Tính đến ngày 18/2/2020, toàn thế giới đã có hơn 65.213 ca nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) và 1.873 ca tử vong. Tác động của dịch COVID-19 hiện đang vượt khỏi khuôn khổ sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng lớn đến phát triển nền kinh tế toàn cầu, bởi Trung Quốc vốn là công xưởng của thế giới, là một phần của chuỗi cung ứng.

Tác động của dịch COVID-19 hiện đang vượt khỏi khuôn khổ sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng lớn đến phát triển nền kinh tế toàn cầu

Giới hạn của mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu hóa

Dịch bệnh đã mang đến những rủi ro cho triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu trong năm 2020. Ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu của COVID-19 xuất phát tại Trung Quốc có khả năng lớn hơn do tỷ lệ lây, nhiễm dịch bệnh trên diện rộng và quy mô cũng như mức độ hội nhập lớn của nền kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu.

Thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc – nơi dịch bệnh nghiêm trọng nhất – vẫn đang ở vào trạng thái phong tỏa, thời gian phục hồi sản xuất đến nay vẫn chưa rõ. Trong khi Vũ Hán không chỉ là một thành phố lớn với dân số hàng chục triệu người, mà còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp chế tạo của Trung Quốc. Thành phố này có các cụm công nghiệp quy mô lớn trong các lĩnh vực điện tử, xe hơi và dược phẩm. Nếu ngành sản xuất và dòng chảy của Vũ Hán đình chỉ, các công ty ở hạ nguồn trong chuỗi công nghiệp ở bên ngoài Hồ Bắc cũng có thể phải đối mặt với vấn đề gián đoạn về cung cấp và sản xuất.

Theo tờ The Guardian (Anh) đã đưa ra thống kê: trong số 800 nhà cung cấp của Apple, có 290 nhà cung cấp ở Trung Quốc, Trung Quốc chiếm 9% sản lượng TV trên toàn cầu; 50% ngành sản xuất của Vũ Hán có liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, 25% liên quan đến các nguồn cung công nghệ khác trong khu vực. Có thể thấy, nhiều công ty toàn cầu dựa vào các nhà cung cấp của Trung Quốc và cũng vì vậy mà có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất chịu tác động từ tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc.

Theo ước tính của Nikkei Asian Review và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản dựa trên số liệu từ Ủy ban châu Âu, chỉ ra rằng nếu sản lượng chế tạo của Trung Quốc giảm 10 tỷ USD, thì phần sản lượng còn lại của thế giới sẽ giảm 6,7 tỷ USD - Hàn Quốc, Nhật Bản, và đặc biệt là Mỹ có thể nhận thấy tác động này. Khi tính đến cả ảnh hưởng lan tỏa gián tiếp đối với các ngành có liên quan ở Trung Quốc, tác động tiêu cực từ sự gián đoạn nói trên có thể lên đến khoảng 65 tỷ USD, gấp khoảng 6,5 lần so với sự sụt giảm sản lượng do tác động trực tiếp.

Thực tế cho thấy, COVID-19 đang trở thành một bức tường cô lập Trung Quốc thị trường tiêu thụ lớn nhất nhì của thế giới. Trong thế giới mở rộng ngày nay, mỗi lần giao thương bị trắc trở, tất cả đều bị ảnh hưởng chung. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ ở Trung Quốc khiến nhiều công ty trên toàn thế giới không thể hoàn thành sản phẩm của mình. Dù chỉ là chi tiết nhỏ nhưng có thể đưa toàn bộ chuỗi cung ứng vào tình trạng bế tắc. Điều đáng quan ngại là khu vực sản xuất của Trung Quốc không dự trữ hàng trong kho nên khi nhà máy ngừng hoạt động là thiếu hàng để cung cấp cho thị trường nội địa và quốc tế. Trung Quốc bán linh kiện điện tử, phụ tùng công nghiệp cho cả thế giới, trong đó có cả Mỹ và châu Âu, Nhật Bản... Các nhà máy của Âu Mỹ, qua đó cũng bị xáo trộn, nếu dịch viêm đường hô hấp này kéo dài.

