Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình dự án Luật

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, luật Đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là một luật mới với nhiều nội dung đặc thù, đột phá, thử nghiệm chính sách. Một số nội dung chính sách chỉ quy định có tính nguyên tắc mà chưa thể cụ thể ngay trong Luật vì chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số chính sách mới để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động cho Chính phủ và các cơ quan, địa phương hữu quan trong quá trình triển khai thi hành Luật,

Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 6 chương, 85 điều và 6 Phụ lục, kèm theo dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi, kết cấu của Luật và nguyên tắc áp dụng pháp luật

Thay mặt Uỷ ban Thương vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định báo cáo, trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH bổ sung thêm tên các đơn vị HCKTĐB vào tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh, cụ thể là: “Luật Đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”; trong các quy định cụ thể của dự thảo Luật, cụm từ “đơn vị HCKTĐB” được gọi tắt là “đặc khu” để bảo đảm ngắn gọn và thuận tiện trong thực hiện.

Dự thảo Luật đã được rà soát để lồng ghép các nội dung quy định về chính sách đặc biệt riêng đối với từng đặc khu tại Chương V vào Chương III và chỉnh lý tên gọi của Chương III thành “Cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu”; tách nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở trung ương và của chính quyền địa phương cấp tỉnh đối với đặc khu thành một chương riêng (Chương V mới).

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý để làm rõ hơn nguyên tắc áp dụng các luật có liên quan theo hướng: Luật này chỉ quy định các nội dung đặc thù về cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu và các cơ quan khác của Nhà nước; những nội dung không được quy định tại Luật này thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành có liên quan; đối với chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư không được quy định tại Luật này thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đối với khu kinh tế (Điều 5).

Về quy hoạch đặc khu

UBTVQH nhận thấy, theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/ QH14, quy hoạch đặc khu do Quốc hội quy định. Do đó, việc quy định trong dự thảo Luật về quy hoạch đặc khu, trong đó có các nội dung về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý tại đặc khu, đồng thời cũng phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, nội dung về quy hoạch đặc khu trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ vị trí, tính chất của quy hoạch đặc khu là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, mỗi đặc khu chỉ có một quy hoạch tổng thể, được xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, có tính kết nối với các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bổ sung các yêu cầu mang tính đặc thù đối với nội dung của quy hoạch đặc khu, trong đó bao gồm phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, các khu chức năng; đồng thời, quy định rõ thẩm quyền, trình tự lập (bao gồm việc lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch), lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đặc khu (Chương II).

Về cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh

Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể các ngành, nghề ưu tiên phát triển mà chỉ quy định định hướng, thế mạnh của từng đặc khu; một số ý kiến đề nghị cần tránh sự dàn trải, trùng lặp về ngành, nghề ưu tiên phát triển giữa các đặc khu. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu.

UBTVQH nhận thấy, các ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu đã được Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc thận trọng trên cơ sở đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của từng đặc khu. Đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt, thể hiện mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển của từng đặc khu, là căn cứ để xác định và thực hiện các chính sách ưu đãi và chính sách khác, do đó, cần được quy định rõ trong dự thảo Luật thể hiện sự minh bạch, ổn định và nhất quán về cơ chế, chính sách phát triển đặc khu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư. Một số ngành, nghề được định hướng ưu tiên phát triển ở cả 03 đặc khu là cần thiết nhưng cũng cần bảo đảm nguyên tắc tránh dàn trải, ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm để phát huy lợi thế của từng đặc khu.

Trên cơ sở ý kiến các vị ĐBQH, đề xuất của Cơ quan soạn thảo và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung ngành, nghề: dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn; sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong, đồng thời chỉnh lý về kỹ thuật và thể hiện tại Điều 16 và các phụ lục I, II và III của dự thảo Luật.

Về quy định về quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án khu phức hợp có casino, dự thảo Luật đã điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino lên 45.000 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng hàng không quốc tế lên 6.000 tỷ đồng cho phù hợp với thực tiễn.

Đối với quy mô vốn đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế, sau khi cân nhắc, tham khảo số liệu về suất đầu tư và quy mô vốn thực tế của các dự án cùng loại, đồng thời, xem xét điều kiện cụ thể của các đặc khu, UBTVQH đề nghị quy định như trong dự thảo Luật.

Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Báo cáo về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH nhận thấy, việc quy định Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu trong dự thảo Luật là nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình Quốc hội Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu gồm 108 ngành, nghề (cắt giảm 135 trên tổng số 243 ngành, nghề theo Luật Đầu tư).

Trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, để có căn cứ tiếp thu, giải trình ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan xây dựng tiêu chí để rà soát Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trên cơ sở đó, phối hợp rà soát tổng thể để chỉnh lý Danh mục này. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau khi được rà soát, chỉnh lý (Phụ lục IV) bao gồm 131 ngành, nghề, tăng 23 ngành, nghề so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp 4.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH về việc cần có quy định “mở” nhằm tạo điều kiện cho việc thử nghiệm chính sách, từng bước hình thành môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi tại các đặc khu, dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước tại từng đặc khu quyết định không áp dụng một hoặc một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại khu chức năng thuộc đặc khu (khoản 4 Điều 17). Quy định như vậy là cần thiết, tạo cơ chế linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội tại từng đặc khu.

Về thủ tục đầu tư kinh doanh

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, ông Nguyễn Khắc ĐỊnh cho biết, quy định về thủ tục đầu tư kinh doanh trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý một cách cơ bản với 11 điều (từ Điều 18 đến Điều 28) nhằm bảo đảm thu hút đầu tư bằng “cơ chế” trên cơ sở phân quyền việc xem xét chấp thuận dự án đầu tư cho chính quyền đặc khu; cải cách tối đa thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh theo hướng đơn giản, thuận tiện; tăng tính công khai, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong tiếp cận và thực hiện các thủ tục đầu tư, cụ thể là:

“Về quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: thu hẹp tối đa các dự án phải quyết định chủ trương đầu tư và rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn 15 ngày, đối với các dự án đáp ứng điều kiện theo quy định thì rút ngắn thời gian cấp còn 05 - 12 ngày (các điều 20, 21 và 22)”, ông Định cho biết.

Dự thảo Luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng không quy định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, mà áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư.

Về nhà đầu tư chiến lược

Một số ý kiến đề nghị chỉnh lý tiêu chí đối với nhà đầu tư chiến lược cho chặt chẽ hơn; đề nghị cân nhắc về một số quyền, nghĩa vụ cụ thể của nhà đầu tư chiến lược để bảo đảm đầy đủ.

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, ông Định cho biết, quy định về nhà đầu tư chiến lược đã được chỉnh lý chặt chẽ hơn nhằm tạo cơ sở lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu phát triển của đặc khu và nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược, cụ thể là:

- Bổ sung các tiêu chí về năng lực tài chính, quản trị, có cam kết ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch hoặc công nghệ cao; cam kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, gắn bó lợi ích lâu dài với đặc khu (khoản 5 Điều 3);

- Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược; đồng thời, bổ sung quy định về nghĩa vụ, điều kiện được hưởng ưu đãi của nhà đầu tư chiến lược và việc điều chỉnh ưu đãi đầu tư, các chính sách đặc thù trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng đủ điều kiện (Điều 30).

Về một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai

Trước những băn khoăn về các loại dự án được áp dụng thời hạn sử dụng đất đến 99 năm, UBTVQH cho rằng, quy định về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu cần thể hiện tính vượt trội so với quy định đang áp dụng đối với các khu kinh tế trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến các vị ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, đánh giá, phân tích nhiều khía cạnh của chính sách và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng:

(1) Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư;

(2) Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 1, Điều 32), theo đó, đối với từng trường hợp cụ thể (nếu có), Thủ tướng Chính phủ sẽ cân nhắc thận trọng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định.

Về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, UBTVQH nhận thấy, đây là một trong những chính sách thu hút đầu tư đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, do vậy, để tạo ưu thế cạnh tranh cho các đặc khu trong thu hút đầu tư, việc quy định chính sách này trong dự thảo Luật là cần thiết.

Tuy nhiên, các đặc khu hiện được dự kiến thành lập đều ở những vị trí có điều kiện thuận lợi, hấp dẫn đầu tư và có giá trị cao về quyền sử dụng đất. Do đó, để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, tạo động lực cho nhà đầu tư trong việc khai thác, sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả cũng như bảo đảm nguồn thu ngân sách của các đặc khu, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Điều 45 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý chặt chẽ hơn theo hướng giảm mức ưu đãi hoặc không ưu đãi đối với một số ngành, nghề, dự án đầu tư, có tính đến điều kiện của từng đặc khu nhưng về tổng thể vẫn bảo đảm vượt trội so với ưu đãi hiện hành về đất đai ở các khu kinh tế.

Về thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam

UBTVQH nhận thấy, việc cho phép thế chấp tài sản gắn liền với đất (nhưng không bao gồm quyền sử dụng đất) tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam không làm ảnh hưởng tới quyền tài phán của Việt Nam đối với các tài sản này.

