Nhiều vướng mắc...

Thừa nhận rằng, công tác quy hoạch hiện nay còn rất nhiều điểm đáng chê, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, kỳ vọng về Luật Quy hoạch là rất cao. Luật này đủ sức khắc phục những tồn tại hiện nay trong quy hoạch.

PGS, TS, KTS Trần Trọng Hanh cho rằng, đây là bài toán vô cùng khó. Chính những vướng mắc đã khiến các nhà xây dựng luật hết sức lúng túng khi chuẩn bị cho dự thảo Luật Quy hoạch.

Vừa qua, Quốc hội giao cho Chính phủ chủ trì soạn thảo luật Quy hoạch. Thuật ngữ “quy hoạch” lại được hiểu là các loại quy hoạch đang được triển khai thực hiện ở Việt Nam gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và ngành; quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đai, trong đó quy hoạch tổng thể phát triển vùng và ngành là đối tượng quản lý trực tiếp. Ngoài ra, Luật Quy hoạch còn nhiệm vụ điều chỉnh các mối quan hệ giữa các loại quy hoạch khác: quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch môi trường theo tinh thần của Nghị quyết số 13 NQ/TW ngày 16/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

TS. Trần Trọng Hanh chỉ ra 5 tồn tại trong công tác quy hoạch hiện nay. Đó là:

Thứ nhất, thiếu cơ sở khoa học trong việc xác định đối tượng lập quy hoạch. Do vùng là cơ sở lý luận của quy hoạch vùng và là đối tượng của quy hoạch vùng, nhưng việc quy định còn tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học.

Giá trị của quy hoạch vùng cũng rất hạn chế, chỉ là một căn cứ, chứ không được sử dụng để dẫn chiếu và là tiền đề khi lập các quy hoạch mang tính địa phương.

Thứ hai, không đảm nhiệm được vai trò và chức năng của quy hoạch. Do quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cho các vùng là các cách tiếp cận hẹp của quy hoạch vùng, nên không thể phát huy vai trò điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế quốc dân. Các quy hoạch gần như phủ định lẫn nhau và gây cản trở cho công tác điều hành chỉ đạo của Nhà nước.

Thứ ba, thiếu thống nhất và mâu thuẫn về thể chế: Cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Đối tượng nghiên cứu; (3) Thời hạn lập quy hoạch; (4) Lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch; (5) Tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch.

Thứ tư, những hậu quả không mấy tích cực: Không khả thi do thiếu cơ sở khoa học, chủ quan, duy ý chí; Kém hiệu quả, ít tác dụng; Lãng phí tiền bạc, công sức và tài nguyên; Xung đột về quyền hạn và trách nhiệm trong quản lý nhà nước; Có thể dẫn đến những quyết định sai lầm.

Thứ năm, quy hoạch vùng còn nặng về hình thức, xa rời thực tiễn và quy luật cuộc sống: Nhiều đồ án quy hoạch vùng còn mang nặng về hình thức do xa rời thực tiễn, quy luât cuộc sống và phương pháp lập còn nặng về “kỹ trị”, thiếu tầm chiến lược và sự tham dự của xã hội, do đó còn rất nhiều quy hoạch “treo”.

...lại chung chung, thiếu tính thực thi

TS. Nguyễn Bá Ân- Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Văn phòng Chính phủ cho hay, bản thân trong quy hoạch kinh tế -xã hội cũng có sự chồng chéo. Mặc dù, quy hoạch vùng được phê duyệt, nhưng quy hoạch của các địa phương trong vùng cũng không giống quy hoạch vùng

Hơn nữa, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội chỉ mang tính bao quát, mang tính tổng quát, thiếu trọng tâm trọng điểm.

“Nội dung của quy hoạch tổng thể thiếu tính “động”, trong khi thế giới đang nhiều biến động khiến các quy hoạch xa rời thực tiễn”, ông Ấn cảnh báo.

Hơn nữa, chất lượng dự báo còn hạn chế khiến cơ sở khoa học của quy hoạch thiếu tính bền vững, không đảm bảo, thiếu các mục tiêu mang tính cụ thể nên dẫn đến các chỉ tiêu được đề xuất trong quy hoạch còn mang nặng tính chủ quan, tính định tính và thiếu đi tính định lượng.

