Sáng 22/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức hội thảo tham vấn Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công nhằm lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo

Nhiều nội dung đã đạt được sự đồng thuận

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, theo chương trình xây dựng Luật tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi), dự thảo Luật sẽ được tổng hợp tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7, sẽ diễn ra vào tháng 5/2019.

Sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp thu, chỉnh lý dự án.

Đến nay, dự thảo Luật đã thống nhất được nhiều nội dung, tiếp cận được nhiều phương án đổi mới về quản lý vốn đầu tư công để khắc phục tồn tại hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua với mục tiêu quan trọng là nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Đưa ra một số vấn đề lớn Quốc hội quan tâm và cần tiếp tục trao đổi ý kiến, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho biết, 5 định hướng sửa đổi Luật Đàu tư công của Chính phủ.

Một là, thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công. Thay đổi cơ bản công tác lập kế hoạch và thẩm định chương trình, dự án đầu tư công, tiếp cận theo thông lệ tốt trên thế giới.

Hai là, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan trong quản lý đầu tư công.

Ba là, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí, dàn trải trong đầu tư công.

Bốn là, đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý hoạt động đầu tư công.

Năm là, gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư công nói riêng theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực.

Qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành tại các cuộc hội thảo, một số nội dung đã có sự thống nhất giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra:

Cụ thể, về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tại tờ trình, Chính phủ đang báo cáo Quốc hội một quy trình riêng đối với các dự án ODA. Sau khi thảo luận đã thống nhất kiến nghị phương án coi các dự án ODA như một dự án thông thường sử dụng vốn trong nước, theo đó, áp dụng chung trình tự, thủ tục. Chỉ có 1 quy trình còn khác biệt là quy trình đề xuất dự án (giai đoạn đầu tiên của dự án).

Dự thảo Luật đang đề xuất cả Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cùng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề xuất dự án ODA, sau khi thảo luận đã thống nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì trình nội dung nêu trên.

Ông Trần Quốc Phương cũng cho biết, qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành tại các cuộc hội thảo, một số nội dung đã có sự thống nhất giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và kế hoạch đầu tư công 03 năm cuốn chiếu.

Một số ý kiến cho rằng, thiết kế 03 năm là không cần thiết, có thể phải làm nhiều việc hơn, nhiều thủ tục hơn, trong khi đã có kế hoạch trung hạn 5 năm.

“Sau khi thảo luật đã thống nhất về việc lập kế hoạch 03 năm chỉ mang tính tham khảo như kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm”, ông Phương nói.

Một vấn đề được quan tâm nhiều, đó là tiêu chí phân loại dự án. Ông Phương cho hay, tại dự thảo Luật, Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh nâng mức phân loại lên khoảng 3,5 lần (tương ứng dự án Quan trọng quốc gia là 35.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, lý do điều chỉnh là chưa thuyết phục và đề nghị giữ nguyên; cũng có ý kiến cho rằng có thể điều chỉnh được, tuy nhiên, cần xác định mức hợp lý, có thể nâng lên mức 20.000 tỷ đồng đối với dự án quan trọng quốc gia.

Toàn cảnh Hội thảo

Song, vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm

Về một số nội dung cần xin ý kiến, ông Trần Quốc Phương cho biết, về định nghĩa nguồn vốn đầu tư công ngoài ngân sách nhà nước, tại Luật hiện hành quy định đây là vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.

Liên quan đến thẩm quyền quyết định, nội dung xây dựng, triển khai, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với thẩm quyền tương ứng, danh mục dự án…

Về tiêu chí phân loại dự án, tại dự thảo Luật, Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh nâng mức phân loại dự án, có nên tách riêng dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Quan điểm của các cơ quan của Chính phủ cho rằng, việc tách riêng dự án là tạo thuận lợi trong công tác triển khai dự án, cũng như giải phóng mặt bằng sạch đối với những khu vực đã được triển khai quy hoạch để triển khai đấu giá đất theo quy định của Luật Đất đai, thu hồi được vốn đã đầu tư giải phóng mặt bằng về ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Điều phối danh mục Dự án, Ngân hàng Thế giới (WB) Achim Fock đồng tình với cách tiếp cận của Việt Nam trong việc sửa đổi Luật đầu tư công để phù hợp với các luật khác.

