Thực trạng TTKDTM tại Việt Nam

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, TTKDTM tại Việt Nam đã và đang có những chuyển biến ban đầu rất đáng ghi nhận từ năm 2018 và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2019, đặc biệt là sự thích nghi rất “tự nhiên” trong những ngày tháng cách ly xã hội, tránh đại dịch Covid-19 đầu năm 2020.

Ngày 16/03/2020, Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay (tức là từ giai đoạn bắt đầu bùng phát đại dịch Covid-19, NAPAS cùng các ngân hàng thương mại đồng hành triển khai miễn, giảm phí), thì tổng số lượng giao dịch TTKDTM xử lý qua hệ thống NAPAS tăng 76%, nhờ đó tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019 (Hương Thủy, 2020).

Trước sự bùng nổ của TTKDTM, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam cũng đã và đang cạnh tranh gay gắt hơn. Các ngân hàng trong và ngoài nước cũng như các công ty tài chính đang thực hiện các cơ chế khuyến mãi để các nhà hàng, hay đại lý của từng nhóm, loại hàng hóa giảm giá cho người thụ hưởng nếu sử dụng phương thức TTKDTM. Tính đến ngày 16/03/2020, đã có 39/45 ngân hàng triển khai chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán tương ứng với 99,6% tổng số lượng giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ qua hệ thống NAPAS (Hương Thủy, 2020).

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng yêu cầu chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp thúc đẩy TTKDTM, ưu tiên các lĩnh vực y tế, giáo dục, điện, nước, chi tiêu công. Đặc biệt, các trường học, bệnh viện... sẽ phải lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán qua ứng dụng QR, cho phép phụ huynh, sinh viên, người bệnh... sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán tương tự như việc mua hàng trong các nhà hàng, siêu thị. Theo NHNN, tính đến tháng 12/2019, Việt Nam đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment) (Lan Anh, 2019).

Số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương cũng cho thấy, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi các giao dịch thanh toán qua điện thoại di động và qua internet cuối năm 2019 tăng tới 238% về giá trị so với cuối năm 2018 (Anh Vũ, 2019). Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng máy rút tiền tự động (ATM) và máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao, phần lớn đều đã liên kết với các hãng vận tải, siêu thị, trường học, bệnh viện, văn phòng...

Tuy nhiên, ở Việt Nam tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế (tới gần 80% giao dịch), tức là tỷ lệ TTKDTM mới chỉ chiếm hơn 20%, còn thấp xa so với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ TTKDTM phải chiếm hơn 30% trên tổng giá trị thanh toán thương mại trong tiêu dùng tại Việt Nam (Nguyễn Đại Lai, 2020).

Theo thống kê của NHNN, hiện nay mới có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 70% dân số chưa có tài khoản, tập trung ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (Nguyễn Đại Lai, 2020). Đây là vấn đề nan giải cần giải quyết, vì có tài khoản ngân hàng, thì mới có thể sử dụng được phương thức TTKDTM. Ngay cả đối với không ít người ở thành phố, dù đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, nhưng qua trao đổi, nhiều người chỉ đặt mua hàng bằng thẻ tín dụng, đến khi thanh toán, thì đa số lại thanh toán bằng hình thức nhận hàng và trả tiền mặt (COD).

Lý do chính là độ tin cậy vào chất lượng, số lượng hàng hóa chưa cao. Ngoài ra, nhận thức của người dân về những tiện ích của TTKDTM còn rất hạn chế, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi xa trung tâm công nghệ. Đây là một nghịch lý, bởi phát hành thẻ cần phải song hành với phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, trong khi thực tế hiện nay, các ngân hàng phát hành thẻ chủ yếu để gia tăng thị phần dịch vụ rút tiền, vì vậy thẻ đang được dùng để làm phương tiện rút tiền mặt hơn là để thay tiền mặt khi thanh toán tiêu dùng.

Từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, thì “cơ hội” cho tăng cường TTKDTM đang đến, nếu có một hệ thống chuyển mạch đủ tốt, kết nối thống nhất được đa kênh có thể đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường. Song, thực tế ở Việt Nam chưa có hệ thống nói trên. Nếu không đáp ứng được về kết cấu hạ tầng, về nhu cầu của người dân ở mọi vùng, thì sẽ làm chậm tiến độ phát triển của thanh toán điện tử nói riêng và kinh tế nói chung.

Nhận định về xu hướng phát triển nghiệp vụ TTKDTM tại Việt Nam

Từ thực tiễn phát triển nền kinh tế hàng hóa mở trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng toàn cầu như hiện nay (hơn 210 quốc gia có dịch), thì Việt Nam không thể không cập nhật các phương thức giao lưu hàng hóa tiến bộ bằng TTKDTM. Vì vậy, TTKDTM đang và sẽ là một phương thức tất yếu trong xu hướng phát triển kinh tế để thúc đẩy quá trình sản xuất trao đổi hàng hóa, dịch vụ phát triển nhanh theo cơ chế thị trường.

