Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Chính phủ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu. Tích cực rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập gây cản trở cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai…

Từng bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đã đề ra; người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả điều hành thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của ngành, lĩnh vực phụ trách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xây dựng kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2018.

“Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, tập trung nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp, đối sách phù hợp, nhất là việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn”, Nghị quyết nêu rõ.

Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, nhất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thúc đẩy cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất; giữ ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp cần thiết và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tạo chuyển biến ngay trong tháng 3 năm 2018. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm, xử lý các trường hợp gây chậm trễ trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương giao hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 trước ngày 31/3/2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng thể việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 trong tháng 3 năm 2018. Tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm, hội họp; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, mở rộng và không để xói mòn cơ sở thuế; tăng cường giải pháp thu thuế từ hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài sản công. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công và nền tài chính quốc gia.

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý và các điều kiện cần thiết để sớm vận hành hiệu quả ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó khẩn trương hoàn thiện các Đề án của Chính phủ về thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hoàn thiện dự án Luật đơn vị - hành chính kinh tế đặc biệt, trình Quốc hội thông qua.

Các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính và các địa phương nghiên cứu, đề xuất cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như: giá dịch vụ sử dụng đường bộ, phí dịch vụ logistics... trong tháng 3 năm 2018.

Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khai thác hiệu quả các cơ hội, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đẩy nhanh tiến độ ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Tổ công tác; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, đối với các bộ quản lý chuyên ngành và các bộ, cơ quan quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết, bất hợp lý, chồng chéo, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trước ngày 30/4/2018.

Xây dựng văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo hướng xây dựng một nghị định sửa nhiều nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ xem xét, ban hành chậm nhất trước ngày 31/10/2018; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, nghiên cứu, tiếp tục đề xuất cắt giảm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý quy định tại Phụ lục 4 của Luật đầu tư; xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành; Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành, đề xuất cụ thể cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với danh mục hàng hóa đang chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chồng chéo của nhiều bộ./.