Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tư này quy định định mức chi phí, là căn cứ để xây dựng dự toán kinh phí sử dụng ngân sách nhà nước cho việc lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh các loại hình quy hoạch được quy định tại Điều 5 của Luật Quy hoạch, gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch ngành quốc gia; Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh.

Theo giải thích từ ngữ của Thông tư, thì định mức chi phí được quy định tại Thông tư này, là mức chi phí cần thiết tối đa để thực hiện các bước hoặc toàn bộ nội dung các công việc lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh dự án quy hoạch.

Định mức chi phí quy định tại Thông tư này không bao gồm chi phí để thực hiện các công việc điều tra cơ bản (khảo sát, thăm dò...) và đo đạc bản đồ trên địa bàn quy hoạch.

Đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Thông tư quy định: Định mức cụ thể cho quy hoạch tổng thể quốc gia (CQG) được tính như sau:

CQG = GoQG x K1

Trong đó:

- GoQG: là chi phí lập quy hoạch tổng thể quốc gia được xác định tại thời điểm ban hành Thông tư này.

- K1: Hệ số điều chỉnh theo mặt bằng giá tiêu dùng được xác định tại Phụ lục VII của Thông tư này.

Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, định mức chi phí cho từng hợp phần quy hoạch bằng 10% tổng chi phí của ngành quốc gia tại thời điểm lập dự toán quy hoạch tổng thể quốc gia, nhưng không được vượt quá 01 (một) tỷ đồng.

Đối với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Thông tư quy định định mức cụ thể cho quy hoạch sử dụng đất quốc gia (CSDĐ) được tính như sau:

CSDĐ = GoSDĐ x K1

Trong đó:

- GoSDĐ: là chi phí lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại thời điểm ban hành Thông tư này.

- K1: Hệ số điều chỉnh theo mặt bằng giá tiêu dùng được xác định tại Phụ lục VII của Thông tư này.

Về định mức chi phí cho từng hợp phần quy hoạch, Thông tư quy định, bằng 10% tổng chi phí của ngành quốc gia có liên quan đến sử dụng đất tại thời điểm lập dự toán quy hoạch sử dụng đất quốc gia, nhưng không được vượt quá 01 (một) tỷ đồng.

Đối với Quy hoạch không gian biển quốc gia, định mức cụ thể cho quy hoạch không gian biển quốc gia (CKGB) được tính như sau:

CKGB = GoKGB x K1

Trong đó:

- GoKGB: là chi phí lập quy hoạch không gian biển quốc gia tại thời điểm ban hành Thông tư này.

- K1: Hệ số điều chỉnh theo mặt bằng giá tiêu dùng được xác định tại Phụ lục VII của Thông tư này.

Thông tư nêu rõ, định mức chi phí cho từng hợp phần quy hoạch bằng 10% tổng chi phí của ngành quốc gia có sử dụng không gian biển tại thời điểm lập dự toán quy hoạch không gian biển quốc gia, nhưng không được vượt quá 02 (hai) tỷ đồng.

Đối với Quy hoạch ngành quốc gia, thì định mức chi phí cho lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia (CN) được tính như sau:

CN = GchuẩnN x HN x K1

Trong đó:

- GchuẩnN: là định mức chi phí cho ngành chuẩn.

- HN: Hệ số khác biệt ngành quốc gia so với ngành chuẩn được xác định tại Phụ lục IV của Thông tư này.

- K1: Hệ số điều chỉnh theo mặt bằng giá tiêu dùng được xác định tại Phụ lục VII của Thông tư này.

Riêng định mức chi phí cho các bước, trình tự quy hoạch ngành liên quan đến quốc phòng và an ninh, Thông tư quy định là, do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định chi tiết.

Đối với Quy hoạch vùng, định mức chi phí cho lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch vùng (CPV) được tính như sau:

CPV = GchuẩnV x H1V x H2V x H3V x K1

Trong đó:

- GchuẩnV là định mức chi phí cho vùng chuẩn.

- H1V là hệ số quy mô dân số vùng được tính bằng công thức:

H1V = log(Quy mô dân số vùng)/log(PchuẩnV)

- H2V là hệ số quy mô diện tích vùng được tính bằng công thức:

H2V = log(Quy mô diện tích vùng)/log(SchuẩnV)

- H3V là hệ số quy mô kinh tế vùng được tính bằng công thức:

H3V = log(Tổng sản phẩm trên địa bàn vùng)/log(GRDPchuẩnV)

- K1: Hệ số điều chỉnh theo mặt bằng giá tiêu dùng được xác định tại Phụ lục VII của Thông tư này.

Định mức chi phí cho hợp phần quy hoạch từng tỉnh và ngành trong quy hoạch vùng bằng 5% tổng chi phí phần nội dung tổng hợp quy hoạch vùng tại thời điểm lập dự toán nhưng không vượt quá 01 (một) tỷ đồng.

Đối với Quy hoạch tỉnh, định mức chi phí cho lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch tỉnh (CPT) được tính như sau:

CPT = GchuẩnT x H1T x H2T x H3T x K1x K2

Trong đó:

- GchuẩnT là định mức chi phí cho tỉnh chuẩn

- H1T là hệ số quy mô dân số tỉnh được tính bằng công thức:

H1T = log(Quy mô dân số tỉnh)/log(PchuẩnT)

- H2T là hệ số quy mô diện tích tỉnh được tính bằng công thức:

H2T = log(Quy mô diện tích tỉnh)/log(SchuẩnT)

- H3T là hệ số quy mô kinh tế tỉnh được tính bằng công thức:

H3T = log(Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh)/log(GRDPchuẩnT)

- K1: Hệ số điều chỉnh theo mặt bằng giá tiêu dùng được xác định tại Phụ lục VII của Thông tư này.

- K2: Hệ số địa bàn được xác định tại Phụ lục VIII của Thông tư này.

Định mức chi phí cho hợp phần quy hoạch từng huyện và ngành trong quy hoạch tỉnh bằng 5% tổng chi phí phần nội dung tổng hợp quy hoạch tỉnh tại thời điểm lập dự toán nhưng không vượt quá 500 (năm trăm) triệu đồng.

Dự thảo Thông tư cũng đề cập tới mức chi phí rà soát quy hoạch định kỳ theo Điều 52 Luật Quy hoạch. Theo đó, Thông tư quy định, không vượt quá 10% tổng chi phí ở mức tối đa của dự án quy hoạch được lập mới.

Dự thảo Thông tư cũng đưa ra mức chi phí cho điều chỉnh quy hoạch được xác định trên cơ sở dự toán cho các nội dung cần điều chỉnh trong quy hoạch đã phê duyệt.

Cụ thể, đối với quy hoạch phải điều chỉnh toàn bộ, mức chi phí không vượt quá 65% tổng chi phí ở mức tối đa của nhiệm vụ lập mới quy hoạch đó tại thời điểm lập dự toán.

Đối với quy hoạch cần điều chỉnh cục bộ, mức chi phí không vượt quá 30% tổng chi phí của nội dung cần điều chỉnh tại thời điểm lập dự toán cho xây dựng mới.

Định mức cho các khoản mục chi phí chi tiết của nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch áp dụng như định mức cho các khoản mục chi phí của nhiệm vụ lập mới quy hoạch./.