Đó là những ý kiến được đưa ra trong Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu” do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức sáng ngày 17/5 tại Hà Nội.

Nặng về hình thức, yếu về nội dung

Theo VINPA, Nghị định 84 đã có những ưu điểm rõ rệt như đã bao phủ hết các nội dung kinh doanh xăng dầu; thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn và điều chỉnh giá bán lẻ; mức thuế xuất nhập khẩu xăng đầu ổn định phù hợp; đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng cho nhu cầu xã hội; tạo cho người sử dụng làm quen với việc thay đổi giá bán lẻ xăng dầu và bước đầu Nghị định cũng đã đa dạng hóa các thương nhân đầu mối.

Theo nhận định của VINPA, một số quy định trong Nghị định 84/2009/NĐ-CP rất khó thực hiện nếu không nói là không thể thực hiện được, cụ thể là:

Quy định Tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000 m3 chưa sát với tình hình thực tế.

Để có một kho chứa xăng như vậy, tổng đại lý cần có một diện tích trên 1ha (bao gồm cả hành lang an toàn theo quy định hiện hành), kinh phí đầu tư không dưới 30 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án không dưới 3 năm vì thế điều kiện sở hữu hoặc đồng sở hữu một kho chứa với quy mô như vậy là bất khả thi.

Do vậy, để có giấy phép hoạt động nhà đầu tư chỉ còn cách hợp thức hóa điều kiện này bằng một hợp đồng thuê với thương nhân đầu mối.

Thương nhân đầu mối vì muốn phát triển thị phần của mình nên luôn sẵn sàng ký kết hợp đồng thuê mướn ký kho bãi cho Tổng đại lý – Điều đó cho thấy quy định này chỉ mang tính hình thức.

Quy định mỗi Tổng đại lý hoặc (đại lý) chỉ được phép lý kết hợp đồng cung ứng với một thương nhân đầu mối hoặc một Tổng đại lý là mua đứt bán đoạn mà ở đó Tổng đại lý (hoặc đại lý) phải chịu rất nhiều yếu tố rủi ro trong kinh doanh.

Mặt khác, toàn bộ chi phí xây dựng cửa hàng xăng dầu đều do Tổng đại lý hoặc (đại lý) đảm nhận mà không có sự hỗ trợ nào của thương nhân đầu mối vì thế việc quy định như trong Dự thảo là thiếu công bằng. Trên kết quả khảo sát nhiều Tổng đại lý và đại lý cho thấy, quy định này không thực hiện được.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Xăng dầu Nghị định 84 chưa làm rõ trách nhiệm của thương nhân đầu mối, Tổng đại lý và đại lý và cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra xử phạt hệ thống kinh doanh xăng dầu bao gồm thương nhân đầu mối, đại lý và Tổng đại lý.

Hiệp hội này cũng chỉ ra rằng, trên thực tế việc không thực hiện ổn định thuế nhập khẩu như quy định tại Điều 25 của Nghị định 84 và sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ thường xuyên điều chỉnh giá bán lẻ, làm giá bán lẻ xăng dầu trong nước không vận hành theo giá thị trường và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi tăng thì tăng cao, tăng nhanh nhưng khi giảm thì giảm nhỏ giọt khiến dư luận bức xúc.

Có bất cập trong việc thành lập, quản lý sử dụng Quỹ bình ổn như quy định tại Điều 26. Ví dụ như việc trích lập Quỹ bình ổn thông qua giá bán lẻ là thiếu hợp lý, không làm rõ các nguyên tắc quản lý quỹ và việc sử dụng quỹ không minh bạch, không đúng thời điểm, quá lạm dụng Quỹ bình ổn để điều tiết giá bán lẻ, gây ra những cú sốc không gần thiết.

Chậm xác định chi phí kinh doanh xăng dầu hợp lý từ khâu tạo nguồn đến khâu bán lẻ làm ảnh hưởng đến việc xác định giá cơ sở và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Phải đảm bảo vận hành theo đúng cơ chế thị trường

Từ những bất cập đưa ra, Hiệp hội cũng chỉ ra quan điểm sửa đổi Nghị định căn bản như sau: Nghị định 84 đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường xăng dầu Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với các nước trong khu vực; đảm bảo bảo lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và sử dụng, đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước.

Nghị định cũng cần đảm bảo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị lỗ do cơ chế; đảm bảo an ninh năng lượng; tạo điều kiện cho người sử dụng có thông tin minh bạch về giá bán lẻ xăng dầu.

Song có một điểm khúc mắc đó là, Nghị định 84 nếu vận hành đầy đủ thì phải theo cơ chế thị trường, nhưng “vấn đề” lại nằm ở chỗ cơ chế vận hành của nó. Trao đổi với phóng viên bên lề, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, theo luật, những mặt hàng độc quyền thì Nhà nước được quyền định giá. Vì xăng dầu không phải là mặt hàng độc quyền nên Nhà nước không định giá mà giao cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để tránh xảy ra việc một nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sẽ chi phối thị trường, Nhà nước đang xây dựng những nguyên tắc, quy định để kiểm tra và doanh nghiệp phải vận hành theo trình tự đó của Nhà nước.

“Đến một lúc nào đó, khi thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh tốt hơn thì sẽ giảm bớt các điều khoản quy định này. Tạo được thị trường cạnh tranh không phải “một sớm một chiều” mà phải có lộ trình. Chúng ta đang đi theo đúng lộ trình đó”, ông Quyền nhấn mạnh./.