năm 2019, KKT, KCN của Tỉnh đã thu hút được 10 dự án với vốn đầu tư đăng ký hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 458% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 59% so với kế hoạch năm 2019; trong đó có 04 dự án FDI với vốn đăng ký 5.400 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động thu hút đầu tư chưa thực sự khởi sắc, song do Ban Quản lý KKT- CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư và cải cách hành chính nên kết quả xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KKT và KCN của Tỉnh cũng vẫn tương đối khả quan.

Trong năm 2020, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp Tỉnh đã tiếp xúc làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (Công ty Cổ phần Công nghiệp Blue Ocean, Công ty Toray International Inc - Nhật Bản, một số cá nhân là thành viên sáng lập đến từ Hoa Kỳ của Công ty CP Chân Mây LNG, Công ty Nakamoto Packs Co., LTD -Nhật Bản, Công ty Goshu Kohsan Co., LTD-Hàn Quốc, Công ty WHA Industrial Development -Thái Lan,... Kết quả, năm 2020 các KKT và KCN thu hút được 07 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.161 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 71,9 ha (trong đó, có 05 dự án tại địa bàn KKT với vốn đầu tư đăng ký đạt 3.011 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 72,7 ha); đồng thời các KKT và KCN có thêm 06 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với vốn tăng thêm là 2.623,3 tỷ đồng.

Đến nay, trên địa bàn KKT, KCN tỉnh Thừa Thiên Huế có 150 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 106.005 tỷ đồng (trong đó 49 dự án đầu tư tại KKT Chân Mây - Lăng Cô với vốn đăng ký 81.769 tỷ đồng, 101 dự án đầu tư tại các KCN với vốn đăng ký 24.236 tỷ đồng); trong đó có 34 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký là 67.750 tỷ đồng.

Một số dự án lớn đang đầu tư trong KKT, KCN Tỉnh, điển hình như: Nhà máy sản xuất cristobalite của Tập đoàn Phenikaa, dự án Nhà máy Kanglongda Huế của Công ty Kanglongda, dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi của Công ty Billion Max, dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty Cổ phần Kim long Motors Huế, dự án Laguna của Tập đoàn BanyanTree (Singapore),...

Gắn thu hút đầu tư với công tác quản lý nhà nước

Ảnh: Toàn cảnh dự án Laguna Huế trong KKT Chân Mây Lăng Cô

Ban Quản lý Khu kinh tế- Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (Ban Quản lý) với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KKT, KCN trên địa bàn đã không ngừng nâng cao trách nhiệm được giao trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, môi trường...

Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Ban Quản lý luôn cố gắng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi đến đầu tư tại địa bàn KKT, KCN của tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể:

Đơn giản, tối đa hoá các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường,... khi xây dựng, ban hành bộ thủ tục hướng dẫn về đầu tư của Tỉnh, công bố, công khai thủ tục hành chính. Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính xuống mức thấp nhất để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Nâng cao vai trò phục vụ nhà đầu tư của Trung tâm phục vụ hành chính công Tỉnh.

Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KKT, KCN theo hướng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KKT, KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KKT, KCN. Bên cạnh đó, đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, hỗ trợ tối đa việc thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch KKT, KCN; lập quy hoạch chi tiết các khu vực; đảm bảo cung cấp các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu đầu tư dự án, cũng như thuận lợi trong công tác thẩm định, cấp phép đầu tư dự án.

Tỉnh có chính sách bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án mang tính ưu tiên, trọng điểm, khuyến khích kêu gọi đầu tư. Chính sách hỗ trợ kinh phí cho các nhà đầu tư hạ tầng trong một số lĩnh vực như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; rà, phá bom, mìn; kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí đào tạo lao động,...

Tăng cường phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề, các trường cao đẳng công nghiệp, trung học dạy nghề trong và ngoài nước để kêu gọi thành lập chi nhánh tại Huế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của Tỉnh. Hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn lao động phục vụ dự án; tổ chức chương trình Ngày hội việc làm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nhân lực có chất lượng của các Trường Đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề.

Tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư; bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện; tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng đất của các dự án, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng làm cơ sở thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai theo quy định.

Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển KKT, KCN

Theo Báo cáo của Ban Quản lý KKT- CN tỉnh Thừa Thiên Huế, trên địa bàn KKT, KCN Tỉnh hiện có 197 doanh nghiệp đăng ký hoạt động đầu tư kinh doanh, thu hút 33.055 lao động đang làm việc, trong đó có 122 lao động nước ngoài.

Năm 2020, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 nên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN, KKT gặp nhiều khó khăn. Song các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc đã nhanh nhạy nắm bắt thị trường, chuyển sang sản xuất khẩu trang, phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN, KKT trong năm 2020 tuy chưa đạt được kế hoạch đề ra song các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì hoạt động ổn định; điều đó chứng tỏ tinh thần cố gắng và năng động của các doanh nghiệp KCN, KKT trong năm có nhiều biến động của nền kinh tế. Mặt khác cũng phản ánh rõ nét vai trò của Ban Quản lý KKT-CN Tỉnh trong việc hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, giữ vững môi trường đầu tư kinh doanh an toàn (các KCN, KKT không có trường hợp nào bị nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19).

Ban Quản lý KKT- CN Tỉnh cho biết, năm 2021, Ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển KCN, KKT. Theo đó, Ban Quản lý cần thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo sức lan tỏa, thu hút các dịch vụ hỗ trợ du lịch, dự án công nghiệp hỗ trợ; đẩy nhanh công tác hoàn thiện hạ tầng. Tiếp tục hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho các nhà đầu tư đang triển khai dự án, các nhà đầu tư đang sản xuất kinh doanh nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách.

Thu hút 10-12 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, du lịch, hạ tầng KCN, khu phi thuế quan và khu đô thị, công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch năm 2020; vốn đầu tư thực hiện của các dự án đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, bằng kế hoạch năm 2020; nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN Phú Bài, KCN Phong Điền bình quân đạt trên 45%, các KCN còn lại trên 25%.

Tăng cường quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư vào KKT, KCN của Tỉnh, tổ chức ký kết hợp đồng hợp tác trong thu hút, xúc tiến đối với các tổ chức xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước có năng lực.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu các chính sách về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường để tham mưu, trình UBND Tỉnh ban hành cơ chế, chính sách vượt trội để thúc đẩy thu hút đầu tư và triển khai công tác quản lý nhà nước một cách hiệu quả nhất.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính. Gắn nội dung thực hiện công tác cải cách hành chính, vào các tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng của Ban Quản lý.

Bốn là, triển khai thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao phẩm chất, đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội, nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn... Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước năm 2021. Thực hiện công khai, dân chủ trong việc bình xét, lựa chọn khen thưởng đúng người, đúng việc; xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Tin rằng, với các chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, hấp dẫn của Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế cùng sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt có vai trò quan trọng, then chốt của Ban Quản lý KKT và CN Tỉnh, chắc chắn sẽ mở ra triển vọng tươi sáng trong việc thu hút đầu tư vào các KKT, KCN nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, đem đến cho Thừa Thiên - Huế một bứt phá mới, một hình ảnh mới, thật sự năng động, hội nhập và phát triển./.