Chỉ thị nêu rõ, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý và thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức các đoàn đi công tác ở nước ngoài và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước, Kết luận số 940/KL-TTCP ngày 15/6/2018 của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu cấp uỷ đảng, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính nghiêm túc thực hiện các quy định sau đây:

- Hàng năm, Thủ trưởng các đơn vị phải xây dựng Kế hoạch hoạt động đối ngoại (đoàn ra, đoàn vào), kể cả các đoàn ra, đoàn vào của Dự án tài trợ, viện trợ không hoàn lại và trình cấp có thầm quyền phê duyệt theo đúng quy định.

- Khi xây dựng kế hoạch (đoàn ra, đoàn vào), phải báo cáo đánh giá kết quả, hiệu quả của đoàn ra của năm trước; xác định nhiệm vụ của năm sau phải cụ thể, đảm bảo sát đúng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đối ngoại và hội nhập quốc tế, phù hợp với khả năng tài chính của đơn vị; kế hoạch đối ngoại cần xác định rõ: nội dung từng đoàn công tác, đơn vị chủ trì và thành phần tham dự, dự kiến số ngày làm việc và thời gian làm việc tại nước ngoài, dự kiến kinh phí cho đoàn công tác theo chế độ quy định; việc xây dựng kế hoạch (đoàn ra, đoàn vào) cần tập trung vào các hoạt động thực sự cần thiết; phải ưu tiên bố trí kinh phí cho các đoàn tham dự hội nghị đa phương, đàm phán song phương, các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phục vụ cho nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính và của đơn vị. Không cử đoàn đi công tác nước ngoài không nằm trong kế hoạch, trừ các trường hợp đột xuất, cần thiết; không cử đoàn đi giao lưu, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài không thiết thực bằng nguồn ngân sách nhà nước.

- Việc cử đoàn đi công tác nước ngoài phải nằm trong Kế hoạch đã được cấp có thầm quyền phê duyệt. Thủ trưởng cử công chức đi công tác nước ngoài phải nêu rõ đoàn ra thuộc Kế hoạch đối ngoại của Bộ Tài chính.

Đặc biệt, không tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài từ nguồn kinh phí các dự án (trừ các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn kinh phí không hoàn lại), kinh phí từ các nguồn vốn vay ODA, vay nước ngoài và các nguồn tài trợ khác để đi công tác ở nước ngoài.

Đối với việc cử cán bộ tham gia đoàn công tác của các Bộ, ngành liên quan, đơn vị được mời phải báo cáo Bộ Tài chính chương trình, nội dung, mục đích cụ thể của chuyến công tác, thể hiện được vai trò và sự cần thiết của đại diện Bộ Tài chính khi tham gia đoàn.

Đối với thư mời đích danh hoặc thư mời chung từ phía nước ngoài, Thủ trưởng đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phân cấp quản lý cán bộ và nội dung chuyến công tác để xem xét, quyết định việc cử công chức tham gia hoặc từ chối không tham gia.

Thủ trưởng các đơn vị được phân cấp cử công chức, viên chức đi công tác nước ngoài tuyệt đối không cử quá 01 đoàn đi công tác cùng thời gian, địa điểm, nội dung trong cùng một nước đến trong thời gian 03 năm; không đi quá 03 nước trong cùng một chuyến công tác.

Lãnh đạo chủ chốt (bao gồm cả Lãnh đạo Bộ) và cán bộ của đơn vị, không đi công tác nước ngoài quá 02 lần một năm và không cử 02 lãnh đạo chủ chốt tham gia cùng một đoàn (trừ trường hợp tham gia các đoàn tháp tùng, tùy tùng theo yêu cầu của cấp trên, làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế hoặc đàm phán, Hội nghị thường niên do yêu cầu công tác).

Khi cử công chức, viên chức đi công tác nước ngoài, Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo cụ thể về nội dung công tác, kinh phí, số lần công chức, viên chức tham gia công tác ở nước ngoài.

Thủ trưởng đơn vị không cử đi công tác nước ngoài đối với các trường hợp tự ý liên hệ hoặc gợi ý để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý mời đi công tác hoặc du lịch.

Đặc biệt lưu ý việc thu hồi và nộp lại các hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao của các cán bộ, công chức, viên chức khi nghỉ hưu, thôi việc, ra khỏi biên chế và các trường hợp không thuộc diện được sử dụng hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao theo quy định./.