Tại Hội thảo Lấy ý kiến dự thảo của 3 Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về phân loại hàng hóa, danh mục hàng hóa và trị giá hải quan mới đây do Tổng cục Hải quan Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, nhiều doanh nghiệp e ngại rằng, nhiều quy định vẫn khó hiểu, khó áp dụng, tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp.

Mục tiêu là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Để quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về phân loại hàng hóa, danh mục hàng hóa và trị giá hải quan, Tổng cục Hải quan vừa lấy ý kiến 3 dự thảo thông tư. Giới thiệu nôi dung chính của 3 Thông tư này, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) nhấn mạnh, các Thông tư được xây dựng hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tại Thông tư hướng dẫn cách phân loại và áp dụng mức thuế (thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã kết hợp nhiều quy định trong phần chú giải và các ý kiến phân loại của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Mục đích của là tăng cường tính thống nhất trong việc phân loại hàng hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động mậu dịch và thông quan.

Dự thảo Thông tư thứ hai hướng dẫn việc kiểm tra, xác định giá trị hải quan nhằm mục đính tính thuế và thu thập số liệu thống kê đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tuân thủ các nguyên tắc định giá của Tổ chức Thương mại Thế giới là sử dụng giá trị giao dịch trong định giá hải quan để hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan hải quan, đồng thời giảm thiểu các khả năng tranh chấp.

Dự thảo Thông tư thứ ba ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam thay thế Thông tư 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011, trong đó danh mục biểu thuế của Việt Nam đã được cập nhật theo nội dung mới nhất của Hệ thống Hài hòa hóa (HS) sử dụng các tên gọi và mã số có tính chuẩn mực khi phân loại các sản phẩm giao dịch và nhằm tạo thuận lợi cho thương mại.

Thế nhưng, doanh nghiệp lại băn khoăn

Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực của ngành hải quan trong việc tạo thuận lợi cho thương mại, tuy nhiên, một số ý kiến doanh nghiệp lại cho rằng, nhiều quy định trong thông tư còn khó hiểu, không dễ áp dụng.

Đại diện Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long, ông Nguyễn Minh Chính đánh giá, quy định về phân loại máy móc thiết bị nguyên chiếc hiện còn nhiều vướng mắc. Nhất là ở những máy móc không thể đóng tất cả các một thiết bị trong 1 kiện, mà phải đóng ở các kiện khác nhau. Ông móng muốn Tổng cục Hải quan cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Bởi, thực tế, việc áp dụng tại các chi cục rất khác nhau. Nhiều chi cục lại dựa vào sự “cảm tính” của cán bộ và yêu cầu tách giá ra các chi tiết, nhiều khi chỉ là một vài bộ dây cáp nguồn… tính thuế theo kiểu “tận thu” gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Còn về chú giải Hệ thống Hài hòa hóa, ông Chính cho biết dù bản thân đã có kinh nghiệm làm thủ tục hải quan 20 năm, nhưng vẫn rất khó hiểu các nguyên tắc, do đó chắc chắn rất khó để doanh nghiệp hiểu và vận dụng.

Đại diện của Công ty Deloitte cho rằng, quy định tại Điều 10 của Thông tư Hướng dẫn việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu về phân loại máy móc, thiết bị nguyên chiếc ở dạng tháo rời lại tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp.

Bởi, nếu đã là vận hành theo quy tắc 2A (hàng nguyên chiếc), thì sao lại còn bắt doanh nghiệp theo dạng rời rạc như Điều 10 nữa. Nếu không đăng ký nguyên chiếc ?

Theo đại diện công ty này, đây là thủ tục mới, trước đây là không có. Vị đại diện này lo ngại, nếu thêm thủ tục này nữa là doanh nghiệp mất đến 1 tuần.

“Vì thế, cần phải tính kỹ vì nhiều dự án lớn, như: Samsung, LG…, họ tính toán thiết bị rất sát, nên nếu hàng tồn kho chậm một ngày là họ thiệt hại rất nhiều”, vị này cho lưu ý.

Nếu cần quản lý rời rạc này và máy nguyên chiếc nên phân loại ra đối tượng quản lý mục tiêu là giảm thời gian thông quan, ngoài ra nội dung liên quan về mã HS nhập khẩu

Cần sửa đổi theo hướng thuận lợi hóa cho doanh nghiệp

Đánh giá tổng thể về các dự thảo Thông tư, chuyên gia tư vấn Đặng Bình An - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cho rằng: Hiện nay, Tổng cục Hải quan dự thảo nhiều Thông tư hướng dẫn Luật Hải quan. Các Thông tư hướng dẫn về thủ tục hải quan và Thông tư phân loại, Thông tư hướng dẫn trị giá có nội dung trùng nhau như: Quyền và nghĩa vụ người khai hải quan; Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan hải quan; Phần kiểm tra phân loại và kiểm tra trị giá.

“Đề nghị cần xem xét lại theo một trong 2 phương án hợp lý hơn. Thứ nhất phương án xây dựng Thông tư về thủ tục, trong đó quy định những vấn đề chung và liên quan đến làm thủ tục hải quan, các Thông tư riêng chỉ hướng dẫn về phân loại và trị giá. Thứ hai là phương án làm Thông tư chung không hướng dẫn vấn đề phân loại và trị giá mà để ở thông tư riêng. Như vậy, kết cấu dự thảo Thông tư nên để đủ các phần để doanh nghiệp và công chức hải quan dễ theo dõi, tạo thuận lợi hơn cho các bên khi thực hiện”, ông An đề xuất.

Ở góc độ chuyên gia tư vấn, ông Đặng Thanh Bình cho rằng, những mặt hàng đã được phân tích, giám định, kết luận về mã số, thì Tổng cục Hải quan, cục hải quan tỉnh, thành phố, ban hành thành văn bản có giá trị pháp lý để áp dụng cho tất cả các lô hàng khác, của tất cả các doanh nghiệp khác, khắc phục tình trạng một mặt hàng phải phân tích, giám định nhiều lần và một mặt hàng được mỗi đơn vị hải quan xác định một mã số khác nhau.

Đồng thời cần bổ sung vấn đề doanh nghiệp hay cơ quan hải quan trả chi phí giám định cho từng trường hợp.

Ông Bình cũng đề xuất: Điều 9 và Điều 10 có phần lớn nội dung giống nhau, nên phối hợp nội dung 2 điều viết ngắn gọn thành 1 điều. Trên bình diện rộng hơn, toàn bộ Điều 9 và 10 được xây dựng theo cách quản lý hoàn toàn thủ công là không phù hợp tiến trình VNACCS./.