Quy định của dự thảo Luật cũng là một bước thử nghiệm nhằm hoàn thiện chính sách đất đai theo chủ trương của Đảng. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về điều kiện đối với người nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất khi xử lý tài sản thế chấp, cụ thể là: “Trường hợp xử lý tài sản thế chấp, bên nhận thế chấp chỉ được chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê tại đặc khu cho đối tượng đủ điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai” (khoản 2 Điều 32).

Về việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, trên cơ sở quy định của Hiến pháp và Luật Đất đai, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thu hồi đất tại đặc khu để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện nghiêm quy hoạch đặc khu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khoản 5 Điều 32); bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐND đặc khu trong việc xem xét, chấp thuận việc thu hồi đất tại đặc khu trước khi Chủ tịch UBND đặc khu ra quyết định thu hồi đất (khoản 6 Điều 32); quy định rõ đối với dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino của nhà đầu tư chiến lược thì Nhà nước chỉ hỗ trợ về thủ tục thực hiện thu hồi đất để bảo đảm tiến độ dự án, còn tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do nhà đầu tư chi trả và được tính vào tổng mức đầu tư của dự án (khoản 7 Điều 32).

Về ngân sách và ưu đãi đầu tư

UBTVQH nhận thấy, đặc điểm của ngân sách nhà nước ở nước ta là ngân sách lồng ghép, do đó, các nội dung liên quan đến ngân sách đặc khu có đặc thù nhưng cần bảo đảm thống nhất với quy định về các cấp ngân sách khác trong hệ thống ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về ngân sách quy định trong Luật cũng cần hướng tới việc bảo đảm để đặc khu có nguồn thu thực hiện các chính sách đặc thù quy định tại Luật này, bảo đảm tính chủ động của ngân sách đặc khu, làm rõ những điểm đặc thù so với quy định hiện hành về nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách của ngân sách đặc khu.

Trên cơ sở ý kiến các vị ĐBQH, dự thảo Luật được bổ sung, chỉnh lý như sau:

- Quy định rõ ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật này, đồng thời tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đối với ngân sách đặc khu (khoản 1 Điều 39).

- Bổ sung quy định về kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách đặc khu hằng năm trước khi HĐND phê chuẩn (khoản 2 Điều 39).

- Bổ sung quy định về phương thức xác định số tăng thu nội địa được để lại cho đặc khu trong thời gian không quá 10 năm kể từ năm đặc khu được thành lập, theo đó số tăng thu nội địa được xác định trên cơ sở số thu nội địa hằng năm so với số thu nội địa của năm liền kề trước năm đặc khu được thành lập và không bao gồm số thu từ tiền sử dụng đất (khoản 3 Điều 39).

- Bổ sung quy định số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách đặc khu được giữ ổn định trong thời gian 10 năm kể từ năm đặc khu được thành lập (khoản 4 Điều 39).

- Bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng Danh mục dự án đầu tư công xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường quan trọng của từng đặc khu làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định mức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách đặc khu (khoản 5 Điều 39).

- Có ý kiến đề nghị xác định cụ thể trong Luật mức hỗ trợ hằng năm từ ngân sách trung ương cho từng đặc khu; quy định ngân sách nhà nước để lại toàn bộ các khoản thu trên địa bàn cho ngân sách đặc khu (trừ các khoản thu cho ngân sách trung ương) trong thời gian 10 năm và đặc khu có trách nhiệm tự cân đối để bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Về ưu đãi thuế

UBTVQH thấy rằng, để thu hút đầu tư thì các chính sách ưu đãi về thuế tại đặc khu cần bảo đảm tính vượt trội so với trong nước và cạnh tranh quốc tế. Phần lớn các ưu đãi thuế trong dự thảo Luật đều có thời hạn, áp dụng cho các dự án đầu tư thuộc các ngành, nghề ưu tiên phát triển hoặc để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khách du lịch... và cần thiết để thu hút đầu tư trong giai đoạn đầu xây dựng các đặc khu.

Tuy nhiên, để chính sách ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng phát triển của các đặc khu, bảo đảm vượt trội nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của ngân sách đặc khu trong dài hạn nhằm phát huy nội lực, trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, đề nghị của các cơ quan có liên quan và so sánh, đối chiếu với quy định hiện hành về ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế, tham khảo kinh nghiệm các nước, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giảm bớt mức ưu đãi, thời hạn ưu đãi thuế đối với một số đối tượng, dự án đầu tư tại đặc khu so với dự thảo Luật Chính phủ trình, nhưng vẫn bảo đảm sự ưu đãi vượt trội về tổng thể; đồng thời, chỉnh sửa về kỹ thuật để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, tạo thuận lợi cho công tác thi hành Luật.

