Còn nhiều hạn chế, bất cập trong chính sách tiền lương hiện hành

Tính từ lần cải cách chính sách tiền lương gần đây nhất (năm 2003) đến nay, chúng ta đã có 12 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung (từ ngày 01/07/2013 thay bằng mức lương cơ sở) từ 210.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng và đến 01/07/2020 sẽ tăng lên mức 1.600.000 đồng/tháng.

Trong khu vực doanh nghiệp, chính sách tiền lương từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Mức lương trả cho người lao động dựa trên sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhà nước giảm dần sự can thiệp hành chính, quản lý tiền lương thông qua quy định mức lương tối thiểu vùng là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động, việc làm.

Từ năm 2021, người lao động sẽ thỏa thuận tiền lương với chủ sử dụng lao động, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương doanh nghiệp

Việc vận hành cơ chế thương lượng, thỏa thuận về tiền lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (bao gồm các thành viên đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương) đang là mẫu hình cho cơ chế 3 bên ở nước ta. Tính từ năm 2014 đến nay, trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Chính phủ đã công bố mức lương tối thiểu vùng hằng năm tăng tổng cộng 66,4% (năm 2014 tăng 15,2%; năm 2015 tăng 14,2%; năm 2016 tăng 12,4%; năm 2017 tăng 7,3%; năm 2018 tăng 6,5%; năm 2019 tăng 5,3% và năm 2020 tăng 5,5%), góp phần cải thiện đời sống của người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, tiền lương của đa số cán bộ công chức, viên chức và người lao động còn thấp so với nhu cầu cuộc sống.

Đặc biệt, chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động. Mức lương cơ bản được quy định bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số nên không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Trong khi đó, mức lương cơ sở lại thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng, dẫn đến tiền lương khu vực công cách biệt và thấp hơn khu vực doanh nghiệp. Hiện có quá nhiều loại phụ cấp, đặc biệt là phụ cấp theo nghề và hệ số tiền lương tăng thêm đối với một số cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tài chính đặc thù do nhiều cơ quan quyết định, làm phát sinh những bất hợp lý. Tổng quỹ phụ cấp còn lớn, chiếm khoảng 40% tổng quỹ tiền lương (thông lệ quốc tế là khoảng 30%). Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, trả thưởng gắn với năng suất lao động, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức, viên chức và người lao động.

Tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối trong kinh tế thị trường, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Quy định về tiền lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa có tiền lương tối thiểu theo giờ nên độ bao phủ còn hẹp, việc bảo vệ người lao động yếu thế còn hạn chế.

Những thay đổi về chính sách tiền lương từ năm 2021

Trước thực trạng trên, để đảm bảo ổn định xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, ngày 21/05/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu tổng quát: “Xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”.

Để thực hiện đươc mục tiêu tổng quát nêu trên, Nghị quyết đã xác định các mục tiêu và các giải pháp cụ thể, trong đó mốc thời gian từ năm 2021 được đánh dấu có nhiều thay đổi mạnh mẽ và căn bản của chính sách tiền lương.

Đối với khu vực công

Từ năm 2021, thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Theo đó, sẽ thay thế hệ thống bảng lương hiện hành bằng hệ thống bảng lương mới: Bảng lương chức vụ, áp dụng đối với lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; và Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức, áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo.

Bảng lương chức vụ được xây dựng theo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới.

Thứ hai, quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, ủy ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.

Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức phải bảo đảm nguyên tắc: cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.

Về các chế độ phụ cấp lương, sẽ sắp xếp lại bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương,theo hướng:

(1) Tiếp tục áp dụng một số chế độ phụ cấp, như: phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; và phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng;

(2) Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề; Gộp chế độ phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn;

(3) Bãi bỏ phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp công vụ; phụ cấp đảng, đoàn thể; phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu).

Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, sẽ đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, kỷ luật, trả lương và quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Từ năm 2021, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Đối với khu vực doanh nghiệp

Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định rõ “Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp”.

Quy định về tiền lương, nhất là tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động 2019 (được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) đã thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 27/NQ-TW nêu trên. Theo đó, Bộ luật Lao động 2019 đã bỏ quy định Chính phủ quy định nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, mức lao động vàquy định theo hướng giao quyền chủ động chongười sử dụng lao động trong xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động trên cơ sở đối thoại với tổ chức đại diện người lao động; giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào chính sách tiền lương trong doanh nghiệp; nâng cao sự chủ động thỏa thuận, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động. Điều 93, Bộ Luật Lao động 2019 xác định: “Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động” và “Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương vàđịnh mức lao động”.

Ngoài “Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng”, Bộ luật Lao động 2019 còn bổ sung thêm mức lương tối thiểu theo giờ (khoản 2, Điều 91) nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động.

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên 7 yếu tố: (1) Mức sống tổi thiểu của người lao động và gia đình họ; (2) Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; (3) Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; (4) Quan hệ cung cầu lao động; (5) Việc làm và thất nghiệp; (6) Năng suất lao động; (7) và Khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Đồng thời, để bảo đảmkhách quan trong việc đưa ra các căn cứ thương lượng mức lương tối thiểu vùng hàng năm, Bộ luật Lao động 2019 quy định bổ sung thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia là những chuyên gia kinh tế - xã hội.

Trách nhiệm của tổ chức công đoàn

Là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, Công đoàn Việt Nam có quyền và trách nhiệm hết sức to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc cải cách chính sách tiền lương lần này. Muốn vậy, các cấp công đoàn cần tập trung nguồn lực, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn, người lao động và cả người sử dụng lao động về mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương, tạo sự đồng thuận để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Thứ hai, tăng cường công tác tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách - pháp luật, nhất là pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương trong khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Các cấp công đoàn cần chủ động tham gia rà soát, xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, nội quy, quy chế về tiền lương, tiền thưởng, các văn bản quy định về tiền lương mới theo nội dung cải cách.

Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc tham gia triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động công đoàn; phát triển tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là công đoàn cơ sở. Chú trọng và nâng cao chất lượng thương lượng, thỏa thuận về tiền lương trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ tư, tích cực tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương theo quy định của pháp luật trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp cố tình né tránh, thực hiện không nghiêm túc hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương và vi phạm quy định của pháp luật về tiền lương./.

ThS. Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số tháng 01+02/2020)