Vì sao phải sửa đổi Luật Giáo dục?

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể: Công tác quản lý giáo dục có bước chuyển biến nhất định. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo.

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi vào năm 2017; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học giữ vững và nâng cao; giáo dục đại học được mở rộng về quy mô, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng dần các điều kiện đảm bảo chất lượng và từng bước thúc đẩy tự chủ đại học; kết quả xóa mù chữ cho người lớn được củng cố và tăng cường.

Tờ trình Dự án Luật Giáo dục sửa đổi được trình bày tại phiên họp sáng 29/05, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV có nhiều điểm sửa đổi

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được cải thiện và từng bước hiện đại. Các kết quả này đã góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; nâng cao Chỉ số phát triển con người của Việt Nam; được nhiều nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, qua 12 năm thực thi, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cụ thể, như:

Quy định về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; Quy định về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học; Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo chưa đảm bảo yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một số quy định về chính sách đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên sư phạm chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Chưa phân định quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục giữa trung ương và địa phương chưa rõ; quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và gia đình trong việc giáo dục học sinh chưa chặt chẽ.

Quy định về chính sách đầu tư cho giáo dục, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra….

Vì vậy, Luật Giáo dục cần được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý trong giáo dục đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Cũng theo tờ trình, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 03 điều mới; bãi bỏ 10 điều, phù hợp với Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Dự thảo Luật sửa đổi bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Giáo dục. Trong đó, tập trung vào một số nội dung hướng vào các chính sách, như: chính sách học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội…

Ưu đãi tương xứng với vị thế nhà giáo

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cũng như mục tiêu xây dựng dự án luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, Ủy ban nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục , cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục.

Sẽ thay miễn học phí cho sinh viên sư phạm bằng hình thức vay tín dụng

Về hệ thống cơ sở giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, việc xác định rõ các loại hình cơ sở giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch, phân loại và áp dụng pháp luật.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu về các loại hình cơ sở giáo dục; xác định những hạn chế, vướng mắc trong pháp luật và khung chính sách; kết hợp với tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các quy định về hệ thống cơ sở giáo dục phù hợp, bao gồm các quy định về khái niệm, mô hình tổ chức, hoạt động, khung pháp lý áp dụng…

Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Báo cáo thẩm tra nêu rõ, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo trong dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu và chính sách. Các quy định về vị thế, vai trò; điều kiện, tiêu chuẩn; nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn; sự đãi ngộ, tôn vinh còn chồng chéo.

Vì vậy, Ban soạn thảo cần rà soát, sửa đổi Chương Nhà giáo một cách căn cơ, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo trong luật; quy định đầy đủ, cụ thể hơn hệ thống chính sách tương xứng với vị thế đã được xác định...

Đối với chính sách lương của nhà giáo, Báo cáo thẩm tra đề nghị bám sát nghị quyết của Đảng để thể chế hóa trong luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án về cải cách tiền lương. Đồng thời, nghiên cứu để bổ sung và làm rõ hơn trong dự thảo luật các quy định liên quan đến cán bộ quản lý giáo dục, bao gồm các quy định về về khái niệm, tiêu chuẩn, chế độ đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng...

Về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm (Điều 89) Dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Đa số thành viên Ủy ban tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục; tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học trong tiếp cận chính sách; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí./.