UBTVQH cũng bỏ quy định miễn thuế thu nhập cá nhân, nhưng giữ ưu đãi về giảm 50% thuế đối với cá nhân làm việc tại đặc khu.

Bên cạnh đó, tham khảo kinh nghiệm một số nước (như Thái Lan, Indonesia, Malaysia), để bảo đảm cạnh tranh và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại đặc khu, đặc biệt là trong thời gian đầu khi đặc khu mới được thành lập, dự thảo Luật quy định một số đối tượng là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 05 năm, kể từ khi bắt đầu làm việc tại đặc khu nhưng không quá năm 2030 và giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong các năm tiếp theo (Điều 40).

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng duy trì một số ưu đãi như đã được quy định trong pháp luật hiện hành về khu kinh tế (khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều 43); đồng thời, đối với một số chính sách ưu đãi cao hơn, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: chỉ tập trung ưu đãi đối với các dự án đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chiến lược và dự án thuộc một số ngành, nghề ưu tiên phát triển mang tính mũi nhọn ở từng đặc khu (điểm c khoản 2 Điều 43); giảm thời hạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với: (1) thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư khác thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu; (2) thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; (3) thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản (các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 43).

Về quy định ưu đãi đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược, UBTVQH nhận thấy, việc quy định ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là ngành, nghề kinh doanh có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, do đó, chính sách ưu đãi cũng cần được tính toán hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, dịch vụ kinh doanh đặt cược được áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ; đồng thời, quy định rõ chỉ áp dụng ưu đãi này đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ nêu trên trong dự án khu phức hợp dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chiến lược.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đề xuất 02 phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB. Qua thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu tán thành với Phương án 1; một số ý kiến tán thành với Phương án 2; một số ý kiến khác đề nghị xây dựng phương án mới theo hướng kết hợp các ưu điểm của 02 phương án; đồng thời, các ý kiến cũng nêu nhiều kiến nghị cụ thể nhằm khắc phục các hạn chế và hoàn thiện từng phương án.

Trên cơ sở ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã thảo luận, phân tích kỹ các ưu điểm và hạn chế của từng phương án do Chính phủ trình, báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này. UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu chỉnh lý quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu theo hướng kết hợp ưu điểm của cả phương án 1 và phương án 2 do Chính phủ trình và hoàn thiện để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả 02 phương án. Theo đó, chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có: Hội đồng nhân dân (HĐND) đặc khu và Ủy ban nhân dân (UBND) đặc khu với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

Về cơ chế giám sát, dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu phải công khai hoạt động của mình, nội dung công khai, hình thức công khai, trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin (Điều 66); đồng thời, quy định rõ trước khi quyết định một số nhiệm vụ quan trọng được phân quyền, UBND, Chủ tịch UBND đặc khu phải lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư chiến lược (khoản 13 Điều 68, khoản 13 Điều 69).

Về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác

UBTVQH nhận thấy, mô hình tổ chức TAND đặc khu theo quy định của dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 là hợp lý. Vì vậy, UBTVQH đề nghị, quy định mô hình tổ chức, thẩm quyền của TAND đặc khu như Chính phủ đã trình, đồng thời, chỉnh lý một số điểm liên quan tới nội dung, kỹ thuật văn bản, bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi trong quá trình thực hiện (các điều 70, 71, 72, 73 và 74).

Trên cơ sở các quy định về TAND tại đặc khu, quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp khác tại đặc khu được chỉnh lý bảo đảm thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan tư pháp.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Khắc Định, UBTVQH nhận thấy, Luật Đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là một luật mới với nhiều nội dung đặc thù, đột phá, thử nghiệm chính sách. Một số nội dung chính sách chỉ quy định có tính nguyên tắc mà chưa thể cụ thể ngay trong Luật vì chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Do đó, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số chính sách mới để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động cho Chính phủ và các cơ quan, địa phương hữu quan trong quá trình triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính khả thi và sự kết nối giữa dự thảo Luật với các quy định khác của pháp luật hiện hành.

“Đồng thời, giao Chính phủ “quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước cấp trên được Luật này phân quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu và các nội dung khác để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Luật này theo nguyên tắc đơn giản, thuận tiện, bảo đảm cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu quản lý, có thể khác với quy định có liên quan của luật khác, nhưng phải phù hợp với quy định tại Luật này và không trái Hiến pháp” (điểm b khoản 1 Điều 80)”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội báo cáo./.