Kỷ luật 2 cán bộ

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, tại Quyết định 1673/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 940-QĐ/UBKTTW ngày 20/11/2018.

Tại Quyết định 1674/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 941-QĐ/UBKTTW ngày 20/11/2018.

* Trước đó, từ ngày 12 đến 14/11/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 31, xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân về trách nhiệm liên quan trong Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Sau khi xem xét khách quan, toàn diện các vi phạm, khuyết điểm của các cá nhân; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định: Thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, nguyên Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ.

Gỡ vướng Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc để triển khai thực hiện Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Mới đây, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt (Việt Nam) có báo cáo về các vấn đề tồn đọng liên quan đến Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1.

Xét báo cáo của Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo kiểm tra, xác minh các vấn đề được nêu tại báo cáo của Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong thực hiện Dự án; khẩn trương chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vướng mắc để triển khai thực hiện Dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 12/2018.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công an; Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao, phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh trong kiểm tra, xử lý các vấn đề tồn tại (nếu có) và kịp thời tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thực hiện dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" được khởi công ngày 26/06/2016 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Chiều dài toàn bộ hệ thống xây dựng các cống ngăn triều trên các kênh rạch để ngăn không cho triều xâm nhập vào trung tâm thành phố, để tăng cường tối đa, phát huy hệ thống thoát nước đô thị, và chiều dài kè ngăn triều là trên 60 km kè.

Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước (bơm nước thoát ra từ các hệ thống thoát nước đô thị thoát ra kênh rạch) của các dự án thoát nước đô thị và hỗ trợ trữ nước mưa khi triều cường xuống thấp, kết hợp chống sạt lở bờ sông và góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dân cư.

Thành phố Phủ Lý là đô thị loại II

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1678/QĐ-TTg công nhận thành phố Phủ Lý là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Nam.

Trong những năm gần đây, Phủ Lý đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 16,61%/năm; thu nhập bình quân/người của thành phố đạt 59,10 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố bình quân năm 2017 đạt 1.041,285 tỷ đồng.

Bước đột phá trong cải cách hành chính của thành phố Phủ Lý là việc thành lập Trung tâm hành chính công thành phố (đi vào hoạt động từ tháng 7/2017). Với việc thành lập Trung tâm hành chính công, thành phố đã tạo lập được một môi trường làm việc thống nhất, hiện đại để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.

Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng tổ chức chính quyền các cấp bảo đảm đúng pháp luật, công khai, dân chủ…

Việc công nhận TP Phủ Lý là đô thị loại II có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, nông lâm nghiệp, thủy sản đầy tiềm năng của TP Phủ Lý, cũng như thúc đẩy việc đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị.

Sau khi thành phố Phủ Lý được công nhận đô thị loại III (năm 2006), thành phố Phủ Lý đã tích cực phát huy mọi nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian, tăng cường quản lý và xây dựng văn hoá đô thị, tăng quy mô dân số…

Đạt những thành tựu to lớn trong tất cả các mặt, đến nay thành phố đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để được công nhận là đô thị loại II, khẳng định được vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản, đối ngoại…; có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Hà Nam nói chung và thành phố Phủ Lý nói riêng, góp phần tăng trưởng kinh tế cho khu vực, đẩy nhanh hơn tốc độ đô thị hóa của tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch;...

Đến năm 2025 phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với Hệ tri thức Việt số hóa và các mô hình đô thị thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh du lịch của khu vực Đông Nam Á.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi. Cụ thể, nâng cấp Cổng thông tin du lịch Việt Nam, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân; tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.

Bên cạnh đó, xây dựng nội dung, chủ đề, phát động các chiến dịch quảng bá du lịch qua mạng xã hội, hướng đến các thị trường mục tiêu cụ thể của du lịch Việt Nam; tổ chức chương trình khảo sát cho những người viết trên mạng xã hội về du lịch, phóng viên Việt Nam và quốc tế để phát triển nội dung số quảng bá du lịch Việt Nam.

Phát triển ứng dụng xây dựng nội dung, tự động cập nhật thông tin cho khách du lịch sau chuyến đi; hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ thông tin lớn trong nước và nước ngoài để thực hiện truyền thông, quảng cáo qua nhiều kênh thông tin như tin nhắn, các ứng dụng phổ biến, nhạc chờ, chữ ký cuộc gọi.

Phát triển điểm đến du lịch thông minh

Nhiệm vụ và giải pháp khác là nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh. Trong đó, chuẩn hóa nội dung số giới thiệu về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của địa phương; phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Phát triển ứng dụng hỗ trợ khách du lịch của du lịch Việt Nam có khả năng theo sát hành trình, chủ động cung cấp thông tin phù hợp đáp ứng nhu cầu của du khách trong suốt hành trình du lịch; phát triển các ứng dụng hỗ trợ thanh toán thuận lợi trên thiết bị di động thông minh cho khách du lịch như thẻ tích điểm thanh toán đa năng, ứng dụng thanh toán trực tuyến, ứng dụng thanh toán bằng mã QR; phát triển các ứng dụng báo cáo, thống kê tự động liên thông từ các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch đến các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tích hợp kết nối với các ngành, lĩnh vực liên quan, trước mắt là xuất nhập cảnh, hàng không, ngoại giao, thương mại, ngân hàng.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng dữ liệu thông tin và dịch vụ trên các chuyến bay, cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển quốc tế và trong nước; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp viễn thông xây dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ du khách và các ứng dụng công nghệ thông minh nhằm quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; xây dựng, phát triển các ứng dụng giám sát, cảnh báo an toàn, hỗ trợ khách du lịch trong những trường hợp cần sự trợ giúp, trường hợp khẩn cấp.

Lựa chọn nhà thầu tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch TP. Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2013 để lựa chọn nhà thầu tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng để chỉ đạo thực hiện lựa chọn nhà thầu tư vấn trong trường hợp đặc biệt đảm bảo chất lượng, tiến độ và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013.

Nhưng theo UBND thành phố Đà Nẵng, quy hoạch chung thành phố cần thay đổi để hợp với bối cảnh hiện nay.

Về phát triển kinh tế-xã hội, định hướng phát triển cần có sự điều chỉnh theo hướng: “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”, cụ thể tập trung ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch, thương mại, khẳng định vai trò mũi nhọn kinh tế; chú trọng công nghiệp công nghệ cao để mang lại giá trị gia tăng lớn; đẩy mạnh nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với các khu công nghiệp tại Đà Nẵng đã cơ bản lấp đầy nhưng cần hình thành thêm các khu công nghiệp mới. Hạ tầng đô thị có nhiều phát sinh mới cần sự điều chỉnh...

Mở rộng Nhà máy xi măng Long Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư mở rộng Nhà máy xi măng Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, Thủ tướng đồng ý bổ sung giai đoạn II Nhà máy xi măng Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa với 2 dây chuyền (dây chuyền số 3 và số 4), mỗi dây chuyền có sông suất là 2,3 triệu tấn xi măng/năm kết hợp xử lý rác thải bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat phục vụ xây dựng các công trình ven biển và hải đảo vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.

Thời gian đưa vào vận hành dây chuyền số 3 trong năm 2020 và dây chuyền số 4 trong năm 2021.

Bộ Xây dựng tích hợp giai đoạn II Nhà máy xi măng Long Sơn vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa giám sát Dự án giai đoạn II Nhà máy xi măng Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa (dây chuyền số 3 và số 4) thực hiện theo đúng quy định về đầu tư, xây dựng, môi trường, sản phẩm và các quy định có liên quan./.