Đó là một trong những chỉ đạo được nêu tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Tại văn bản này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và của Thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả 2 năm (2017 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó lưu ý việc giải trình, chứng minh một số nhận định bằng số liệu, bằng chứng cụ thể; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/10/2018.

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại nội dung về Báo cáo kết quả đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, nhất là về số liệu, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng, hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ và kết quả 3 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Chính phủ trước ngày 16/10/2018.

Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo, rà soát lại dự thảo Quyết định về hệ thống tiêu chí xác định xã, thôn hoàn thành mục tiêu Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 12/11/2015, từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2011-2015, Quốc hội đã biểu quyết đồng ý cắt giảm còn hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020.

Nghị quyết đặt mục tiêu, đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Tổng mức vốn tối thiểu 193.155,6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương: 63.155,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng.

Mục tiêu chương trình Giảm nghèo bền vững là góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Tổng mức vốn tối thiểu 46.161 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương: 41.449 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 4.712 tỷ đồng.

Năm 2017 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả toàn diện, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần quan trọng cho cả nước hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017, đón Tết Mậu Tuất vui tươi, tiết kiệm và an toàn.

Cụ thể, năm 2017 cả nước có 34,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong khi chỉ tiêu là 31%. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,51% trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2017 giảm từ 1,3-1,5%.

Cả nước cũng huy động được gần 400.000 tỷ đồng (vốn Nhà nước, đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân, vốn tín dụng ngân hàng) - con số rất cao so với nhiều năm trước cho 2 chương trình này trong năm 2017, tạo ra nguồn lực lớn để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, cả nước sẽ phấn đấu có ít nhất 39-40% số xã (khoảng 3.530 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5-6% so với năm 2017; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã.

Tiếp tục phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020./.