Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên chất vấn

Hiện còn 116 chính sách đang còn hiệu lực

Tại phiên chất vấn đầu tuần, ngày 13/8/2018, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho biết, nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 458 huyện, 5.266 xã, trong đó có 1.928 xã, 3.975 thôn bản đặc biệt khó khăn.

Với trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các ban, bộ ngành và địa phương tham mưu ban hành nhiều chính sách quan trọng. Đã ban hành 39 chương trình chính sách thể hiện ở 55 văn bản, gồm 10 nghị định, 3 nghị quyết của Chính phủ, 42 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay còn 116 chính sách cho vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng dân tộc thiểu số đang còn hiệu lực, được tổ chức thực hiện khá quyết liệt và đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, các bộ ngành đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 39 chương trình, chính sách, được thể chế qua 55 văn bản : Gồm 10 nghị định và 03 nghị quyết của Chính phủ và 42 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách dân tộc tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020… Các chính sách giai đoạn 2016-2018 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông lâm nghiệp, thủy sản; giáo dục đào tạo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết thêm, các tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương. Một số tỉnh ban hành đề án, kế hoạch, chương trình hành động chuyên đề thực hiện các chính sách dân tộc về giảm nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển làng nghề và du lịch, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội chung của vùng…

Phần lớn các địa phương đã đưa chỉ tiêu về giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, xây dựng giải pháp cụ thể và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện chính sách.

Hệ thống chính sách vẫn mang tính nhiệm kỳ

Tuy nhiên, bên cạnh mặt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng nhận định, hệ thống chính sách dân tộc hiện nay cũng bộc lộ các hạn chế, như: hệ thống chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, vẫn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, nội dung còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao.

Việc xử lý chuyển tiếp chậm, lúng túng dẫn đến gián đoạn trong thực hiện chính sách. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách chưa chặt chẽ. Một số chính sách được xây dựng còn mang tính chủ quan, chưa sát với đặc điểm vùng miền, văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển thiếu bền vững.

Cơ chế phân bổ vốn, quản lý, thanh quyết toán các chương trình, chính sách còn nhiều bất cập, khó lồng ghép các nguồn vốn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu sô và miền núi. Chưa có cơ chế đặc thù để phát huy được nội lực người dân, người nghèo trong quá trình hội nhập.

Nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên theo đúng mục tiêu đề ra, phải kéo dài thời gian thực hiện. Việc phân công, phân cấp thẩm quyền về quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực phụ trách và địa bàn để thực hiện các chương trình, dự án khác nhau có mục tiêu, tiêu chí riêng, nên rất khó khăn trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành đã dẫn đến sự phân tán, thiếu thống nhất trong quản lý, điều phối, giám sát, đánh giá, xây dựng định mức, phân bổ, lồng ghép chính sách và nguồn lực.

Qua trả lời của Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ, các đại biểu quốc hội, kết luận phiên họp Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đã chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại trong chính sách dân tộc thời gian qua, như sau:

Thứ nhất là một số chính sách chưa có tầm nhìn dài hạn, thường là 5 năm, còn khoảng trống nhất là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai kỳ kế hoạch, chưa liên thông, liền mạch.

Thứ hai, còn sự chồng chéo ở cơ quan quản lý, đặc biệt cơ quan tham mưu về chính sách dân tộc là Ủy ban Dân tộc chưa được tập trung cao độ trong thẩm định xây dựng chính sách nhất là việc thực hiện đầu mối phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ trong tổ chức xây dựng chính sách người dân tộc.

Thứ ba, nguồn lực bố trí chưa kịp thời, còn thiếu so với yêu cầu.

Thứ tư là hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách ở một số bộ, ngành, địa phương đạt kết quả tích cực như bảo hiểm y tế, an sinh xã hội, đời sống học sinh, công tác cứu trợ khi xảy ra thiên tai lũ lụt, các chương trình 135, 30a, nhưng còn một số lĩnh vực thực hiện chưa tốt, bố trí nguồn lực chưa đủ, như các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sạch, dậy nghề, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do đang là thách thức lớn cần giải quyết.

Cần tích hợp các chính sách lại

Cho biết đã tham vấn một số nhà khoa học, một số nhà dân tộc học, một số nhà quản lý và các đồng chí lãnh đạo các cấp, người đứng đầu Ủy ban Dân tộc cho rằng, phải tích hợp tất cả các chính sách lại để thành một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

“Tôi ví như một người đang uống thuốc chữa bệnh, mình uống kháng sinh 2, 3 viên nhưng chưa đủ liều nên có thể bệnh kéo dài và dẫn đến bệnh mãn tính. Tôi nghĩ rằng lúc này cần nhất là phải có một chương trình đó, có sự tập trung đầu tư nguồn lực, tập trung chỉ đạo và có mục tiêu cụ thể, hệ thống tiêu chí đánh giá, sau 5 năm, 10 năm chúng ta đánh giá lại thì sẽ thấy kết quả rõ hơn”, Bộ trưởng Chiến cho biết.

Bên cạnh đó, ông chiến cho rằng, việc đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng là một giải pháp rất căn cơ để chúng ta có thể khắc phục được khó khăn hiện nay để có việc làm, tăng thu nhập.

Cho biết đã ghi nhận ý kiến của Bộ nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: “Chúng ta có thể nghiên cứu để tích hợp lại thành một chương trình mục tiêu quốc gia. Việc này đòi hỏi phải có sơ kết, tổng kết, đánh giá thật kỹ để có đề xuất thật khoa học, thực tiễn để có thể triển khai thực hiện được. Việc này giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc miền núi và các bộ, ngành có trách nhiệm đề ra đề cương, sơ, tổng kết và đề xuất đảm bảo tính khoa học và thực tiễn để thực thi”.

Qua phiên chất vấn, ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tiếp tục thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới cụ thể là:

Một là, đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối, bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đang có hiệu lực. Trước mắt, thực hiện tốt nội dung Nghị quyết 90 đã ban hành, sớm trình Quốc hội tại kỳ họp 6 đảm bảo vốn thực hiện các chương trình từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, từ nguồn tăng thu, nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn của ngân sách để đảm bảo kinh phí cho các chính sách đã ban hành từ nay đến năm 2020 không để nợ kinh phí để thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc.

Hai là, đề nghị Chính phủ phân công rõ đầu mối chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ đảm bảo quản lý tập trung theo nguyên tắc một cơ quan chịu trách nhiệm chính, thống nhất nguồn lực đầu tư thực hiện chính sách đồng bào dân tộc thiểu số, tránh chồng chéo, đảm bảo phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện chính sách Chính phủ.

Ba là, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tích hợp thu gọn đầu mối quản lý thực hiện chính sách dân tộc hướng tới đề xuất một chương trình chung có thời hạn 10 năm cho giai đoạn tới trên cơ sở đánh giá, sơ kết thực hiện chính sách dân tộc 3 năm qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới. Đồng thời, tổng kết đánh giá thực hiện chính sách dân tộc báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Đề xuất giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp.

Bốn là, Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để đảm bảo cơ sở cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, bảo đảm sự công bằng, chính xác và phát huy hiệu quả.

Năm là, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng Tây và duyên hải miền Trung. Đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, kể cả từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân./.