Thực tế thị trường TTKDTM đang thu hút ngày càng nhiều công ty công nghệ tài chính (FinTech - Financial Technology) tham gia. Theo báo cáo “Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018” do Công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế Ernst & Young (EY) thực hiện và công bố gần đây, ở nước ta hiện có đến 80 công ty công nghệ tài chính đang hoạt động và 47% trong số đó là công ty cung cấp các dịch vụ thanh toán (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019). Tuy nhiên, các công ty FinTech ở Việt Nam hiện nay có quy mô còn nhỏ, các chính sách của Chính phủ đối với những công ty này cũng còn hạn hẹp về đối tượng áp dụng và hạn chế về nghiệp vụ cũng như độ phủ sóng do chi phí ban đầu cho hạ tầng công nghệ còn quá cao. Dù sao, thị trường công nghệ tài chính vẫn đang trên đà tăng trưởng nhanh ở Việt Nam để đối phó với Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020 này.

Báo cáo “Mở khóa tiềm năng phát triển FinTech của Việt Nam” của Công ty Tham vấn công nghệ tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Solidiance) cho thấy, thị trường FinTech Việt Nam đã đạt 4,4 tỷ USD năm 2017 và dự báo sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020 (Casey Hynes, 2018). Bên cạnh đó, Solidiance cũng cho rằng, công nghệ tài chính Việt Nam sẽ phát triển mạnh nhờ những yếu tố tiềm tàng, như: tỷ lệ sử dụng phổ biến các phương tiện điện thoại thông minh, internet, ví điện tử của cộng đồng và tổ chức trong các trung tâm đô thị ngày càng phổ biến, thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng tăng kéo theo tiêu dùng tăng và nhu cầu hòa nhập với lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo NHNN, Việt Nam hiện đã có 32 tổ chức không phải ngân hàng đã được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn là ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu - chi hộ… (Nguyễn Đại Lai, 2020). Với cơ cấu dân số vàng, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một tăng, nhất là sự hối thúc khách quan của nhu cầu thanh toán gián tiếp để phòng chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đang có lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ TTKDTM.

Những bất cập trong TTKDTM

Bên cạnh những tiện ích, những xu hướng và diễn tiến TTKDTM trong thực tế ở nước ta, có thể thấy nghiệp vụ này đang gặp phải một số bất cập, hạn chế cơ bản sau đây:

(i) Hiện nay, mỗi giao dịch TTKDTM qua ngân hàng cũng còn mất nhiều khoản phí, gây tâm lý tính toán thiệt hơn cho người sử dụng. Thực tế hiện nay, nếu khách hàng rút tiền từ máy ATM trong cùng hệ thống sẽ chỉ mất phí 1.100 đồng/1 lần rút, khác hệ thống mất phí 2.200 đồng/1 lần rút, sau đó, nếu họ mang tiền mặt đi thanh toán trực tiếp, thì không mất thêm một khoản phí nào nữa, nhưng nếu khách hàng sử dụng tiền đó trong tài khoản để TTKDTM, thì mỗi giao dịch ấy phải chịu phí tới 10.000 đồng/giao dịch (theo biểu phí hiện tại của Vietcombank). Nếu trong ngày thực hiện 5 giao dịch TTKDTM sẽ mất phí 50.000 đồng, thực hiện 10 giao dịch sẽ mất 100.000 đồng. Trong khi rút tiền mặt để mua hàng và thanh toán bằng tiền mặt, thì cả ngày dù phát sinh mua bao nhiêu lần vẫn chỉ mất 1.100 đồng hoặc 2.200 đồng (nếu rút khác hệ thống). Tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đáng lý ra phải mang lại năng suất lao động cao hơn, nghĩa là rẻ hơn, thì các ngân hàng đang làm ngược lại với quy luật chung.

(ii) Các giao dịch TTKDTM có thể thực hiện không qua ngân hàng, mà qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán manh mún không đồng nhất hoặc qua mạng xã hội. Theo đó, do vừa có song song nhiều loại thẻ, nhiều loại ví điện tử với các mã, số gắn với nhiều chủ thể phát hành khác nhau, vừa chưa đủ cơ chế chính sách để thúc đẩy và quy chuẩn công nghệ TTKDTM trên phạm vi toàn quốc, nên việc quản lý thống nhất và an toàn hoạt động TTKDTM ở nước ta hiện nay còn rất phân tán và hàm chứa nhiều hạn chế.

(iii) Tiền trong tài khoản tiền gửi thanh toán hay tiền gửi tiết kiệm của thể nhân và pháp nhân ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung căn bản là tài sản bí mật cá nhân/pháp nhân được pháp luật bảo vệ. Nếu không có chức năng được pháp luật cho phép hay thông tin chính thống của chính chủ tài khoản đó, thì không ai được phép tra cứu hay sử dụng. Chính vì vậy, nếu một chủ tài khoản nào đó chẳng may đột ngột qua đời, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càn quét càng dễ xảy ra khi chưa có giấy ủy quyền hay thông tin hợp pháp cho người thân biết trước để nhờ pháp luật can thiệp cho tiếp quản, thì số tiền đó vẫn nằm tại ngân hàng hay tổ chức thanh toán, gây thiệt hại cho bên gửi tiền.

