Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020, ngày 24/12/2019.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Những kết quả đạt được

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới theo đúng phương châm của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Bộ, ngành Tư pháp tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng; tổng kết, sơ kết nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng; xây dựng các luận cứ để Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách pháp luật trong giai đoạn mới.

Chất lượng, tiến độ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được cải thiện. Bộ Tư pháp đã thẩm định hơn 250 dự thảo; tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định gần 750 dự thảo và hơn 5.600 dự thảo do các sở tư pháp, phòng tư pháp thẩm định.

Trong năm 2019, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 18 dự án luật và nhiều nghị quyết; cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 881 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), giảm 108 văn bản so với năm 2018; các địa phương ban hành 3.556 văn bản cấp tỉnh (tăng 6,3%), 1.074 văn bản cấp huyện (giảm gần 34%) và 3.524 văn bản cấp xã (giảm 57%).

Như vậy số lượng VBQPPL được ban hành tiếp tục giảm mạnh so với những năm trước, nhất là ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành VPQPPL. Chất lượng VBQPPL do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành được đảm bảo hơn.

Các công tác tư pháp khác, như: hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, con nuôi, lý lịch tư pháp; bổ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hòa giải ở cơ sở… tiếp tục có những chuyển biến rõ nét, đóng góp tích cực vào quá trình cải cách tư pháp, mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp là công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính. Theo đó, trong năm 2019, các cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý 972.376 việc (tăng 4,99% so với năm 2018), trong đó số có điều kiện thi hành là 737.061 việc, đã thi hành xong 579.256 việc (tăng 1,42% so với năm 2018), đạt tỷ lệ 78,59%.

Về tiền, tổng số thụ lý là hơn 273.748 tỷ đồng (tăng 39,81% so với năm 2018), trong đó số có điều kiện thi hành là hơn 148.791 tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 52.715 tỷ đồng (tăng 52,77% so với năm 2018), đạt tỷ lệ 35,43%.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Bên cạnh các kết quả nêu trên, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận, công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Việc bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật tiếp tục là thách thức lớn; việc gửi hồ sơ các dự án luật đến Chính phủ, Quốc hội còn chậm so với yêu cầu; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để.

Trong thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, còn có một số vi phạm của chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án; vẫn còn nhiều cơ quan, cá nhân chưa chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực về vụ việc hành chính.

Việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, công chứng vẫn còn có sai sót, tiêu cực; còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân; hoạt động của các trường trung cấp luật tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định, Bộ Tư pháp đã khẳng định được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của mình trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013.

“Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã nỗ lực tham mưu cho Chính phủ thực hiện các giải pháp hiệu quả nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật lên 17 bậc so với năm 2018, góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Bộ Tư pháp đã tham gia trách nhiệm, toàn diện về các vấn đề pháp lý quốc tế trong quá trình hội nhập; kịp thời tham mưu, đề xuất đưa ra các phương án hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, khai thác được các lợi ích từ việc hội nhập quốc tế cũng như đề xuất tham gia vào các thiết chế pháp lý quốc tế đa phương để cùng với các quốc gia xây dựng, định hình khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng chỉ rõ, công tác tư pháp vẫn còn những vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của Chính phủ và người dân.

Cụ thể, việc xây dựng thể chế phải được quan tâm hơn nữa, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp trong kinh doanh và đời sống. Bởi nếu niềm tin vào pháp luật không tốt, không an toàn cho doanh nghiệp, cá nhân thì kinh tế không phát triển được, xã hội không tiến bộ được, người dân không tin tưởng để làm ăn. Đáp ứng và thực hiện điều này là yêu cầu hết sức quan trọng của ngành tư pháp.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tư pháp tham mưu giúp Chính phủ trong hoàn thiện thể chế, phân công trách nhiệm, xử lý nhanh chóng tình huống, tháo gỡ thể chế, không để nợ đọng, tháo gỡ cho được các vướng mắc về thể chế, pháp luật, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả của công việc.

Công tác bổ trợ tư pháp như công chứng, thừa phát lại cũng cần được quan tâm, chấn chỉnh không để sai sót xảy ra như công chứng không đúng sự thật, thừa phát lại làm sai chức năng, thẩm quyền… ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin và hoạt động của ngành tư pháp.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý: “Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác tư pháp, pháp chế để việc ban hành các văn bản đúng pháp luật, chính xác, không để cán bộ tham mưu yếu kém chuyên môn hay ‘cài cắm’ vào đó lợi ích cá nhân, tập thể hay của bộ ngành”.

Đối với công tác thi hành án dân sự, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác này vẫn còn nhiều yếu kém, hạn chế. Nhiều cán bộ thi hành án dân sự bị xử lý kỷ luật, có nhiều trường hợp bị khởi tố, bắt giam, xét xử mà chủ yếu là do sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự mà ra.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, cán bộ thực thi công tác này phải công minh, liêm chính, có đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, chấp hành nghiêm pháp luật trong việc thi hành án dân sự, bởi đã có dư luận quá nhiều, nhất là việc bán đấu giá tài sản hiện nay.

“Sau lưng các tổ chức đấu giá tài sản là “cò mồi”, “xã hội đen”. Phải dẹp được vấn nạn này để pháp luật được thi hành nghiêm minh, không để trục lợi hoặc cán bộ, công chức tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực đối với công tác này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

6 nhiệm vụ lớn của ngành tư pháp năm 2020

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Phó Thủ tướng lưu ý, đây là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng của nước ta như đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu mới, thách thức mới cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế rất nặng nề, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị ngành tư pháp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, Bộ, ngành tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế-xã hội bằng pháp luật.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngành tư pháp cần phải tiếp tục làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trong quá trình xây dựng chính sách, cụ thể hóa chính sách cần phải nghiên cứu kỹ các nghị quyết của Đảng để đề xuất, cụ thể hóa thành chính sách pháp luật, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cần có giải pháp truyền thông mạnh mẽ các chính sách mới, dự kiến ban hành để đồng bào cử tri, doanh nghiệp hiểu, tham gia xây dựng chính sách, bảo đảm tính khả thi của quy phạm.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trong đó cần tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.

Nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; tổ chức, thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc theo dõi thi hành án hành chính đối với 100% bản án, quyết định hành chính của tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi, tham mưu, xử lý nghiêm trách nhiệm Chủ tịch UBND, UBND các cấp không chấp hành án hành chính nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực này; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp phù hợp với yêu cầu của thực tiễn song song với nâng cao chất lượng dịch vụ và yêu cầu quản lý Nhà nước với bước đi, lộ trình. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý nhằm phát huy tối đa, hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các hội nghề nghiệp như đoàn luật sư, hội luật gia, hội công chứng,...

Thứ tư, Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp đầu tư. Đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hơn nữa đến các yếu tố pháp lý trong quá trình quyết định các dự án đầu tư, phát huy vai trò của Sở Tư pháp và cơ quan pháp chế trong việc tham mưu cho UBND cấp tỉnh khi xử lý các vấn đề này.

Thứ năm, chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những chuyển biến rất nhanh của tình hình thực tiễn trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao nhận thức chính trị, phòng ngừa các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ.

Thứ sáu, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tham gia tích cực vào triển khai các nhiệm vụ công tác của bộ, ngành, địa phương mình; đồng thời, tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp địa phương cũng cần phối hợp tốt hơn nữa với Bộ Tư pháp trong triển khai các nhiệm vụ./.