Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng điều chỉnh mức thuế đối với nhiều mặt hàng có ảnh hưởng xấu đến môi trường như than đá, túi ni lông thuộc diện chịu thuế, dung dịch HCFC...

Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với than antraxit tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn; với than nâu, than mỡ, than đá khác mức thuế tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn; đối với dung dịch HCFC tăng từ 4.000 đồng/kg lên mức 5.000 đồng/kg; đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế tăng từ 40.000 đồng/kg lên mức 50.000 đồng/kg.

Trong báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu không tác động tăng CPI năm 2018, đảm bảo dư địa điều chỉnh lạm phát năm 2019, từ đó hạn chế tối thiểu tác động tới đời sống người dân, hoạt động nền kinh tế. Dự kiến, giá xăng dầu chỉ tác động 0,07-0,09% CPI năm 2019.

Cơ quan soạn thảo cho biết xăng dầu chỉ là một trong số 11 nhóm mặt hàng (với khoảng 654 mặt hàng) được đưa vào rổ hàng hóa tính CPI và không có tác động quá lớn vì quyền số mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 4% đến mặt bằng giá so với các hàng hóa quan trọng, thiết yếu khác.

Đồng thời, xăng dầu cũng là mặt hàng có thể sử dụng biện pháp bình ổn (Quỹ Bình ổn giá BOG) để hạn chế tác động lên mặt bằng giá trong các thời điểm cần thiết./.