Hiệp định IPA được ký kết chiều ngày hôm nay, ngày 30/6/2019 đã mở ra chương mới trong đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Đây là một hiệp định mang nhiều điểm khác biệt so với các hiệp định khác.

IPA cũng giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia

IPA cũng giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững, trên cơ sở những điểm tiến bộ của IPA so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.

Việc ký kết IPA đặc biệt thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam do:

+ Mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.

+ Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, IPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.

Tuy nhiên, việc chuẩn bị từ phía Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ... đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các cơ hội này.

- Giúp hỗ trợ sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước thông qua tác động lan tỏa, do EU là khu vực có trình độ công nghệ phát triển cao, FDI gia tăng từ EU có thể đem theo thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và khả năng hấp thụ công nghệ của khu vực trong nước.

Dự kiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN khác mà còn từ các nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU./.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã khởi động đàm phán từ năm 2012, và được lãnh đạo Việt Nam và EU tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 02/12/2015. Hiệp định đã được hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật vào tháng 6/2017. Tuy nhiên sau đó nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do giữa EU và từng nước thành viên. Cụ thể, theo phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu về Hiệp định thương mại tự do của EU với Singapore, các nội dung về đầu tư gián tiếp của nước ngoài và bảo hộ đầu tư sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của EU và từng nước thành viên, nghĩa là phải được Nghị viện Châu Âu và Nghị viện của từng nước thành viên phê chuẩn thì mới có hiệu lực.

Trên cơ sở đó, Việt Nam và EU đã thống nhất tách Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên thành hai Hiệp định riêng biệt, bao gồm:

- Hiệp định thương mại tự do: gồm toàn bộ nội dung đã được thống nhất trước đây, trong đó phần đầu tư chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài (EVFTA). EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi Hiệp định này

- Hiệp định bảo hộ đầu tư: gồm các quy định về bảo hộ đầu tư của một bên trên lãnh thổ của bên kia, trong đó có quy định về giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (IPA) . Hiệp định này phải được sự phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu và Nghị viện các nước thành viên thì mới có hiệu lực. Hiệp định sẽ thay thế các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU./.