Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế thế giới tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ 2

Toàn cầu hóa đang rơi vào trạng thái mơ hồ và phức tạp. Diễn biến của nền kinh tế thế giới thời gian qua cho thấy, cơ sở lý luận toàn cầu hóa mang tính chu kỳ có sức thuyết phục hơn là mang tính xu thế. Do cơ cấu kinh tế của các nước lớn trên thế giới có sự khác nhau, kinh tế thế giới phát triển không cân bằng, toàn cầu hóa phát triển theo hình xoắn ốc, đặc trưng của tính chu kỳ và phi tuyến tính rất rõ ràng. Chính vì vậy, đảo ngược toàn cầu hóa dường như trở thành mũi tên lao khỏi cung, những làn sóng phản đối toàn cầu hóa liên tục xuất hiện, sóng sau cao hơn sóng trước.

Hiện nay, Trung Quốc đang ở trong giai đoạn then chốt từ “nổi lên”, “giàu lên” hướng đến “mạnh lên”. Để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh quan trọng hàng đầu, dồn lực ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc trên tất cả các phương diện và điều này khiến quan hệ Trung - Mỹ xuống cấp nghiêm trọng. Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế số một và số hai thế giới, có ảnh hưởng rất quan trọng đối với thế giới và khu vực. Toàn cầu hóa đã sớm khiến các nước trở thành cộng đồng lợi ích, khi một quốc gia nào đó xảy ra vấn đề sẽ dẫn đến hiện tượng khó bảo toàn của các nước khác. Như vậy, tính chu kỳ, tính kết cấu và thậm chí rủi ro hệ thống rất khó loại bỏ, chu kỳ toàn cầu hóa mới thời hậu COVID-19 mà mọi người chờ đợi rất có thể là sự vô vọng.

Kinh tế suy thoái dài hạn. Giảm phát khiến giá cả lao dốc, điều này sẽ phá vỡ kế hoạch sản xuất của một số nhà máy còn sót lại. Mâu thuẫn giữa sản xuất hàng hóa và hiện thực dẫn đến xuất hiện tình trạng sản xuất dư thừa và khủng hoảng. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản và châu Âu cho thấy, lãi suất âm là một trong những biện pháp cuối cùng, không có tác dụng thúc đẩy nhiều đối với các nền tảng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế cuối cùng được quyết định bởi các yếu tố sản xuất, dân số, tiến bộ khoa học kỹ thuật - mới là then chốt; còn chính sách tiền tệ của các nước phương Tây như Mỹ theo đuổi hiện nay, không thể tác động đến tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế. Do đó, sau khi triển khai chính sách lãi suất âm, nới lỏng định lượng, thì Nhật Bản và châu Âu đã xuất hiện cái gọi là “bẫy thanh khoản”, khiến vốn tắc nghẽn trong hệ thống tài chính, tăng trưởng kinh tế không khởi sắc.

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của WB dự báo, trong năm nay, nền kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng, ở mức 5,2%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, thiệt hại có thể ở mức từ 5.800 tỷ đến 8.800 tỷ USD, tương đương 6,4% tới 9,7% GDP toàn cầu. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay và kinh tế thế giới sẽ thiệt hại 12 nghìn tỷ USD tính đến hết năm 2021. Đây là “cảnh báo đỏ” với tất cả các nước, các khu vực.

Nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm 2020 (WB - tháng 6/2020)

Biến động tài chính trở thành hiện tượng bình thường hóa. Trong bối cảnh đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn diện chưa từng có về dịch bệnh và những thảm họa gián tiếp như hiện nay, không gian hoạch định chính sách của Mỹ và các nước phương Tây ngày càng hạn chế. Các khoản nợ đã vượt quá mức cảnh báo từ lâu vẫn không ngừng tăng lên, vì vậy chỉ có việc liên tục giảm lãi suất, thậm chí đưa lãi suất về 0 hoặc âm thì mới có thể tránh khỏi tình trạng phá sản do phải trả các khoản nợ lớn. Tuy nhiên, không thể duy trì lâu dài sự “cân bằng mong manh” tăng trưởng âm, lãi suất âm, lạm phát âm, giá hàng hóa chiến lược thấp (như giá dầu âm)… như thế này, bởi tình trạng thất nghiệp dẫn đến lực kéo mâu thuẫn xã hội ngày càng lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là sự lựa chọn tất yếu của đảng cầm quyền, có tăng trưởng thì sẽ có lạm phát. Thêm vào đó, một số quốc gia đã thực hiện chính sách tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách để ứng phó với khủng hoảng toàn diện, dẫn đến dư thừa thanh khoản, điều này khiến cho tình trạng giảm phát không thể duy trì lâu dài. Một khi lạm phát quay trở lại, lãi suất chắc chắn sẽ được điều chỉnh tăng lên, căng thẳng tài chính thậm chí là khủng hoảng sẽ ập đến. Chính vì vậy, “bàn tay hữu hình” do chính phủ can thiệp phối hợp nhiều hơn với “bàn tay vô hình” của hoạt động đầu cơ tài chính đã làm cho thị trường tài chính ngày càng biến động, hơn nữa làm cho sự biến động này trở nên hết sức bình thường hóa.

Trong tương lai, hàng loạt các hiện tượng kinh tế tiêu cực như tăng trưởng âm, lãi suất âm, giảm phát và giá dầu âm... vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện, làm cho nền kinh tế thế giới vốn mong manh ngày càng bất trắc, rủi ro lớn hơn./.