Ngày 04/11/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung chủ trì cuộc họp/ Ảnh: Đức Trung

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 26/7/2019 về việc giao các cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành liên quan soạn thảo 04 nghị định hướng dẫn thi hành luật Đầu tư công (sửa đổi), gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đầu tư công; Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/1016 và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.

“Đối với dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 84 và Nghị định số 131, ngoài các nội dung liên quan đến Luật Đầu tư công (sửa đổi), các nghị định này còn có nội dung liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các luật này đang trong quá trình xây dựng, sửa đổi. Do vậy, đối với 02 nghị định này, bước đầu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều và sau khi các Luật nêu trên được ban hành sẽ tiến hành sửa đổi toàn diện”, Thứ trưởng cho hay.

Đến thời điểm hiện tại, các dự thảo đã được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến góp ý.

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Phó Trưởng ban Soạn thảo Nghị định ông Trần Quốc Phương cho biết, Nghị định hướng dẫn chung, quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công có kết cấu gồm 8 chương, 54 điều.

Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm các nội dung quy định chi tiết thi hành 15 điều, khoản của Luật Đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 936/QĐ-TTg.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định thêm việc Quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng.

Lý giải vì sao phải quy định về quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, ông Phương cho biết, hiện tại, nội dung quy định về quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chưa được quy định trong hệ thống pháp luật.

Còn nội dung quy định về quản lý dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng được quy định tại Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13. Tuy nhiên, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 sẽ hết hiệu lực theo Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 kể từ ngày 01/01/2020.

“Do đó, để tránh khoảng trống pháp lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quy định nội dung này tại dự thảo Nghị định, kế thừa và hoàn chỉnh trên cơ sở nội dung đã được quy định tại Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13”, ông Phương giải thích rõ.

Về nội dung Nghị định này, theo ông Phương, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được ý kiến góp ý (bằng văn bản hoặc qua hệ thống thư, văn bản điện tử) của 25 cơ quan trung ương và 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm cả góp ý của Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương). Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhận được ý kiến góp ý của 17 thành viên Ban soạn thảo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp có 305 ý kiến góp ý cho nội dung của Nghị định, trong đó có 227 ý kiến góp ý trực tiếp cho 43 Điều và 78 ý kiến cho các vấn đề chung của Nghị định.

Báo cáo về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, ngày 16/3/2016 và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lưu Quang Khánh, Phó Trưởng ban Soạn thảo Nghị định cho biết, nguyên tắc xây dựng Dự thảo là kế thừa các quy định còn phù hợp của 02 nghị định này, bổ sung, sửa đổi một số quy định phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, giải quyết các vướng mắc, bất hợp lý được các cơ quan Việt Nam và đối tác phát triển phản ánh và đề xuất sửa đổi trong quá trình triển khai Nghị định 16 và Nghị định 132.

Về tiến độ của dự thảo, theo ông Khánh, còn một nội dung liên quan đến Bộ Tài chính, đang đợi Bộ này góp ý là hoàn thiện.

Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Phó Trưởng Ban Soạn thảo Nghị định, ông Tăng Ngọc Tráng cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84 được xây dựng dựa trên cơ sở quy định chi tiết nhiệm vụ được giao tại Khoản 6 Điều 73 của Chính phủ quy định phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công. Đồng thời, bổ sung một số nội dung phù hợp với pháp luật về đầu tư và đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Ban soạn thảo cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công.

Theo ông Tráng, Khoản 6 Điều 73 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 đã giao Chính phủ quy định phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công.

“Đây là nội dung quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, do thời gian nghiên cứu hạn chế, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa có điều kiện tổ chức nghiên cứu chuyên sâu và tham vấn các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong lĩnh vực này. Dự thảo quy định chung về phương pháp và một số tiêu chí tổng quát. Phương pháp và tiêu chí cụ thể Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục nghiên cứu”, ông Tráng đề nghị.

Về sửa đổi quy định về chi phí giám sát, đánh giá đầu tư, ông Tráng chỉ rõ, thực tế triển khai quy định tại Điều 52 Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về chi phí thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư cho thấy, việc quy định chung chi phí cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư bằng 20% chi phí quản lý chương trình, dự án là chưa hợp lý.

Vì thế, Dự thảo Nghị định tách riêng chi phí giám sát và đánh giá đầu tư theo hướng: Chi phí cho công tác giám sát đầu tư bằng 10% chi phí quản lý chương trình, dự án; Chi phí cho công tác đánh giá đầu tư được tính bằng % chi phí quản lý chương trình, dự án theo quy định hiện hành như sau: Chi phí đánh giá ban đầu: 2%; Chi phí đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn: 2%; Chi phí đánh giá kết thúc: 3%; Chi phí đánh giá tác động: 5%; Chi phí đánh giá đột xuất: 3%.

Trường hợp vận dụng định mức chi phí không phù hợp hoặc chương trình, dự án có quy mô lớn hoặc trường hợp cần phải thuê tư vấn nước ngoài thực hiện thì tổ chức lập dự toán để xác định chi phí.

“Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị huy động các nguồn lực thực hiện đánh giá đầu tư toàn diện hơn”, ông Tráng khẳng định.

Một nội dung quan trọng khác, theo ông Tráng, đó là dự thảo Nghị định cũng bãi bỏ quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư.

Lý giải nguyên nhân, ông Tráng cho biết, theo Luật số 03/2016/QH14 ngày 22/11/2016 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, thì dịch vụ tư vấn đánh giá dự án đầu tư và dịch vụ đào tạo đánh giá dự án đầu tư không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì thế, việc quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định bãi bỏ các quy định về cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP để phù hợp với quy định của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP. Các nội dung khác sẽ được nghiên cứu rà soát, sửa đổi tổng thể sau khi các luật về đầu tư, xây dựng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư được xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.

Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung, kết cấu Dự thảo. Đồng thời, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề liên quan đến ODA; thẩm quyền đóng dấu bản vẽ thiết kế sau khi thẩm định; việc quản lý thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng; thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư vốn tín dụng…

Về những nội dung được góp ý, các đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh rằng, việc xây dựng các Nghị định này phải đảm bảo nguyên tắc bám sát nội dung của Luật Đầu tư công (sửa đổi), bám sát các điều, khoản cần phải hướng dẫn và các điều khoản cần sửa đổi, bổ sung của các Nghị định có liên quan để phù hợp với tinh thần Luật Đầu tư công.

Trong quá trình soạn thảo các nghị định được xây dựng theo theo tinh thần kế thừa nội dung các nghị định đã ban hành trước đây.

Theo Thứ trưởng, định hướng quan trọng trong xây dựng các nghị định này là nhằm tháo gỡ những vướng mắc đang gây khó khăn trong tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi, cũng như không tạo ra những thủ tục không cần thiết liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đề nghị Ban Soạn thảo tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát nội dung để hoàn thiện Dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư công sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2020./.