Theo đánh giá của WB, về cơ bản, việc quy định áp dụng Kế hoạch đầu tư trung hạn (MTIP) và kế hoạch đầu tư hàng năm (AIP) trong Luật Đầu tư công đã mang lại kết quả tích cực vì qua đó đã giúp tăng cường định hướng chiến lược cũng như tính khả thi của ngân sách đầu tư công nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục. Đó là tính cứng nhắc của MTIP.

Theo WB, kế hoạch MTIP hiện được quy định trong Luật Đầu tư công có chu kỳ cố định là 5 năm (ngược với phương pháp lập kế hoạch cuốn chiếu) và còn mang tính cứng nhắc, vì vậy đã gây tác động không tốt lên công tác lập kế hoạch vốn do nó không tính đến tình hình tài khóa mới phát sinh hoặc tiến độ thi công trên thực tế. Mặc dù đã được cụ thể hóa qua các kế hoạch đầu tư công hàng năm (AIP), nhưng vẫn khó có thể hài hòa MTIP với khung ngân sách trung hạn theo kiểu cuốn chiếu như quy định trong Luật Ngân sách nhà nước 2015. Hiện nay chi phí dự án chỉ được thể hiện bằng con số tổng, không được phân kỳ hàng năm. Đây chính là một hạn chế nữa của MTIP về dự trù ngân sách.

Ngoài ra, do tính cứng nhắc của MTIP nên không có cơ chế rõ ràng để bổ sung các dự án mới trong kỳ sau kế hoạch (MTIP), do vậy khó đảm bảo tính liên tục của dự án ngay từ khâu lập kế hoạch. Một vấn đề nữa là khó kết hợp giữa một bên là các kế hoạch “cứng” 5 năm với một bên là các ưu tiên đầu tư cơ bản theo kiểu cuốn chiếu.

Lựa chọn dự án đưa vào MTIP. Hiện nay, nếu dự án được đưa vào MTIP thì đó vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ để lựa chọn dự án đưa triển khai.

Cách làm này trên thực tế đã loại trừ ngay từ đầu vai trò của công tác thẩm định trong quá trình xem xét hồ sơ và lựa chọn dự án.

Hai vấn đề song trùng - cơ chế cứng nhắc trong kế hoạch đầu tư trung hạn MTIP và bỏ qua công tác thẩm định - đã gây ra tình trạng bỏ bê công tác quản lý đầu tư công trong giai đoạn đầu. Vì vậy đã dẫn đến không đảm bảo chất lượng, ưu tiên chiến lược và kết quả thực hiện dự án.

Dự án đã được đưa vào MTIP sẽ mặc nhiên được chuyển sang kỳ sau. Ưu điểm của cách làm này là đảm bảo được tính liên tục của các dự án đang thực hiện, nhưng đối với các dự án chưa khởi động (hoặc mới chỉ khởi động mà thôi) thì các nhà hoạch định chính sách và lên kế hoạch sẽ bị bó tay nếu tình hình thay đổi làm cho các thứ tự ưu tiên thay đổi.

“Vấn đề này thể hiện rất rõ khi một số dự án lúc đầu quá tham vọng hoặc trở nên quá tham vọng do điều kiện tài khóa vĩ mô kém đi làm cho công tác triển khai một loạt các dự án bị tồn đọng vào cuối kỳ và thường phải chuyển sang kỳ tiếp theo”, WB nêu rõ vấn đề tại văn bản gửi tới Hội thảo.

Đã vậy, trái với thông lệ quốc tế, các dự án dùng hoàn toàn nguồn vốn trong nước và có quy mô lớn (các dự án có tầm quan trọng quốc gia và dự án nhóm A) nếu muốn có quyết định chủ trương đầu tư (điều kiện tiên quyết để được đưa vào MTIP), thì lại chỉ cần thực hiện nghiên cứu tiền khả thi mà không cần qua bước đánh giá thẩm định ý tưởng dự án. Thủ tục đối với các dự án ODA (kể cả các dự án sử dụng vốn nước ngoài với điều kiện kém ưu đãi hơn) cũng được quy định như vậy.

