Quy định mới về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công

Nghị định 32/2019/NĐ-CP ban hành ngày 10/04/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sảm phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ 01/06/2019.

Nghị định cũng quy định danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, gồm: Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích.

Trong đó, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện theo các phương thức: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Còn sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo các phương thức: Đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định).

Tại Điều 9, Nghị định quy định cụ thể điều kiện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Theo đó, việc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chỉ thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên được giao kinh phí cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng đồng thời các điều kiện:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực thuộc diện Nhà nước cấp phép hoạt động phải đáp ứng thêm điều kiện phải là đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

b) Đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền giao quyền tự chủ tài chính theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực;

c) Việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của đơn vị, đã và đang được cơ quan quản lý cấp trên giao nhiệm vụ;

d) Danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, thực hiện theo số lượng, khối lượng, chi phí hợp lý theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Nghị định, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, theo danh mục quy định, khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c của khoản 2 Điều 9 nêu trên; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng; Điều kiện đặt hàng khác theo quy định của pháp luật liên quan (nếu có).

Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản

Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ban hành ngày 23/04/2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ 17/06/2019.

Theo đó, mọi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả. Nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Nghị định quy định, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý (không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) giao cho cơ quan được giao quản lý tài sản, gồm: Cơ quan được giao quản lý tài sản ở trung ương là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ; ở địa phương là cơ quan giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường bộ; UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn.

Nghị định nêu rõ, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải được bảo trì theo quy định. Việc bảo trì tài sản bảo đảm tuân theo trình tự, quy trình, kế hoạch và tiêu chuẩn, định mức nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng, khai thác tài sản.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức bảo trì đối với từng hoạt động bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Việc lựa chọn tổ chức thực hiện bảo trì được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật chuyên ngành giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan.

Kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật, trừ một số trường hợp.
Nghị định cũng quy định rõ phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trường hợp cần thiết thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phương thức khác với quy định, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan lập Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bắt đầu giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã từ ngày 25/6/2019

Có hiệu lực từ 25/06/2019, Nghị định 34/2019/NĐ-CP ban hành ngày 24/04/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn: Cấp xã loại 1 tối đa 23 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 2 tối đa 21 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 3 đối đa 19 người (giảm 2 người so với quy định cũ).

Nghị định cũng sửa đổi, bố sung quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Cụ thể, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: Loại 1 tối đa 14 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 2 tối đa 12 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 3 tối đa 10 người (giảm 9 người so với quy định cũ).

Đối với các xã, thị trấn bố trí Trưởng Công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức quy định nêu trên giảm 01 người.

Số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định nêu trên bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã. Riêng trường hợp luân chuyển về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì thực hiện theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp phạt đến 1 tỷ đồng

Theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP, ban hành ngày 25/04/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có hiệu lực từ 10/06/2019, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng.

Cụ thể, cá nhân có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép (từ thời điểm lâm sản đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó, thì bị xử phạt như sau: vận chuyển động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá dưới 15 triệu đồng; gỗ thuộc loài thông thường dưới 2 m3; thực vật rừng ngoài gỗ trị giá dưới 15 triệu đồng;... thì bị phạt tiền từ năm đến 15 triệu đồng; vận chuyển ngà voi có khối lượng dưới 0,3 kg; thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 180 đến 210 triệu đồng; động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 180 đến 210 triệu đồng;... thì bị phạt tiền từ 180 đến 210 triệu đồng.

Đặc biệt, phạt tiền từ 475 đến 500 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển trái phép sản phẩm chế biến từ gỗ không có hồ sơ lâm sản hợp pháp trị giá từ 475 triệu đồng trở lên.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lâm nghiệp với cá nhân là 500 triệu đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2019./.