Giới lãnh đạo các hãng xe hơi ở châu Âu và Mỹ đã cảnh báo rằng họ chỉ còn vài tuần nữa là thiếu nguồn cung liên quan đến xe ô tô. Do thiếu các linh kiện do Trung Quốc cung ứng, Hyundai Motors đã phải tạm dừng hoạt động của các nhà máy trong một tuần. Như thông tin đăng tải của Nikkei Asian Review (ngày 12/2), thì tính toán của chuyên gia phân tích một công ty đầu tư Hàn Quốc đã chỉ ra, một tuần ngừng hoạt động của Hyundai Motors có thể dẫn đến thiệt hại 700 tỷ won (587 triệu USD). Nhà sản xuất ô tô Honda Motor cho biết sẽ hoãn khởi động trở lại hoạt động sản xuất tại nhà máy của hãng ở tỉnh Hồ Bắc; Toyota Motor sẽ kéo dài thời gian đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc - các động thái này sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất phụ tùng của Nhật Bản. Cùng với đó, các tập đoàn kinh tế lớn, như: tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu; hãng xe điện Tesla; tập đoàn Apple của Mỹ đều bắt đầu giảm nhịp độ sản xuất.

Ngay cả các công ty công nghệ như Samsung, Google và Sony, mặc dù đã chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng bị ảnh hưởng. Lý do là bởi các công ty này vẫn cần các chi tiết được lắp đặt và chế tạo ở Trung Quốc như bộ phận cảm ứng hoặc màn hình điện thoại thông minh.

Hay đơn cử như trường hợp của một nhà cung cấp chip lớn cho Apple và Largan Precision-công ty sản xuất lens dù sản xuất ở Đài Loan (Trung Quốc), nhưng công ty này lại bị ảnh hưởng bởi tập đoàn Foxconn, có tên chính thức là Hon Hai Precision Industry Co Ltd, vốn thực hiện hoạt động sản xuất điện thoại iPhone và nhiều sản phẩm khác tại Trung Quốc đại lục. Sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất sản phẩm điện thoại thông minh ở Trung Quốc có thể sẽ khiến nhiều công ty khác ngoài Trung Quốc vốn được dự đoán sẽ hưởng lợi lớn từ nhu cầu đối với các điện thoại thông minh (smartphone) 5G bị vỡ kế hoạch, ngừng trệ sản xuất.

Sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng nguồn sản phẩm hoặc phụ tùng từ Trung Quốc không chỉ đối với riêng các doanh nghiệp lớn mà nhiều doanh nghiệp nhỏ trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Dịch COVID-19 gây ra sự thiếu hụt đối với các sản phẩm công nghệ cao đã khiến nguồn cung cấp những chi tiết này từ Trung Quốc không được thực hiện và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho biết hoạt động sản xuất bình thường có thể trở lại. Đối với các doanh nghiệp có nhà máy tại Trung Quốc thì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ phòng chống dịch tại cửa khẩu của Trung Quốc và các quốc gia khác đã làm ảnh hưởng đến thời gian chuyển giao sản phẩm.

Dịch viêm đường hô hấp COVID-19 cho thấy mô hình kinh tế toàn cầu đang gặp phải những giới hạn, đồng thời bộc lộ thực tế rằng, thế giới đã lệ thuộc quá nhiều vào cỗ máy sản xuất của Trung Quốc. Việc Trung Quốc bị ngừng trệ sản xuất đã ảnh hưởng đến dây chuyền cung ứng và sản xuất của thế giới.

