Trước đó, ngày 24/09/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định, đã tạo ra nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ phát triển rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.
Theo đó, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2009 - 2013 đạt gần 2.850 tỷ đồng. Nguồn thu này đã có tác động đến quản lý, bảo vệ 3,653 triệu ha rừng.
Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng và người nhận khoán bảo vệ rừng bình quân toàn quốc đạt trên 200.000 đồng/ha.
Có thể nói, chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Ðây chính là "lối thoát" trong việc huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cho các chủ rừng là tổ chức.
Còn đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, thì số tiền chi trả chính là động lực để họ cải thiện cuộc sống, từ đó nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc các quy định của Nghị định này, như: trì hoãn không ký kết hợp đồng; không kê khai, kê khai không đầy đủ; không nộp hoặc nộp không đầy đủ, đúng hạn (số tiền nợ đọng tính đến cuối năm 2013 là 296,6 tỷ đồng).
Một số chủ rừng khu rừng cung ứng dịch vụ chưa thực hiện tốt nghĩa vụ theo quy định, còn để rừng bị xâm canh, chặt phá trái phép, không chi trả đầy đủ, kịp thời tiền cho người nhận khoán bảo vệ rừng.
Để chấn chỉnh lại công tác quản lý bảo vệ rừng, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP đã được thay bằng Nghị định số 157/2013/NĐ-CP, ngày 11/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Mặc dù Nghị định số 157 đã quy định cơ bản đầy đủ các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhưng chưa có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo bổ sung Điều 9a quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Cụ thể: Người sử dụng dịch vụ môi trường rừng cố ý không kê khai tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong trường hợp chi trả gián tiếp, bị xử phạt như sau: a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu số tiền phải chi trả đến 50.000.000 đồng; b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả từ trên 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng; c) Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả từ trên 200 triệu đến 300 triệu đồng; d) Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả từ trên 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng; đ) Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả trên 500 triệu đồng.
Còn nếu người sử dụng dịch vụ môi trường rừng cố ý không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ, có thể bị xử phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ quá 03 tháng theo thời hạn ký kết trong hợp đồng với số tiền trên 500 triệu đồng.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ buộc chi trả tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng và tiền lãi tương ứng với thời gian chậm chi trả theo lãi suất tiết kiệm cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm bị lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt đối với người có hành vi vi phạm.
Chủ rừng cũng bị xử phạt khi đó là tổ chức cố ý không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ, đúng hạn tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng cho người nận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng hoặc cam kết ký kết giữa chủ rừng và người nhận khoán bảo vệ rừng, với mức phạt cao nhất lên đến 10 triệu đồng nếu số tiền phải chi trả trên 50 triệu đồng.
Ngoài ra, còn phải buộc chi trả đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng đã ký kết trong thời hạn 01 (một) tháng, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt đối với người có hành vi vi phạm.../.