Một số đề xuất giải pháp

Để đẩy mạnh sử dụng phương thức TTKDTM trong thời gian tới tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, các ngành ngân hàng, tài chính, công thương, giáo dục, cơ quan bảo vệ pháp luật và truyền thông quốc gia cần có những chương trình chuyên ngành và chương trình phối hợp do Chính phủ chỉ đạo thống nhất về việc phổ cập các kiến thức phổ biến, cập nhật về nhận thức, tiện ích, quyền lợi, nghĩa vụ và cơ chế tiếp quản của các bên liên quan đến nghiệp vụ TTKDTM trong cộng đồng xã hội. Những kiến thức phổ cập này đặc biệt cần cho lớp trẻ từ 15 tuổi đến bậc trung niên trong thời đại ngày nay.

Thứ hai, Nhà nước cần sớm cho ra đời loại tiền điện tử duy nhất do NHNN phát hành và làm chủ ví tiền điện tử quốc gia. Theo đó, NHNN làm trung gian giữa các ngân hàng thương mại, các công ty dịch vụ thanh toán và các khách hàng. Khi đó, mọi khách hàng phải chuyển tiền gửi thanh toán từ các ngân hàng thương mại hay công ty thanh toán hoặc tiền mặt vào tài khoản có số duy nhất của mình mở tại ví điện tử do NHNN thống nhất quản lý. Đây là giải pháp “duy nhất hóa” đồng tiền số của khách hàng là cá nhân hay tổ chức trong hệ thống TTKDTM quốc gia.

Thứ ba, Nhà nước cần cho phép thành lập ngay một Trung tâm công lập gọn nhẹ chuyên làm về nghiệp vụ thông tin tài khoản tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm (gọi tắt là Trung tâm Thông tin tiền gửi quốc gia) của thể nhân và pháp nhân đặt tại cơ quan Thanh tra của NHNN làm chức năng được phép nhận, cập nhật và cung cấp thông tin tiền gửi của pháp nhân và cá nhân cho cơ quan thi hành án và người không phải là chủ tài khoản, nhưng đủ thẩm quyền hợp pháp được biết hay tiếp quản tài sản trong tài khoản tiền gửi của khách hàng trong điều kiện đặc biệt (chết, mất tích, mất trí nhớ, tù giam, phá sản...) do pháp luật quy định. Cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo vệ quyền bí mật tài sản của cá nhân/pháp nhân đã được luật pháp bảo hộ.

Đối với hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức thanh toán và bán hàng

Một là, các ngân hàng thương mại cần tăng cường các hoạt động giới thiệu, hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện internet, điện tử, nhất là khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Hai là, các bên liên quan chủ động liên kết với chủ ví, các tổ chức có chức năng thanh toán để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi thanh toán của các khách hàng cá nhân, pháp nhân sang ví điện tử quốc gia.

Ba là, các ngân hàng thương mại, các tổ chức thanh toán cần có trách nhiệm cung cấp toàn bộ thông tin cập nhật về tiền gửi khách hàng cho Trung tâm Thông tin tiền gửi quốc gia đặt tại cơ quan Thanh tra của NHNN.

Bốn là, các ngân hàng thương mại tiếp tục phối hợp với các đơn vị thanh toán, các chủ cung ứng hàng hóa, dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán thống nhất toàn quốc và thực hiện các dịch vụ đại lý thanh toán ủy nhiệm thu, chi, nhận tiền gửi các loại, cho vay tùy theo chức năng sau khi được NHNN cấp phép. Các doanh nghiệp phân phối hàng hóa cũng như các trung gian đại lý TTKDTM cần đưa ra các hình thức khuyến mãi, giảm giá nếu khách hàng sử dụng phương thức TTKDTM.../.

Tài liệu tham khảo

1. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2019). Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam: Cơ hội phát triển bền vững, Chương trình Đồng hành cùng Doanh nghiệp khởi nghiệp, Nxb Lao động – Xã hội

2. Lan Anh (2019). Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, truy cập từ http://tapchitaichinh.vn/viet-nam-chong-rua-tien-va-tai-tro-khung-bo/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-o-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap-317166.html

3. Casey Hynes (2018). Thị trường fintech Việt Nam có thể đạt 8 tỉ đô la Mỹ năm 2020, truy cập từ https://forbesvietnam.com.vn/cong-nghe/thi-truong-fintech-viet-nam-co-the-dat-8-ti-do-la-my-nam-2020-3832.html

4. Nguyễn Đại Lai (2020). Thực trạng, xu hướng và đề xuất phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, truy cập từ http://thitruongtaichinhtiente.vn/thuc-trang-xu-huong-va-de-xuat-phat-trien-phuong-thuc-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-26929.html

5. Hương Thảo (2020). Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt xử lý qua hệ thống NAPAS tăng 76%, truy cập từ http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tai-chinh/961278/giao-dich-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-xu-ly-qua-he-thong-napas-tang-76

6. Anh Vũ (2019). Hơn 90% giao dịch vẫn thanh toán tiền mặt do thói quen, truy cập từ https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/hon-90-giao-dich-van-thanh-toan-tien-mat-do-thoi-quen-1166599.html