Ngoài ra, việc thiếu các quy định cụ thể về tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát. Quy hoạch vùng hiện nay không phải là cái thực hiện mà là tài liệu quan trọng để bộ Kế hoạch làm căn cứ để thẩm định các quy hoạch cấp dưới. Có như vậy mới giải được bài toán chồng chéo.

Điểm yếu nhất theo ông Ân là chế tài giám sát thực hiện quy hoạch. Quy hoạch mới chỉ thể hiện ý chí của doanh nghiệp và nhà lãnh đạo, do đó cần có luật để “bắt” thực hiện.

Còn TS. Phạm Sỹ Liêm cho hay, ở nước ta theo quy định, hiện có những 4 cấp quy hoạch, nhưng thực tế không phải như vậy. Việt Nam chưa có quy hoạch cấp quốc gia, mà mới chỉ có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch này chưa gắn với quy hoạch không gian.

Theo ông Liêm, nếu chỉ quy hoạch không gian - quy hoạch xây dựng thì mới chỉ tạo ra cái vỏ, cái hình thức; còn nếu chỉ có quy hoạch kinh tế - xã hội, thì mới chỉ tạo ra cái bên trong, cái hình thức. Do đó, việc cần làm là phải lập ra bản quy hoạch phát triển quốc gia với đầy đủ cả nội dung và hình thức. Đây sẽ là bản quy hoạch mang tính định hướng và có tính pháp lý cao nhất.

Ngoài ra, theo ông Liêm, Hơn nữa, do bệnh thành tích, với việc nhiệm kỳ đại hội là 5 năm một lần, nên tỉnh nào cũng phải ra đời một bản quy hoạch để báo cáo, để bỏ phiếu. Trong khi, vòng đời của một bản quy hoạch phải dài hơi hơn thế.

Xây dựng Luật theo hướng nào?

Theo PGS, TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để giải quyết các vướng mắc, điều quan trọng nhất là đi tìm một cách tiếp cận khoa học và phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc chú trọng tìm ra tinh thần của Luật hơn là kỹ thuật ở trong.

Để các quy hoạch phải đồng bộ, thống nhất, TS. Nguyễn Bá Ân đề xuất: “Quy hoạch phải có sự phân cấp và nên chỉ hai cấp: Quốc gia và địa phương. Cấp quốc gia thể hiện ý đồ phát triển của cấp quốc gia, còn quy hoạch địa phương chỉ để thực hiện những ý đồ, mục tiêu phát triển của cấp quốc gia”.

Còn TS. Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thì nhấn mạnh, việc cần làm là phải tạo ra một cái gì mới và đột phá.

“Việc cần có Luật Quy hoạch chung bao quát, điều này cũng không cần bàn nữa. Khó khăn nhất là sự lồng ghép các quy hoạch. Và, chúng ta cần phải có quy hoạch quốc gia để lồng ghép quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai”.

Để thực hiện điều này, theo TS. Hồ, cần phải lập hội đồng quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng đứng đầu, nếu cần thiết có thể mời chuyên gia nước ngoài.

“Hội đồng này có vai trò chỉ đạo, xây dựng, điều phối, giám sát về lập, giám sát quy hoạch”, vị chuyên gia này cho hay.

Thành lập tổ chuyên gia để xây dựng quy hoạch quốc gia, trình ra hội đồng đó thẩm định, Chính phủ phê duyệt. Đó là quy hoạch định hướng, nên gọi là quy hoạch phát triển quốc gia. Trong đó, “cần quan tâm làm rõ nét nội dung vùng là thế nào, ngành là thế nào, không đi vào chi tiết để khống chế việc thống nhất từ trên xuống dưới’, ông Hồ nhấn mạnh.

Dưới đó là địa phương phải có quy hoạch, nhưng phải tuân thủ đúng quy hoạch quốc gia, vùng, ngành. Đồng thời, phải có chế tài để các hội đồng này có thể điều chỉnh, xử lý vi phạm.

