Chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đọc tờ trình về dự luật

Sửa đổi, bổ sung 37 luật là khó khăn, thách thức rất lớn

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch bao gồm 32 điều, trong đó có 31 điều quy định việc sửa đổi các luật và 01 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cấp, loại quy hoạch, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch, nội dung quy hoạch và các nội dung kỹ thuật đơn giản khác.

Đánh giá tác động của việc ban hành luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, Bộ trưởng cho biết Dự án Luật đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành có nội dung quy định về quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ, đồng thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung để loại bỏ các quy hoạch sản phẩm này nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch (ví dụ quy hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển, quy hoạch về an toàn thông tin mạng....).

Việc quản lý nhà nước về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể sẽ được thực hiện thông qua việc ban hành và áp dụng các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, phù hợp với cơ chế kinh tế thì trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

“Việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm này sẽ góp phần xóa bỏ cơ chế xin-cho, loại bỏ những giấy phép không phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, qua đó tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thẩm tra dự luật, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến quy hoạch.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cơ quan này bày tỏ lo ngại việc dùng một luật sửa đổi, bổ sung 37 luật hiện hành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt trong việc rà soát, đối chiếu để vừa phải bảo đảm tính thống nhất trong mỗi đạo luật, tính thống nhất giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, về nguyên tắc, sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch không được trái đối với Luật quy hoạch, đề nghị rà soát lại tất các các Luật để không bỏ sót Luật nào có liên quan đến quy hoạch; không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Không loại bỏ Quy hoạch xây dựng tỉnh

Dự thảo Luật trình lần này đã được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhưng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và quy hoạch xây dựng vùng huyện để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch này sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, nội dung này có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: Thống nhất như Tờ trình của Chính phủ và Dự thảo Luật về Quy hoạch xây dựng bao gồm Quy hoạch xây dựng tỉnh. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần bãi bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh và phương án chỉnh lý lần này vẫn không thuyết phục.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với loại ý kiến thứ hai. Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng việc Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh là không hợp lý, không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch, không đáp ứng yêu cầu thu gọn hệ thống quy hoạch, tránh chồng chéo, trùng lặp đã được đặt ra khi ban hành Luật Quy hoạch .

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đều bày tỏ không đồng ý bãi bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh vì cho rằng, quy hoạch tỉnh mang tính chất định hướng, còn quy hoạch xây dựng mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa những phương hướng, định hướng lớn của Quy hoạch tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thống nhất vẫn giữ Quy hoạch xây dựng tỉnh như dự thảo Luật trình tại phiên họp.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, ban đầu cũng thấy rằng hai quy hoạch trên cùng cấp mà có nội hàm nội dung giống nhau như ý kiến thẩm định của Ủy ban Kinh tế.

Tuy nhiên khi làm việc cụ thể với Bộ Xây dựng thì thấy rằng Quy hoạch tỉnh mang tính chung, còn Quy hoạch xây dựng tỉnh thì rất chi tiết.

“Nếu chỉ dừng lại ở quy hoạch chung mà không có quy hoạch chi tiết thì không làm được chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, không có công cụ quản lý. Vì vậy chúng tôi thấy phải để tồn tại song song hai quy hoạch này nhưng khác nhau ở cấp độ, một là chung chung, một là chi tiết” – Bộ trưởng Dũng lý giải thêm./.