Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định về tổ hợp tác trình Chính phủ trong năm 2018.

Trong quá trình xây dựng Nghị định về tổ hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các Thành viên Chính phủ (trong đó lưu ý đến việc không đăng ký tổ hợp tác, không ban hành chính sách hỗ trợ riêng cho tổ hợp tác mà lồng ghép chính sách hỗ trợ cho tổ hợp tác trong chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã để đảm bảo sự công bằng trong các thành phần kinh tế...) phù hợp với Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và hệ thống pháp luật.

Trước đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dự nghị định về tổ hợp tác sẽ có tác động, hỗ trợ phát triển tổ hợp tác đáng kể, qua đó có tác động lan tỏa về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1,2 triệu kinh tế hộ thành viên và đời sống của hàng triệu người thuộc hộ gia đình thành viên, từ đó góp phần làm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành viên, của bản thân tổ hợp tác và của toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nghị định về tổ hợp tác là nhằm điều chỉnh quy định về tổ hợp tác cho phù hợp với những thay đổi mới trong Bộ luật dân sự 2015; khắc phục những hạn chế về khung pháp luật hiện hành đối với việc thành lập và hoạt động của tổ hợp tác.

Đồng thời, tạo khung pháp lý thuận lợi tối đa cho tổ hợp tác thành lập, hoạt động và phát triển, cũng như bảo đảm quyền, nghĩa vụ của tổ hợp tác, thành viên tổ hợp tác cũng như các bên thứ ba tham gia vào hợp đồng dân sự với tổ hợp tác.

Theo dự thảo Nghị định về tổ hợp tác mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân, thì Dự thảo Nghị định sẽ tập trung điều chỉnh tổ chức, hoạt động của các nhóm, tổ hợp tác có thực hiện một hoặc một số khâu dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh do: (1) đây là nhóm, tổ hợp tác có phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh; có nhu cầu ký kết, giao dịch với bên thứ ba nên cần cơ chế điều chỉnh minh bạch và ổn định nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra cho thành viên và đối tác của tổ hợp tác; (2) tập trung nguồn lực hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước tránh dàn trải, hỗ trợ được số lượng lớn dân cư và tạo tiền đề cho việc thành lập hợp tác xã./.