Vấn đề của Trung Quốc là nguồn rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu

Dịch bệnh COVID-19 rõ ràng làm nổi bật vấn đề Trung Quốc là nguồn rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 16% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu. Trung Quốc đã đem lại sự hỗ trợ đầy ý nghĩa đối với nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, tiến trình này có tác dụng ngược lại – một cú sốc tiêu cực ở Trung Quốc sẽ lan sang phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu. Nếu kinh tế của Trung Quốc chững lại và hiện tượng này kéo dài, thì từ thương mại đến giao thông trên thế giới đều bị đình trệ, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã bị chao đảo vì chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ngành hàng không và du lịch là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất từ dịch COVID-19. Các hãng hàng không trên thế giới đã hủy ít nhất 25.000 chuyến bay đến và xuất phát từ Trung Quốc và cả các đường bay nội địa tại quốc gia rộng lớn này. Tập đoàn hàng không Cathay Pacific phải cho 27.000 nhân viên, nghỉ việc không ăn lương trong ba tuần (TTXVN 12/02/2020).

Pháp cho biết chỉ riêng tại cửa hàng lớn Galeries Lafayette, doanh thu đã giảm 10% trong vài tuần qua, vì khách Trung Quốc mang đến 25% số tiền mà đại tập đoàn này thu vào hàng năm. Có tới 35% thị trường các mặt hàng xa xỉ được dành để phục vụ khách hàng Trung Quốc. Tại thành phố Paris, ngành khách sạn rơi vào “khủng hoảng” vì dịch viêm đường hô hấp đang hoành hành tại Trung Quốc, bởi có tới 80% số phòng được đặt trước bị hủy trong tháng 1/2020 và 100% bị hủy trong tháng 2/2020. Theo số liệu thống kê của cơ quan tư vấn Protourisme, năm 2018, nước Pháp đã đón tiếp hơn 2 triệu du khách Trung Quốc và tiếp nhận khoản chi tiêu đến 4 tỷ euro (4,37 tỷ USD) (TTXVN 12/02/2020).

Trong một bối cảnh khác, dịch bệnh COVID-19 cũng khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) họp khẩn vì thị trường lớn nhất là Trung Quốc tạm thời bị “đóng băng”. Giá dầu trong tháng 1/2020 giảm 15% chỉ vì Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu. Nga, Triều Tiên, Mông Cổ đóng cửa biên giới với Trung Quốc trong lúc các nước phương Tây hối hả hồi hương kiều dân của mình. Anh, Pháp khuyến cáo công dân tránh đi Trung Quốc. Google, IKEA… lần lượt thông báo “tạm đóng cửa” các chi nhánh tại Trung Quốc đại lục.

Dịch bệnh COVID-19 khiến các rào cản đối với việc đi lại qua biên giới của người dân từ Trung Quốc được thiết lập. Cùng với đó, mối quan hệ và mức độ hợp tác giữa các đối tác trên thế giới trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư bị ngưng trệ do các doanh nghiệp quyết định ngừng hoạt động kinh tế ở những nơi bị dịch bệnh và chuyển dịch cơ sở sản xuất ra nơi khác... Dẫn đến chính sách hướng nội đang nhận được sự ủng hộ chính trị ngày càng tăng ở một số nền kinh tế lớn.

Minh chứng của tâm lý này là phát biểu trả lời phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 30/1/2020 của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng: "Thực tế là, sự kiện này mang lại cho doanh nghiệp một điều nữa cần phải đánh giá khi họ xem xét lại chuỗi cung ứng của mình... Vì vậy, tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp đẩy nhanh việc công ăn việc làm quay trở lại Bắc Mỹ". Như vậy, có nghĩa các công ty của Mỹ cần phải đưa công ăn việc làm trở lại Mỹ để đối phó với dịch bệnh do virus Corona. Do đó, trong thời gian tới sẽ có sự hỗn loạn nhất định trong các mối quan hệ này với ảnh hưởng rất tiêu cực tới tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới nói chung.

Nguy cơ bất ổn của các hoạt động tài chính toàn cầu

Trong hiện tại, kinh tế toàn cầu liên tục bị cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa từ gần hai năm qua, bên cạnh ẩn số xung quanh việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) và lo ngại khi thấy kinh tế Nhật Bản chưa thực sự khởi sắc trở lại, còn kinh tế Ấn Độ vẫn chưa “cất cánh”. Tổng nợ của thế giới ngày càng gia tăng còn chỉ số chứng khoán thế giới lại tăng ở mức “trên trời”, kịch bản giống như thời kỳ tiền khủng hoảng tài chính 2007-2008.

