93,61% phiếu tán thành thông qua Luật Chăn nuôi

Trong đó, Luật Chăn nuôi đã được thông qua với 454/464 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 93,61%. Luật quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi với 8 chương, 83 điều.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Chăn nuôi chiều 19/11/2018

Trước khi biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Chăn nuôi. Báo cáo nêu rõ: Ngày 07/11/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Chăn nuôi. Ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về cơ bản đều tán thánh với Báo cáo số 342/UBTVQH14 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và Dự thảo Luật Chăn nuôi mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội và có thêm một số ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung thêm chính sách về quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi, về hỗ trợ việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở thí nghiệm, thực nghiệm giống vật nuôi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cần thiết phải có chính sách về quy hoạch phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, Dự thảo Luật đã có quy định về chiến lược phát triển chăn nuôi (Điều 5), về quy mô và mật độ chăn nuôi (Điều 52 và Điều 53), đồng thời nội dung về chiến lược chăn nuôi đã được tích hợp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội..

Đối với quy định về thức ăn chăn nuôi, có đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về quy hoạch các nhà máy thức ăn chăn nuôi để khắc phục tình trạng phân bố không đồng đều, thiếu tính định hướng. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tự do sản xuất, kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm trong đó có thức ăn chăn nuôi. Mặt khác, việc đầu tư, xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào chiến lược phát triển chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi của từng địa phương và nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý, định hướng và cung cấp thông tin cho thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi, Dự thảo Luật đã quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thức ăn chăn nuôi tại Điều 11, chiến lược phát triển chăn nuôi (Điều 5). Do đó, xin không bổ sung quy định về quy hoạch các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong Dự thảo Luật.

Về giống và sản phẩm giống vật nuôi, một số đại biểu quốc hội đề nghị nghiên cứu và quy định cụ thể việc quản lý đối với từng loại Danh mục giống vật nuôi, nhất là đối với vật nuôi quý, hiếm cần bảo tồn; bổ sung quy định định kỳ cập nhật danh mục này cho phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật có liên quan, báo cáo giải trình nêu rõ: Dự thảo Luật đã quy định Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu để giữ gìn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm của Việt Nam; quy định cụ thể về việc trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và trình tự, thủ tục trao đổi (Điều 15 và Điều 16) để khuyến khích việc xuất khẩu, chuyển giao giống vật nuôi từ Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ. Vì thế, đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về bổ sung quy định giao Chính phủ cập nhật 02 danh mục này tại Điều 19.

Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, gồm 08 chương, 83 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật Chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

93,81% phiếu tán thành thông qua Luật Trồng trọt

Với 455/461 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 93,81%, Quốc hội đã thông qua Luật Trồng trọt. Với 7 chương, 85 điều, Luật quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt với 93,81% phiếu tán thành

Luật quy định rõ các nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt. Theo đó, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được cấp chứng nhận chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Quốc hội cũng đồng ý quy định phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành trừ: các loại phân bón không phải khảo nghiệm bao gồm: Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm hoặc lân hoặc kali đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm, lân, kali được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học và phải tham gia tập huấn khảo nghiệm phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về điều kiện mua bán phân bón, Luật quy định: tổ chức, cá nhân mua bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón. Trường hợp mua bán phân bón do mình sản xuất thì không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón. Theo đó, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón là: có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng; có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định; người trực tiếp mua bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11, ngày 24/3/2004 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.