Ngày 9/7/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP. Theo đó nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, từng bước thực hiện có kết quả tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Khẩn trương đánh giá nợ xấu

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủgiao choNgân hàng Nhà nướcthực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương đánh giá thực trạng nợ xấu, phân tích tình hình nợ; triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém. Điều hành tỷ giá và chính sách ngoại hối linh hoạt theo hướng ổn định, phù hợp với các cân đối vĩ mô, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại tệ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với các cân đối vĩ mô; tiếp tục điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp; tập trung cho vay vốn trong các lĩnh vực ưu tiên, nhất là tiêu thụ nông sản và thủy sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải theo dõi sát tình hình, diễn biến các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng để điều chỉnh phù hợp, bảo đảm tăng dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý để vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vừa kiềm chế lạm phát trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Đẩy nhanh giải ngân

Vấn đề giải ngân đang là mối quan ngại của nền kinh tế. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các khoản chi ngân sách nhà nước; giữ mức bội chi 4,8%. Có biện pháp hỗ trợ thuế đúng đối tượng; nghiên cứu giảm thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nông nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng Nhà nước quản lý giá, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường, giá cả; kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương trình Chính phủ xem xét việc ứng trước kế hoạch vốn đầu tư năm 2013 đối với các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012 và năm 2013; đề xuất giải pháp thu hút, giải ngân các nguồn vốn FDI, ODA và tìm nguồn vốn đối ứng để đẩy nhanh thực hiện các dự án ODA, trước mắt, cần giải quyết ngay vốn đối ứng ODA các dự án cấp bách triển khai trong năm 2012; xóa bỏ rào cản đầu tư bất hợp lý, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.

Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường

Đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường ngoài nướclà một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ giao cho Bộ Công Thương.

Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu bộ này quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, nhất là hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng nông sản, thực phẩm, các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tìm và mở rộng thị trường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp tục có giải pháp duy trì đà tăng trưởng cao của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh; kiểm định chất lượng hàng xuất khẩu..., tranh thủ cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng và thị trường đang có triển vọng phục hồi.

Đồng thời, triển khai các chương trình khuyến mại, kích thích tiêu thụ và tiêu dùng; tiếp tục đổi mới hệ thống phân phối, đưa hàng về nông thôn, tập trung phát triển thị trường trong nước.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần chú trọng thực hiện các biện pháp tạo việc làm cho người lao động bị mất việc từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, các hộ gia đình thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo tính công bằng và an toàn của quỹ...

Chưađặt vấn đề giảm thuếVAT

Vấn đề giảm thuế VAT, giảm thuế tiêu thụ doanh nghiệp vừa qua cũng được rất nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị trong gói hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chính phủ thống nhất nhận định, lộ trình và phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cần đặt trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay chưa đặt vấn đề giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thay vào đó là tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân theo Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 và Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII về miễn, giảm thuế.

Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ của Bộ Tài chínhthời gian tới là tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để điều chỉnh chính sách thuế phù hợp; đề xuất phương án hỗ trợ thuế để khuyến khích tiêu thụ một số mặt hàng nông sản và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinhh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đến 2015, phải hoàn thành việc thoái vốn ngoài ngành

Nhấn mạnh rằng, việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ yêu cầu từ nay đến 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của nhà nước.

Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính (bao gồm cả các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn thì khẩn trương lập phương án thoái vốn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể.

Đối với các lĩnh vực đầu tư có hiệu quả hoặc gặp khó khăn tạm thời thì xem xét, tạo điều kiện để phát triển và tính toán thời điểm thoái vốn sao cho có hiệu quả nhất, theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.

Chính phủ nhấn mạnh, việc thoái vốn cần có phương án, lộ trình cụ thể, gắn với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đối với từng Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro, như: bất động sản, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

Chính phủ giao Bộ Tài chính cử kiểm soát viên tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước để theo dõi, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc việc cấp bảo lãnh vay vốn nước ngoài để mua máy bay của Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam theo báo cáo của Bộ Tài chính./.