Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Trước đó, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này, Chính phủ đề xuất trình sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận về phạm vi sửa đổi, đề nghị thực hiện đúng Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự vướng mắc đã được đánh giá tác động, đảm bảo sự thống nhất của Luật này với hệ thống pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung đã mở rộng hơn, trong đó, đã tác động đến 69/108 điều, đề xuất bãi bỏ 06 điều, bổ sung 04 điều, chỉ còn giữ 106 điều và giữ nguyên kết cấu chương mục. Dự án Luật chủ yếu tập trung cải cách, khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế của Luật Đầu tư công hiện hành, không phát sinh thủ tục hành chính, không làm tăng quy mô vốn đầu tư công của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được Quốc hội, không phát sinh nhiều chi phí liên quan đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tên của dự án luật là Luật Đầu tư công (sửa đổi) thay thế cho tên cũ là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công như đã nêu tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội.

Như vậy, Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm đề xuất tên gọi của luật là Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo đó đã sửa đổi theo hướng toàn diện, một số nội dung đổi mới về chính sách.

Phát biểu tại phiên họp thẩm tra Luật này mới đây, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, thực tế có phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công song nguyên nhân chủ yếu của những vướng mắc, chậm trễ trong thực hiện kế hoạch đầu tư công là do việc tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm, còn lúng túng, một số văn bản hướng dẫn dưới luật chưa phù hợp với Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, Luật Đầu tư công hiện hành mới có hiệu lực được 3 năm và cho đến tháng 12/2016 mới hoàn thành việc ban hành các nghị định và đến tháng 12/2017 hoàn thành việc ban hành thông tư hướng dẫn.

Như vậy, thời gian áp dụng luật còn quá ngắn, chưa đủ điều kiện tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá chính xác tính hiệu quả của luật. Do đó, trước mắt cần rà soát thận trọng, chỉ sửa đổi những nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được đánh giá tác động, tránh gây xáo trộn./.