Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.

Trong đó, Nghị định số 01/2020/NĐ-CP bổ sung thêm quy định về phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình đầu tư công.

Theo đó, phương pháp đánh giá hiệu quả chương trình đầu tư công là phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp).

Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư chương trình đầu tư công: Sự phù hợp của chương trình với mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đối tượng hưởng lợi và chính sách phát triển của nhà tài trợ (nếu có); mức độ đạt được mục tiêu đầu tư chương trình theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt; chỉ số khai thác, vận hành thực tế của chương trình so với các chỉ số khai thác, vận hành của chương trình đã được phê duyệt; các tác động kinh tế - xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên,...); các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.

Nghị định số 01/2020/NĐ-CP cũng bổ sung khoản 4 Điều 18 quy định phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công. Cụ thể, tùy theo quy mô và tính chất của dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp) hoặc phương pháp phân tích chi phí - lợi ích.

Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công: Mức độ đạt được mục tiêu đầu tư dự án theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt; chỉ số khai thác, vận hành thực tế của dự án so với các chỉ số khai thác, vận hành của dự án đã được phê duyệt; tỷ suất hoàn vốn nội bộ (EIRR); các tác động kinh tế - xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên); các biện pháp để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện.

Bên cạnh đó, Nghị định số 01/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi nội dung giám sát của người có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; nội dung giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư...

Nghị định này bãi bỏ khoản 1 Điều 30 và Chương IX Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.

Lý giải vì sao phải có những sửa đổi trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo Luật số 03/2016/QH14 ngày 22/11/2016 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, dịch vụ tư vấn đánh giá dự án đầu tư và dịch vụ đào tạo đánh giá dự án đầu tư không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, quy định về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư tại Chương IX Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư không quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án. Do đó, cần bãi bỏ các quy định về cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP cho phù hợp.

Căn cứ các nội dung nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Đầu tư công, Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thực tế triển khai là hợp lý và cần thiết./.