Kinh tế - kinh doanh là chuyên ngành thu hút sinh viên

Con số thống kê cho thấy, kinh tế-kinh doanh là một trong những chuyên ngành được lựa chọn theo học nhiều nhất tại Việt Nam. Chỉ tính riêng 5 trường đại học trọng điểm, số lượng tuyển sinh năm 2020 đã lên đến hơn 20.000 sinh viên.

Quy mô tuyển sinh của một số trường đại học ngành kinh tế tại Việt Nam năm 2020

TT

Tên trường đại học (ĐH)

Quy mô tuyển sinh hệ ĐH chính quy

Chuyên ngành chính

1

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

5.800

Kinh tế, Quản lý, Quản trị Kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán kiểm toán, Thương mại và kinh doanh quốc tế, Luật, Ngôn ngữ Anh

2

Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh

5.500

Kinh tế, Quản lý, Kinh doanh, Luật, Ngôn ngữ Anh

3

Trường ĐH Ngoại thương

3.950

Kinh tế, QLKD, TCNH, KTQT, Ngôn ngữ TM.

4

Trường ĐH Thương mại

4.150

Kinh tế, Quản lý và QTKD

5

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội

1.200

Tài chính ngân hàng, Kế toán kiểm toán, KTCT, Quản trị Kinh doanh, Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Kinh tế phát triển


Sức thu hút mạnh mẽ của các trường kinh tế hàng đầu không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, cơ sở vật chất mà còn dựa trên uy tín về nghiên cứu khoa học. Các tổ chức trên đều là các đơn vị dẫn đầu về năng suất nghiên cứu, theo kết quả nghiên cứu mới nhất trên Tạp chí Heliyon của Cell Press/Elsevier (doi:10.1016/j.heliyon.2021.e06273) [1]. Nghiên cứu được tài trợ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) với mã đề tài 502.01-2018.19.

Nghiên cứu “Các trường đại học và cơ sở nghiên cứu kinh tế tiên phong tại Việt Nam” từ bộ dữ liệu SSHPA đã phân tích 178 cơ quan và 1.444 bài báo thuộc ít nhất một trong ba lĩnh vực con của ngành kinh tế: Kinh doanh (361 bài), Kinh tế (930 bài) và Quản lý (153 bài) [1]. Từ đó, phát hiện ra các cơ quan đoàn thể tiên phong trong xu hướng nghiên cứu khoa học.

Bứt phá từ các đầu tàu nghiên cứu

Kết quả thống kê cho thấy, trong tổng số 178 trường đại học và học viện, 8 đơn vị dẫn đầu đã đóng góp khoảng 52% tổng số công bố nghiên cứu trong ngành kinh tế. Trong đó, hầu hết các trường đại học trọng điểm khối ngành kinh tế đều có mặt trong TOP 8.

8 đơn vị nghiên cứu kinh tế năng suất nhất tại Việt Nam

Cơ sở nghiên cứu

Số lượng bài

Đại học Kinh tế Quốc dân

167

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

124

Đại học Quốc gia Hà Nội

121

Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh

72

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

60

Đại học Ngoại thương

57

Đại học Thương mại

40

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

37

Kết quả phản ảnh xu hướng phát triển hoạt động nghiên cứu-sáng tạo kết hợp giảng dạy tại các cơ sở đào tạo hiện nay, thay đổi lối tư duy cũ phân biệt riêng rẽ các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy.

Xu hướng xuất bản quốc tế tại các cơ sở hàng đầu chỉ mới xuất hiện trong một thập kỷ. Vào thời gian đầu, hầu hết các trường vẫn chưa có công bố quốc tế, hoặc số lượng công bố không đều đặn. Đại học Kinh tế Quốc dân, đơn vị dẫn đầu về năng suất nghiên cứu, là đơn vị có truyền thống nghiên cứu lâu dài và duy trì phong độ trong suốt 10 năm. Năm 2019, số lượng công bố của Trường đã bứt phá so với các năm trước đó. Sau 10 năm, trường đã có 167 công bố quốc tế.

