Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới không phải kiểm dịch

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 14/2018/NĐ-CP, ngày 23/01/2018 trong đó quy định cụ thể về hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Nghị định quy định thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới là thương nhân Việt Nam, bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo cam kết của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Cửa khẩu biên giới thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Quản lý ngoại thương.

Trường hợp hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới thực hiện qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, UBND tỉnh biên giới quyết định, công bố Danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa sau khi trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành liên quan về việc đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước.

Nghị định quy định rõ hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý ngoại thương

Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật, điều ước quốc tế về kiểm dịch y tế; kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm dịch thủy sản; kiểm tra chất lượng hàng hóa; kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Thương nhân hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân quy định tại Nghị định này được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.Thuế, phí và lệ phí trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nghị định quy định hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới được thực hiện qua các cửa khẩu, lối mở biên giới như các thương nhân.

Hàng hóa của cư dân biên giới là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam hoặc nước có chung biên giới do cư dân biên giới mua bán, trao đổi ở khu vực biên giới hai nước để phục vụ các nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới. Bộ Công Thương ban hành Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.

Cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới do Bộ Công Thương ban hành theo quy định được hưởng định mức miễn thuế theo quy định tại Phụ lục V Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Phần giá trị hàng hóa vượt định mức quy định ở trên phải chịu thuế nhập khẩu và các loại thuế, phí khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Nghị định nêu rõ hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới không phải thực hiện kiểm dịch y tế, trừ trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo có dịch bệnh truyền nhiễm, nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra thì phải kiểm dịch y tế.

Hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch động vật, thực vật và kiểm dịch thủy sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố trong từng thời kỳ phải được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới không phải kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này.

Phối hợp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới

Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2018/NĐ-CP, ngày 23/01/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP, ngày 02/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định phối hợp trong ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm.

Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại bưu điện quốc tế là khu vực thuộc điểm phục vụ bưu chính thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, lưu giữ bưu gửi với nước ngoài theo điều ước quốc tế của Liên minh Bưu chính thế giới và các quy định về bưu chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực chuyển phát nhanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng hóa xuất – nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa chịu sự giám sát, kiểm soát hải quan, khu thương mại tự do, khu chế xuất, trụ sở, kho hàng của doanh nghiệp chế xuất, khu phi thuế quan, khu vực ưu đãi hải quan khác, khu vực hải quan riêng.

Khu vực địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ sở sản xuất, cơ sở gia công lại, công trình.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khi có yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm, theo đề nghị của cơ quan hải quan thì cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm: Phối hợp lực lượng, hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện khám người, phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính và áp giải người vi phạm; phối hợp, hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong việc lấy lời khai, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, xác lập chuyên án; phối hợp trong việc lập hồ sơ và xử lý các vụ việc vi phạm.

Nghị định bổ sung quy định phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật. Cụ thể, trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Nghị định cũng thay thế Phụ lục phạm vi địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa trong khu vực biên giới ban hành kèm theo Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/1/2015 của Chính phủ bằng Phụ lục phạm vi địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa trong khu vực biên giới ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định có hiệu lực từ 10/03/2018./.