Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết đô thị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật

Thành phố, thị xã, thị trấn và đô thị mới phải được lập quy hoạch chung

Cụ thể, Nghị định số 72/2019/NĐ-CP đã sửa đổi quy định về nguyên tắc lập quy hoạch đô thị tại Nghị định số 37/2010/NĐ-CP. Theo đó, thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và đô thị mới phải được lập quy hoạch chung, đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Về nguyên tắc lập quy hoạch đô thị, Nghị định số 72/2019/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Trường hợp cần phải điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc công trình riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết đô thị được phê duyệt; cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết căn cứ vào nội dung quy hoạch đã được phê duyệt, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị hoặc khu vực, quy chế quản lý kiến trúc để quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết đô thị.

Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết đô thị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện không quá 02 tháng

Nghị định số 72/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.

Trong đó, Nghị định số 72/2019/NĐ-CP sửa đổi, thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện không quá 02 tháng. Thời gian lập đồ án quy hoạch đối với vùng liên huyện, vùng huyện không quá 12 tháng.

Đối với khu chức năng có quy mô trên 500 ha, Nghị định số 72/2019/NĐ-CP quy định cụ thể hơn về nguyên tắc lập quy hoạch. Theo đó, các khu chức năng có quy mô trên 500 ha cần phải được lập quy hoạch chung xây dựng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch đô thị. Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng được phê duyệt là cơ sở lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng.

Các khu vực chức năng có quy mô trên 500 ha được lập quy hoạch phân khu xây dựng làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết xây dựng và xác định dự án đầu tư xây dựng, nếu được xác định trong quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt.

Nghị định số 72/2019/NĐ-CP cũng bổ sung quy định, trường hợp cần phải điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc công trình riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết căn cứ vào nội dung quy hoạch đã được phê duyệt, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực, quy chế quản lý kiến trúc để quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Các xã phải được lập quy hoạch chung xây dựng

Nghị định số 72/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ hơn nguyên tắc lập quy hoạch xây dựng nông thôn. Theo đó, các xã phải được lập quy hoạch chung xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch chung thành phố, thị xã, làm cơ sở lập các quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn và lập các dự án đầu tư xây dựng.

Các điểm dân cư nông thôn phải được lập quy hoạch chi tiết xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng xã, làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.

Nghị định cũng quy định rõ hơn việc lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện. Theo đó, cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng phối hợp với UBND các cấp có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn

Ngày 13/09/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà là Chủ tịch Hội đồng. Phó Thủ tịch Hội đồng là một Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Các thành viên Hội đồng gồm đại diện các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng; đại diện các Hội, Hiệp hội: Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội các đô thị Việt Nam; một số chuyên gia các ngành, lĩnh vực khác có liên quan.

Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.

Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 05/CT-TTg yêu cầu tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Tại Chỉ thị, Thủ tướng chỉ rõ, công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ; chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi; công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư còn tùy tiện, có xu hướng gia tăng dân số, tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, gây quá tải hạ tầng đô thị...

Để tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc trong Chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định. Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các Nghị định, Thông tư liên quan bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập, hoàn thành trong năm 2019./.