Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 là bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm:

(1) Thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ, trong đó xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công;

(2) Tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương;

(3) Đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch theo phương pháp lập tích hợp, đa ngành, đảm bảo sự nhất quán và tính hiệu quả thiết thực, từ đó giúp các cấp, các ngành quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương;

(4) Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh thông qua việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại, là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.

Luật Quy hoạch năm 2017 điều chỉnh việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Theo quy định tại khoản 5, Điều 59, Luật Quy hoạch, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các bộ luật, luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 01/01/2019. Việc ban hành dự án Luật này để đồng bộ với Luật Quy hoạch nhằm tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch và góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến quy hoạch trình Chính phủ xem xét và thông qua. Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua các dự án Luật, Pháp lệnh sửa đổi.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, số 28/2018/QH14; tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục xem xét và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, số 35/2018/QH14; ngày 22/12.2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch. Việc xây dựng các luật, pháp lệnh dựa trên các quan điểm:

Thứ nhất, thống nhất pháp luật điều chỉnh hoạt động quy hoạch. Lấy Luật Quy hoạch làm gốc.

Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 01/11/2016 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XII về một số chủ trương chính sách lớn, nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/06/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03/06/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, đảm bảo duy trì các mục tiêu, yêu cầu về quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và đảm bảo tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nội dung chủ yếu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch là:

(1) Bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch sản phẩm) đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả theo tinh thần tại Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 11-NQ/TW. Việc bãi bỏ các quy hoạch này không làm phát sinh thủ tục hành chính và không tạo ra khoảng trống pháp lý, vì một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch, mà quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

(2) Sửa đổi tên và loại quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục I và Danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục II Luật Quy hoạch.

(3) Nội dung của quy hoạch ngành quốc gia sẽ được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, các luật chuyên ngành chỉ quy định các nguyên tắc, căn cứ, yêu cầu lập quy hoạch đặc thù của ngành, thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

(4) Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong các luật chuyên ngành được quy định thống nhất và cụ thể về loại, cấp, phạm vi lập quy hoạch, nội dung cơ bản của quy hoạch, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và đảm bảo không có sự trùng lặp về nội dung giữa các loại quy hoạch, thống nhất với tên quy hoạch, tuân thủ nguyên tắc cơ bản của hoạt động quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch.

Ví dụ như đối với cấp tỉnh, tích hợp nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng khác trong một bản quy hoạch tỉnh. Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn quy trình, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng để bảo đảm sự ổn định của hệ thống quy hoạch.

(5) Bãi bỏ giấy phép quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng, giấy phép quy hoạch đô thị và chứng chỉ quy hoạch tại Luật Quy hoạch đô thị để đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động quy hoạch.

Có thể nói rằng, Luật Quy hoạch ra đời có tác động rất lớn đến việc quản lý hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Trước khi Luật Quy hoạch được ban hành, nhiều quy hoạch phát triển ngành chưa thực sự phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường nên không phát huy được hiệu quả, thường xuyên phải điều chỉnh gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội (1). Một số quy hoạch sản phẩm gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế (2). Trong một số trường hợp, quy hoạch ngành sản phẩm đã bị sử dụng là bằng chứng chống lại chúng ta trong các vụ kiện chống bán phá giá gây hệ lụy không đáng có cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế (3). Một số quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng "giấy phép con" trong thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động về đầu tư, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (4).

Đồng thời, Luật Quy hoạch cũng có tác động rất lớn khác đến cuộc sống của người dân đó là ghi nhận việc đảm bảo tính ổn định của quy hoạch là một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động quy hoạch. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi trong thời gian qua quy hoạch bị điều chỉnh liên tục, gây xáo trộn sinh hoạt của người dân, đặc biệt là việc điều chỉnh các quy hoạch đô thị. Việc điều chỉnh quy hoạch liên tục như vậy đã khiến cho quy mô dân số tăng lên nhiều lần so với dân số đã tính toán để phê duyệt quy hoạch ban đầu, gây quá tải về nguồn điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc, đặc biệt là diện tích đất xây dựng nhà trẻ, cây xanh, các công trình phúc lợi công cộng và phá vỡ hoàn toàn quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với nguyên tắc đảm bảo tính ổn định trong hoạt động quy hoạch. Chính vì vậy, tại Luật Quy hoạch cũng như các Luật sửa đổi đã quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Mục tiêu chính khi ban hành Luật Quy hoạch là đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành, đảm bảo sự phát triển đồng bộ của các ngành. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đặc biệt là những cơ quan hoạch định chính sách phát triển. Bởi trước khi có Luật Quy hoạch, do ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nên các cấp, các ngành chưa có sự nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của quy hoạch trong nền kinh tế thị trường, còn mang nặng tư tưởng cục bộ từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khẩu lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch và việc ban hành những chính sách liên quan đến công tác quy hoạch. Tư tưởng chủ nghĩa bình quân, căn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ và sự phối hợp kém hiệu quả của các cấp, các ngành đã tác động tiêu cực đến công tác quy hoạch, làm cho quy hoạch thiếu khách quan, không khả thi và bị điều chỉnh tùy tiện; Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch còn rất hạn chế; biện pháp, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch còn thiếu và chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch là những nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại, bất cập của công tác quy hoạch.

Để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch và triển khai thi hành Luật Quy hoạch, các Luật, pháp lệnh sửa đổi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành cũng như tổ chức lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030. Đến thời điểm hiện tại, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Quy hoạch đã được đa số thành viên Chính phủ tán thành và hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, các Thông tư hướng dẫn định mức kinh phí và giá trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch cũng đã được lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương./.

[1] Quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 tổng diện tích trồng cà phê cả nước đạt 500.000 ha. Tuy nhiên, đến năm 2015 thì tổng diện tích trồng cà phê của cả nước đã đạt 670.000 ha. Trước thực trang quy hoạch bị phá vỡ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020, trong đó thay đổi mục tiêu diện tích trồng cà phê đến năm 2020 từ 500.000 ha (theo quy hoạch) lên 600.000 ha.

[2] Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT

[3] Với cam kết của Việt Nam khi tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì việc quy hoạch sản phẩm trong đó có các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, vốn, đào tạo...dễ bị khởi kiện về chống phá giá và chống trợ cấp

[4] Người dân, doanh nghiệp muốn đăng ký kinh doanh dịch vụ karaoke và vũ trường thì phải phù hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt./.

Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 04/2019