Trong bối cảnh bấp bênh đó, COVID-19 là một yếu tố mới gây lo ngại. Trả lời đài truyền hình France 24 ngày 10/2/2020, chuyên gia kinh tế Nathalie Coutinet thuộc Trường Đại học Paris 13 cho rằng điều đáng lo ngại là Trung Quốc hiện nay đang ngồi trên một núi nợ rất lớn, chiếm đến 15% nợ của thế giới. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, Trung Quốc cần vay thêm để hỗ trợ kinh tế, nhằm giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn, để tài trợ các công trình xây bệnh viện dã chiến chống COVID-19. Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu chững lại, nguồn thu thuế qua đó cũng giảm theo, dẫn đến khả năng khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc sẽ lan sang gây bất ổn cho các hoạt động tài chính toàn cầu.

Theo đó ở lĩnh vực đầu tư, các nền kinh tế mới nổi thì đang lo sợ về khả năng đảo chiều các dòng vốn của Trung Quốc. Lượng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc, không tính vốn đầu tư vào hai đặc khu hành chính của nước này là Hong Kong và Macau, chỉ ở mức 8,1 tỷ USD vào năm 2003, nhưng con số này đã tăng phi mã, gấp hơn 100 lần lên 870 tỷ USD vào năm 2018.

Kết luận

Dịch bệnh COVID-19 đang làm gia tăng tâm lý chính trị rộng rãi hơn đối với việc dựng lên những rào cản đối với các dòng chảy toàn cầu. Phản ứng quốc tế đối với dịch bệnh COVID-19 nhắc nhở thực tế rằng mô hình tự do, mở cửa của toàn cầu hóa đang gặp rủi ro. Sự gián đoạn về đi lại cũng như chuỗi cung ứng quốc tế sẽ tăng cường xu hướng tiến tới chủ nghĩa khu vực, với việc các nước và các khu vực đóng cửa các đường biên giới của họ. Song việc này có khả năng làm gia tăng xu hướng tiến tới các chuỗi cung ứng ngắn hơn và thiết lập chính sách ít cởi mở hơn.

Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 cũng như ảnh hưởng và chính sách phản ứng trên toàn thế giới đã cho thấy rõ triển vọng của hệ thống toàn cầu. Dòng người du lịch và chi tiêu bán lẻ giảm sút, các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn, đó là ba đặc trưng mang tính cơ cấu đang nổi lên của nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế toàn cầu sẽ trở nên dễ tổn thương hơn và phải hứng chịu những rủi ro kinh tế và chính trị đáng kể hơn.

Mức độ dễ tổn thương của nền kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn, khi nền kinh tế Trung Quốc với rủi ro tương đối cao lại trở thành một phần lớn của kinh tế toàn cầu. Nếu trong ngắn hạn chuỗi cung ứng mà mắt xích là Trung Quốc không cải tổ được tình hình thì nhiều ngành công nghiệp của thế giới trong vài tháng tới sẽ đối mặt với tình trạng bấp bênh và sự gián đoạn nhất định đến trước khi chính phủ các nước có thể đưa ra các chương trình hỗ trợ phục hồi hiệu quả. Dịch COVID-19 gây ra sự thiếu hụt đối với các sản phẩm công nghệ cao đang là mối lo ngại cho toàn thế giới, nhưng cũng có thể từ đây sẽ tạo ra những nguồn cung ứng mới nhằm giải quyết tình trạng hiện nay.

Tài liệu tham khảo

TTXVN (12/02/2020). COVID-19 cho thấy những giới hạn của mô hình kinh tế toàn cầu, truy cập từ https://news.vnanet.vn/?created=7%20day&servicecateid=1100&scode=1&qcode=17