Người làm việc tự do có thể nộp BHXH tại các bưu điện trên địa bàn cả nước. Ảnh: minh họa.

Nhiều thắc mắc

Anh Nguyễn Trung Đại (35 tuổi ở KĐT Xa La, Hà Đông, Hà Nội mong muốn mua BHXH tự nguyện để sau này về già có lương hưu, nhưng lại không biết phải đăng ký đóng ở đâu? Và, ở 35 tuổi, thì có tham gia được không?

Tương tự, chị Trần Thị Lý, (quê Thanh Hóa, bán quần áo ở chợ đêm Phùng Khoang, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng không rõ về BHXH tự nguyện.

Chị Lý cho hay, trước đây chị đi làm ở một công ty may mặc và có tham gia BHXH bắt buộc được 6 năm. Tuy nhiên, vì điều kiện gia đình chị xin nghỉ việc, đi bán quần áo.

“Tôi đã có sổ bảo hiểm. Bây giờ tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện có được không? Tôi có thể dùng sổ bảo hiểm đã được cấp để đóng tiếp có được không? hay lại phải đóng từ đầu?”- chị Lý thắc mắc.

Không chỉ anh Đại, chị Lý hay những người làm nghề tự do đang trong độ tuổi lao động muốn biết cách thức đóng và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện mà ngay cả những người nhiều tuổi (trên 50 tuổi) cũng mong muốn được tham gia đóng BHXH để có đồng lương hưu “dắt lưng” dưỡng già.

Bà Lê Thị Ngọc Loan (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, năm nay bà đã 55 tuổi, bà mong muốn được tham gia BHXH tự nguyên để phòng khi ốm đau, bệnh tật nhưng không biết có được tham gia hay không?

Theo cơ quan BHXH Việt Nam, BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người tham gia có quyền lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân. Người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia tự chọn nhưng không thấp hơn chuẩn hộ nghèo nông thôn (tối thiểu thu nhập 700.000 đồng/tháng).

Ngoài ra, những người nào đã từng tham gia BHXH bắt buộc, nay chuyển sang làm tự do vẫn có thể tham gia BHXH tự nguyện và đóng ngay trên sổ bảo hiểm đã có. Bên cạnh đó, người tham gia BHXH tự nguyện còn được nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Đối tượng thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo là 25%, các đối tượng khác là 10%. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người.

6 cách đóng BHXH tự nguyện

Theo điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 thì hiện nay, có 6 cách mà người lao động có thể áp dụng đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ 15 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nếu có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện, thì được đóng khi đủ từ 20 năm BHXH và đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí hằng tháng.

1. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

- Đóng hằng tháng.

- Đóng 3 tháng một lần.

- Đóng 6 tháng một lần.

- Đóng 12 tháng một lần.

- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.

- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

2. Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 điều này cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại điểm e khoản 1 điều này./.