Bộ Tư pháp đã có báo cáo số 169/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá hậu quá, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật.

Báo cáo cho biết, qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật, gồm: -

- 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung;

- 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản;

- 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp cho rằng, mặc dù các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương chưa thực hiện việc phân loại nội dung trái pháp luật của các văn bản trong từng lĩnh vực cụ thể, nhưng qua báo cáo từ các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương có thế nhận thấy, số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội.

Trong năm 2017, riêng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, gồm: 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Qua phân loại cho thấy, văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nội dung trái pháp luật đa dạng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích họp pháp cơ quan, tổ chức, cá nhân với các mức độ khác nhau. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số văn bản trái pháp luật là lĩnh vực kinh tế. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.

Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, so với năm 2016, tổng số văn bản được kiểm tra theo thẩm quyền năm 2017 tăng 45% và số văn bản phát hiện trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền tăng 20,5%.

Xét báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương xử lý các văn bản trái pháp luật, đánh giá hậu quả, tác hại và đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra; kiểm điểm, xử lý, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30-11-2018 để tổng hợp.

Bộ Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản trái pháp luật, văn bản có sai sót trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2018./.