Riêng về vấn đề vùng, theo TS. Hồ, cần lập hội đồng vùng. Hiện nay, vướng mắc là vị trí pháp lý của vùng. Vì thế, “Nếu không thể thay đổi hiến pháp để thành vùng hành chính mà chỉ cần không gian thôi. Vùng cụ thể hóa quy hoạch quốc gia, Bộ Kế hoạch khâu nối các vấn đề khác vào đó”, vị chuyên gia này đề xuất.

Nhấn mạnh rằng, bối cảnh bây giờ khác với xưa, dẫn đến cạnh tranh ngày càng tăng, TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng, không nên “phủ kín quy hoạch”, mà chỉ quy hoạch những vùng có vấn đề.

Về quan điểm phát triển, ông Liêm cho biết, hiện thời đối với từng vùng có thể không giống nhau, nhưng đều phải xuất phát từ 5 quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2020.

Vị nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng lưu ý, vấn đề là nên đặt sự ưu tiên, đặt trọng tâm vào chỗ nào? Tuy nhiên, sự ưu tiên, trọng tâm cũng biến động. Cần phân tích nhiều kịch bản với dự báo mức độ rủi ro khác nhau để chọn kịch bản chính và kịch bản dự phòng.

“Chúng ta vẫn đi theo kịch bản về số lượng, chứ chưa dựa vào nguồn lực thế mạnh. Muốn quy hoạch ổn định phải nhìn trong thời gian tương đối dài, cũng như cần nghiên cứu chu kỳ phát triển trong nền kinh tế thị trường”, ông Liêm chỉ ra.

Nội dung của quy hoạch phải giải đáp được câu hỏi: Trong thời hạn dự định, quy hoạch sẽ tạo được những thay đổi gì để tốt hơn trước? Con người, chủ thể của những thay đổi đó, sẽ có không gian sống và làm việc như thế nào? Làm thế nào kết nối không gian nội vùng với nhau và với không gian ngoài vùng để tạo điều kiện cho những thay đổi này? Lợi ích mà nững thay đổi đó đem lại có tương xứng với chi phí bỏ ra? Tổ chức nào với quyền hạn gì chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch vùng?

Câu hỏi cuối cùng là thách thức hiện nay, bởi vùng hiện chưa có đơn vị thực hiện, chúng ta mới nêu ra mà chưa có người thực hiện; giả sử các ban chỉ đạo chịu trách nhiệm thực hiện quy hoạch vùng thì ai giám sát? Ai thực hiện quy hoạch thì người đó lập quy hoạch? Ai là người giám sát? Hiện nay rất coi nhẹ khâu giám sát, trong khi ở thế giới đây là một khâu rất then chốt trong tổ chức thực hiện.

Đồng thời, quy hoạch vùng phải có chương trình hành động kèm theo để chỉ ra: phải làm gì? Ai làm? Sử dụng nguồn lực và công cụ nào? Tiến độ thực hiện là bao lâu?

“Hiện nay chúng ta cần xem lại vì phần tổ chức thực hiện hiện nay rất qua loa, ngắn gọn”, ông Liêm cho hay.

Đồng tình rằng, hiện nay quy hoạch phát triển quá rộng, quá chung chung khó thực hiện trong khi quy hoạch cụ thể lại quá chi tiết, thiếu tầm, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề xuất, cần tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch quá tùy tiện.

“Nếu không có tính ổn định trong quy hoạch thì không thu hút được nhà đầu tư”, vị này nhấn mạnh.

Ông này cũng lưu ý, việc quy hoạch nào cũng phải đi trước một bước sẽ điều không hay và để tránh chồng lấn, thì phải đồng thời thực hiện các bản quy hoạch./.

Việc xây dựng Luật Quy hoạch không dễ và để có thể trình sớm nhất dự thảo Luật, Bộ Kế hoạch dự kiến sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc hội thảo xung quanh vấn đề này, đồng thời sẽ phối hợp với Tạp chí Kinh tế và Dự báo tiếp tục lắng nghe các nhà nghiên cứu, các chuyên gia góp ý tại Diễn đàn xây dựng Luật Quy hoạch. Các bài viết góp ý được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo in và tạp chí điện tử (kinhtevadubao.com.vn) sẽ được trả nhuận bút theo quy định của Tạp chí.