Năm 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm Chính phủ không còn nợ đọng văn bản chi tiết xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời Quốc hội cũng ghi nhận, đánh giá cao việc trước khi khai mạc Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thành và trình Quốc hội toàn bộ các văn kiện, báo cáo. Tuy nhiên, gần đây tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết việc thi hành luật, pháp lệnh tiếp tục diễn ra.

Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đến tháng 07/2018, còn 7 nghị định và 1 quyết định cần ban hành thuộc trách nhiệm soạn thảo của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.Ngoài ra, các bộ cũng còn nợ 9 thông tư.

Về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, báo cáo cho biết, đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 616/9339 (mới đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Có 1.249 danh mục, tương đương 13,3% dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể.

Theo Vụ Pháp luật (VPCP), Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018 có 11 dự án luật phải trình Chính phủ xem xét, thông qua. Đến nay, Chính phủ đã thông qua được 7 dự án theo đúng chương trình; 2 dự án sẽ trình Chính phủ xem xét trong tháng 6 và 7/2018; 1 dự án Chính phủ xin điều chỉnh lùi tiến độ.

Về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật năm 2018, đến nay còn 8 văn bản thuộc trách nhiệm của các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Tài chính; Công an; Nội vụ; Lao động, Thương binh và Xã hội.

Nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, kể các số đã cắt giảm và số lên phương án đạt thấp so với yêu cầu đặt ra (19,9%).

Về đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đến nay đã chính thức cắt giảm được 900/5.905 điều kiện kinh doanh, tương ứng 15,2%. Còn 2.363 điều kiện kinh doanh (40%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể…

Việc nợ đọng văn bản gây khó khăn trong quá trình quản lý và gây lãng phí lớn. Thực tế đã có những nội dung quy định bỏ trống kéo dài.

Thứ nữa, văn bản nợ nếu không được kiểm tra, xử lý kịp thời, có thể làm suy giảm hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội, tạo kẽ hở và cơ hội cho vi phạm khác phát sinh.

Điều đáng lưu ý là có những văn bản đã ra đời nhưng hàng năm sau không có văn bản hướng dẫn thi hành gây ra những ắch tắc, vướng mắc, xung đột về quy định; đặc biệt là không tạo ra sự thống nhất thực hiện của các địa phương, bộ ngành.

Điều này dẫn đến một hệ lụy, cùng một văn bản luật nhưng nơi thực hiện như thế này nơi lại thực hiện theo cách khác bởi vì cách hiểu không thống nhất. Ở địa phương này nghĩ rằng làm như thế này mới đúng còn ở địa phương khác lại cho rằng với địa điểm, hoàn cảnh, đặc điểm của địa phương mình thì làm thế khác mới đúng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc ban hành văn bản có thể xuất phát từ người đứng đầu, cơ quan được giao soạn thảo văn bản, nhưng cũng có những nguyên nhân là do các cơ quan, tổ chức khác không quan tâm hoặc trì hoãn vì một lý do liên quan đến lợi ích của ngành, bộ. Chính vì thế, có những văn bản đã ra đời nhưng hàng năm sau không có văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản trái pháp luật cũng đang có diễn biến phức tạp. Mới đây, Bộ Tư pháp đã có báo cáo số 169/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Trong đó, có 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Qua phân loại cho thấy, văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nội dung trái pháp luật đa dạng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích họp pháp cơ quan, tổ chức, cá nhân với các mức độ khác nhau. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số văn bản trái pháp luật là lĩnh vực kinh tế. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, để khắc phục triệt để tình trạng này, phải xây dựng luật đầy đủ hơn, kịp thời hơn, tránh tình trạng phải đợi ban hành các văn bản hướng dẫn. Khi luật có hiệu lực có thể áp dụng được, thực hiện được ngay và luật phải đi vào đời sống ngay chứ bây giờ luật lại còn phải đợi văn bản cõng đạo luật đó là không được.

“Chúng ta chỉ hướng dẫn, giải thích một số ít điều cần cụ thể, chi tiết để cho người dân hiểu sâu thêm thôi chứ không phải là vì câu chuyện không có văn bản hướng dẫn mà không thể thực hiện được luật. Bên cạnh đó, các Bộ, ban ngành trong nhiệm vụ được giao cần nghiêm túc thực hiện đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh./.