Trong khi đó thì các dự án ODA nhỏ, kể cả các dự án từ 2 triệu USD trở xuống, lại phải lập văn kiện dự án và như vậy đã trở nên rườm rà hơn.

“Qua đó ta có thể thấy rõ hơn một vấn đề khác trong Luật Đầu tư công - đó là thiếu tính thống nhất trong quy trình ban đầu các dự án được tài trợ bởi các nguồn khác nhau (xem mục “Thẩm định” phía dưới)”, WB nhận định.

Cần tăng phân cấp, tạo sự chủ động trong quản lý vốn đầu tư công

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho rằng, nguồn vốn dành cho đầu tư công cần phải có quy trình quản lý và cần có những phân cấp cụ thể.

“ Luật Đầu tư công sửa đổi lần này cần tập trung vào tháo gỡ những khó khăn trong việc định nghĩa nguồn vốn đầu tư công ngoài ngân sách Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án.”, ông Vinh nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành danh mục dự án, Ngân hàng Thế giới, ông Achim Fock cho rằng, để các dự án đầu tư công hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng danh mục các dự án đầu tư công đầy đủ nhằm giảm chi phí thủ tục cho các nhà đầu tư. Đối với hiệu quả liên quan đến từng dự án riêng lẻ, cần chi tiết rõ hơn trong Luật hay các Nghị định hướng dẫn thi hành…

Bên cạnh đó, việc theo dõi và đánh giá dự án cần được đẩy mạnh phân cấp hơn nữa. WB hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước và cho đây là nguồn thông tin quan trọng, việc chia sẻ thông tin trên Hệ thống này cần phải được đẩy mạnh và giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Cụ thể hơn, theo WB cần tăng cường theo dõi tập trung các chương trình đầu tư. Ví dụ, xây dựng và vận hành một hệ thống thông tin đầu tư công phục vụ trao đổi thông tin, và xây dựng cơ sở pháp lý về chia sẻ thông tin, trong đó bao gồm truy cập thông tin tài chính kịp thời qua hệ thống TABMIS. Các thông tin đó sẽ giúp, ví dụ, ra quyết định tái phân bổ ngân sách giữa các dự án đang thực hiện.

Cùng với đó, cần tinh chỉnh các quy định đánh giá lại một cách có hệ thống, trong đó bao gồm tái thẩm định và điều chỉnh các dự án có vấn đề nhằm xác định và tập trung vào các dự án rủi ro nhất, buộc chủ đầu tư thu hẹp phạm vi dự án hoặc dừng dự án căn cứ vào kết quả đánh giá lại.

Đặc biệt, cần xử lý các khác biệt trong quá trình điều chỉnh dự án do khác biệt nguồn vốn bằng cách đảm bảo rằng các điều khoản trong Luật Đầu tư công nhất quán hơn với các văn bản pháp quy khác nhằm đảm bảo hài hòa hóa các thủ tục điều chỉnh dự án được tài trợ bởi các nguồn khác nhau.

Ở góc độ Kiểm toán Nhà nước, ông Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước, Mục tiêu cơ bản của việc sửa đổi Luật Đầu tư công là nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoach, Luật Đất đai... Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí, dàn trải và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Để nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư công, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán dự án đầu tư công. Do vậy, ông đề nghị bổ sung một số nội dung quy định về kiểm toán đầu tư công và trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động đầu tư công.

Cụ thể, theo ông, cần bổ sung một điều quy định về Kiểm toán đầu tư công như sau “Các chương trình, dự án đầu tư công phải được Kiểm toán nhà nước kiểm toán. Việc kiểm toán đầu tư công được thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước”; Bổ sung một điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động đầu tư công, nhằm bảo đảm sự phù hợp và đồng bộ giữa Luật Đầu tư công và Luật Kiểm toán nhà nước./.