Đại học Kinh tế TP. HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đứng thứ hai và thứ ba về năng suất nghiên cứu. Hai đơn vị đã xuất bản lần lượt 124 và 121 công bố. Ba đơn vị đứng đầu là ba đơn vị duy nhất vượt qua cột mốc 100 nghiên cứu.

Tuổi và giới tính trong nghiên cứu kinh tế

Các tác giả thuộc nhóm tuổi 40–44 là nhóm có nhiều công bố nhất trong giai đoạn 2008–2019. Dù vậy, các nhóm tác giả trẻ cũng đang tham gia đóng góp nhiều hơn. Tại các trường như trường Đại học Mở TP. HCM, trường Đại học Kinh tế TP. HCM, trường Đại học Ngoại thương, đội ngũ trẻ dưới 30 tuổi đang là nhân tố hạt giống, hứa hẹn làn sóng nghiên cứu mới.

Dù có sự khác biệt về năng suất nghiên cứu giữa hai giới tính trong ngành kinh tế, số lượng tác giả nữ tham gia nghiên cứu đang gia tăng theo các năm. Tại các trường đại học lớn như Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Ngoại Thương, Đại học Thương mại, các tác giả nữ thường trẻ hơn so với các tác giả nam.

Công bố trên tạp chí có hệ số tác động tạp chí (JIF) cao

Hệ số tác động của Web of Science (viết tắt JIF - Journal Impact Factor) thường được sử dụng để đo mức độ ảnh hưởng và uy tín của tạp chí trong ngành. Hiện nay, khoảng 68% số bài nghiên cứu từ 8 đơn vị dẫn đầu về năng suất tại Việt Nam được đăng trên tạp chí thuộc Scopus hay Danh mục trích dẫn các nguồn mới nổi (ESCI). Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu cho thấy các tác giả đang hướng tới các tạp chí có chỉ JIF cao. Hầu hết các cơ sở nghiên cứu hàng đầu đều có công bố trên các tạp chí có JIF ≥ 3. Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Thương mại là hai đơn vị có công bố trên tạp chí có JIF ≥ 5.

Dù việc sử dụng hệ số JIF có một số hạn chế nhất định, việc các tác giả thử thách bản thân tại các tạp chí có hệ số tác động cao đang cho thấy tinh thần nâng cao vị thế trên mặt trận khoa học quốc tế. Ngoài ra, khi trường đại học hàng đầu có công bố trên tạp chí có JIF cao, họ cũng làm gia tăng uy tín và khả năng nghiên cứu trong nước.

Nhìn chung, giai đoạn 2008-2019 là thập kỷ khởi đầu cho hòa nhập nghiên cứu kinh tế Việt Nam với thế giới. Đây là giai đoạn chứng kiến sự tăng trưởng năng suất của các cơ sở nghiên cứu hàng đầu, về cả mặt số lượng và cạnh tranh trên các tạp chí có JIF cao. Các cơ sở nghiên cứu nghiên cứu kinh tế hàng đầu hiện nay đang là hình mẫu theo đuổi xu hướng quốc tế. Ngoài ra, họ còn là yếu tố chủ chốt làm tăng mức độ cạnh tranh về năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị nghiên cứu – đào tạo trong nước, hứa hẹn đẩy mạnh xu hướng và nâng cao chất lượng nghiên cứu kinh tế./.

Tài liệu tham khảo:

1. Vuong, Q. H., Bui, A. T., Ho, M. T., Pham, T. H., Vu, T. H, et al. (2021). Top economics universities and research institutions in Vietnam: evidence from the SSHPA dataset. Heliyon, 7(2), e06273.

2. Vuong, Q. H., Napier, N. H., Ho, T., Nguyen, V., Vuong, T., Pham, H. and Nguyen, H., 2018. Effects of work environment and collaboration on research productivity in Vietnamese social sciences: evidence from 2008 to 2017 scopus data. Studies in Higher Education, 44(12), pp.2132-2147.