Tại Nghị định, Chính phủ nêu rõ: Nội dung quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử (quy hoạch) thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Năng lượng nguyên tử được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Nghị định quy định thời kỳ quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử là 10 năm, tầm nhìn của quy hoạch là từ 30 năm đến 50 năm. Thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng, thời hạn lập quy hoạch không quá 30 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.

Hoạt động quy hoạch gồm: Lập quy hoạch; thẩm định quy hoạch; phê duyệt quy hoạch; công bố quy hoạch; thực hiện quy hoạch; đánh giá quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch.

Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan tổ chức lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Bộ Y tế tổ chức lập hợp phần quy hoạch trong ngành y tế; Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập hợp phần quy hoạch trong ngành tài nguyên và môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập hợp phần quy hoạch trong ngành nông nghiệp; Bộ Công Thương tổ chức lập hợp phần quy hoạch trong ngành công nghiệp.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức có liên quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ quan lập quy hoạch do Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định; cơ quan lập hợp phần quy hoạch do cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch quyết định.

Nghị định cũng quy định tổ chức lập quy hoạch phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có ít nhất 01 chuyên gia tư vấn

- Có ít nhất 02 chuyên gia tư vấn có chuyên ngành khác nhau

Trong đó, chuyên gia tư vấn là chủ nhiệm dự án quy hoạch phải:

- Có bằng đại học trở lên

- Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan

- Đã lập ít nhất 01 quy hoạch hoặc chiến lược, kế hoạch, đề án năng lượng nguyên tử được phê duyệt

- Tham gia ít nhất 02 quy hoạch, chiến lược, kế hoạch hoặc đề án năng lượng nguyên tử được phê duyệt

Ngoài ra, chuyên gia tư vấn nước ngoài sẽ do cơ quan lập quy hoạch, hợp phần quy hoạch lựa chọn và báo cáo Thủ trưởng quyết định.

Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; bảo đảm an toàn, an ninh; nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế; đầu tư, tài chính và huy động vốn; tổ chức thực hiện quy hoạch.

Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử (hợp phần quy hoạch) là một nội dung của quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử được lập để thực hiện việc tích hợp quy hoạch.

Các hợp phần quy hoạch bao gồm:

1- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành y tế: y học hạt nhân, xạ trị, điện quang;

2- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành tài nguyên và môi trường: khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường;

3- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành nông nghiệp: chọn tạo giống cây trồng, vi sinh vật; bảo vệ thực vật; nông hoá, thổ nhưỡng và dinh dưỡng cây trồng; chăn nuôi, thú y; nuôi trồng thuỷ sản; bảo quản và chế biến sau thu hoạch;

4- Hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong ngành công nghiệp;

5- Các hợp phần quy hoạch khác được xác định trong giai đoạn lập nhiệm vụ lập quy hoạch.

Nghị định 41/2019/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/05/2019./.