Ngày 24/10/2019, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thay mặt Ủy ban Thường trực Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo trước Quốc hội

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển mới, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:

Phương án 1: Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án này.

Phương án 2: Viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, khi Luật có hiệu lực đối với cả hai phương án sẽ cơ bản không có thay đổi về chế độ, chính sách so với hiện hành.

Cụ thể: Đối với viên chức đã ký hợp đồng không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn; trường hợp đã ký hợp đồng xác định thời hạn thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo đúng quy định của Bộ luật Lao động. Đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày Luật có hiệu lực thì mỗi phương án có những ưu điểm, hạn chế riêng. Tuy nhiên, để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời” và thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương, kết luận của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho lựa chọn Phương án 1 và thể hiện như trong dự thảo Luật.

Về việc hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, với quy định về chế độ thôi việc như trong Điều 45 của Luật Viên chức hiện hành thì trong quá trình thực hiện đã phát sinh bất hợp lý trong việc giải quyết chế độ thôi việc trong trường hợp viên chức được điều chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác trên cùng một địa bàn hoặc luân chuyển từ địa phương này sang địa phương khác theo kế hoạch từ trung ương về địa phương và ngược lại.

Về bản chất, trong những trường hợp này viên chức vẫn đang tiếp tục thực hiện công việc, chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, nhưng vẫn được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là không phù hợp và còn dẫn đến trường hợp “lách” chính sách thôi việc. Do đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý để giải quyết những bất cập này. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, khoản 5 Điều 2 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 45 của Luật Viên chức đã quy định rõ ràng viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Hiện nay Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy định chi tiết đã có quy định cụ thể về vấn đề này (bao gồm cả cơ quan có trách nhiệm chi trả, thủ tục, mức chi trả). Do đó, không bổ sung quy định này vào Luật để tránh trùng lặp và cũng là bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của từng luật.

Về chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy định trong nội tại của Luật, thể hiện rõ chế độ, chính sách chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội bổ sung khoảng 8 vào Điều 2 của dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 58 của Luật Cán bộ, công chức hiện hành) theo hướng: việc tuyển dụng viên chức vào làm công chức phải thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật; quá trình cống hiến, thời gian công tác của viên chức trước khi chuyển sang làm cán bộ, công chức và ngược lại được xem xét khi thực hiện các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, để làm rõ việc áp dụng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm Luật có hiệu lực, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và tương thích với quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, trong dự thảo Luật đã bổ sung Điều 3 về điều khoản chuyển tiếp trong đó quy định: việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện theo quy định của Luật này./.